Giữa trưa hè oi bức, một phiên xử tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (SDĐ) và đòi tài sản diễn ra trong không khí khá nặng nề bởi cả hai bên nguyên, bị lẫn những người liên quan đều trong một gia đình.
1. Nội dung vụ án khá đơn giản: Cụ ông 89 tuổi và cụ bà 87 tuổi có với nhau tám người con (một trai trưởng và bảy con gái). Tất cả các con đều đã được cha mẹ cho đất, trong đó ông K. là con trai duy nhất nên được cho 2.122 m2, các con gái được cho mỗi người 1.000 m2.
Năm 2016, ông K. nộp đơn khởi kiện bà H. (một người em gái) ra TAND quận Thủ Đức. Theo ông K., ông đã được cấp giấy đỏ (loại đất trồng cây lâu năm) trên phần đất 2.122 m2 mà cha mẹ cho. Vì bà H. làm việc ở Chi cục Thuế quận, sẽ được miễn giảm tiền thuế chuyển mục đích SDĐ nên ông có ký hợp đồng tại phòng công chứng với nội dung cho bà H. 1.000 m2 để bà đứng tên quyền SDĐ, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị và chuyển trả lại cho ông.
Tuy nhiên, sau khi ông K. đi đóng tiền SDĐ vào tháng 6-2013 và yêu cầu bà H. trả đất thì bà H. chỉ trả lại cho ông 500 m2. Vì vậy ông K. khởi kiện yêu cầu hủy bỏ một phần hợp đồng tặng cho quyền SDĐ với lý do bị lừa dối, đồng thời yêu cầu tòa hủy giấy đỏ mà UBND quận Thủ Đức đã cấp cho bà H. và buộc bà trả lại 500 m2 đất.
Trong khi đó, bà H. nói cuối tháng 9-2010, ông K. tặng cho bà 1.000 m2 đất. Bà đã đăng ký quyền SDĐ và được UBND quận Thủ Đức cấp giấy đỏ. Hai tháng sau, bà xin chuyển mục đích SDĐ và được chấp nhận cấp giấy chuyển mục đích sử dụng thành 891 m2 đất ở và 109 m2 đất trồng cây lâu năm. Cuối năm 2012, khi chuẩn bị sinh con, bà ủy quyền cho ông K. đi thực hiện một số công việc theo thỏa thuận, trong đó có việc đi đóng tiền SDĐ. Sau đó, ông K. và người cha bắt bà phải trả cho ông K. 500 m2, phần còn lại là của bà theo cam kết của ông K. Tiền ông K. đóng tiền SDĐ là của bà đưa nên bà không chấp nhận yêu cầu của ông K.
|
2. Vụ án đã trải qua nhiều lần xét xử sơ, phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai mới đây, TAND TP.HCM nhận định hợp đồng tặng cho đất giữa hai anh em thực chất nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích SDĐ để ông K. xây nhà ở. Điều này được chính bà H. thừa nhận tại biên bản hòa giải ở UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Mặt khác, sau khi sang tên đất cho bà H., trên thực tế các bên không giao nhận đất. Việc đổ đất san lấp mặt bằng, nộp tiền chuyển mục đích SDĐ, xây nhà theo giấy phép xây dựng đứng tên bà H. cũng như xây tường rào bao quanh khu đất, quản lý SDĐ đều do vợ chồng ông K. bỏ tiền bạc cũng như công sức. Vợ chồng ông K. là người trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp. Nhà xây dựng được cấp số, được cấp hộ khẩu cho gia đình ông K. cư trú tại đây từ năm 2011.
Cũng theo lời khai của bà H. tại biên bản hòa giải, phần đất 1.000 m2 mà ông K. tặng cho bà trước đây cha mẹ bà giao ông K. đứng tên giùm. Cha mẹ bà yêu cầu ông K. chuyển sang cho bà để lập thủ tục chuyển mục đích sang đất thổ cư với mục đích xin giấy phép xây dựng nhà. Phần cha bà 500 m2 đồng ý cho ông K. nhưng phần mẹ bà 500 m2 thì không cho ông K. nên bà giữ lại.
Theo tòa, lời khai của bà H. tại các phiên xử có mâu thuẫn. Tại cấp sơ thẩm, bà khai tiền nộp thuế chuyển mục đích SDĐ là của bà đưa cho ông K. đi nộp. Tại cấp phúc thẩm, bà lại khai bà là người nộp tiền chuyển mục đích SDĐ nhưng không có gì chứng minh. Lời khai của bà cho rằng cha mẹ bà để ông K. đứng tên giùm 1.000 m2 có mâu thuẫn với lời khai của cha mẹ tặng cho riêng ông K. 2.122 m2 đất. Cha mẹ bà cũng không có lời khai hoặc chứng cứ giao cho ông K. đứng tên giùm 1.000 m2 trên tổng diện tích 2.122 m2 đã cho ông K. như bà trình bày.
3. Phiên xử chưa kết thúc, chỉ mới nghe đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K., bà H. và một người chị em của mình đã tỏ ra bức xúc, ra đứng giữa sân tòa la hét. HĐXX vừa tuyên án xong cũng là lúc chị em bà liên tục dùng những lời lẽ khó nghe để chửi bới anh mình cùng HĐXX, VKS và tuyên bố “đấu tới cùng”.
Làm đau lòng, ám ảnh người dự khán và những người tiến hành tố tụng hơn cả là hình ảnh một cụ bà 87 tuổi. Một bà mẹ già bị con đưa tới tham dự phiên xử, ngồi dự mà như không biết đang có chuyện gì xảy ra. Ánh mắt của cụ mông lung, hai bàn tay vần vò nhau suốt buổi, khi được hỏi đến thì cụ chỉ lặp đi lặp lại một câu “tôi cho bà...” mà không cần biết ai đã hỏi gì vì bà đã lãng tai.
Anh em ruột tranh chấp, kéo cả cha mẹ vào cuộc khi họ đã cuối đời. Hai ông bà bất hạnh không còn được gặp mặt, sống chung, chăm sóc nhau khi tuổi đã già. Người cha sống với ông K., còn người mẹ sống cùng bà H. Khi anh em họ đã đi tới nước đưa nhau ra tòa, chẳng còn nhìn mặt nhau thì cha mẹ họ làm gì có ngày được gặp nhau.
Hỏi thăm, tôi được biết cụ ông đang bệnh tật, già yếu, đi lại khó khăn, sắp mất. Nhìn cụ bà, tôi chợt nghĩ không biết cụ có biết tình hình bây giờ của chồng không. Chợt nghĩ có khi nào họ đang sống mà không được gặp mặt nhau đến hết đời luôn sao. Tất cả chỉ vì những đứa con mà ông bà đã thương yêu, nuôi lớn mà nay…
Tác giả: HOÀNG YẾN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM