Trước hàng loạt chương trình lễ hội, văn nghệ hướng tới dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên:
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô
Hiện tại, có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô đã và đang diễn ra và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Theo ông, trong loạt chương trình ấy thì chương trình nào là điểm nhấn?
Từ đầu tháng 10, hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao đã được phát động trên diện rộng từ các quận huyện như Liên hoan sân khấu Hà Nội, Liên hoan múa rồng, cuộc thi giọng hát hay Hà Nội, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa, Giải đua xe đạp xung quanh Bở Hồ…
Nhưng có thể nói, điểm nhấn quan trọng của loạt sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô là chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại 4 điểm cầu lớn là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Tượng đài Lý Thái Tổ, Văn Miếu- Quốc Tử Giám và tại sân khấu Đài Truyền hình Việt Nam.
Cũng trong dịp này, phần hội nhiều hơn với các hoạt động văn hóa như âm nhạc đường phố, diễu hành để mọi người dân trực tiếp hòa mình vào không khí chào mừng. Không chỉ có nghệ sĩ trong nước, ngay trên đường phố sẽ có sự xuất hiện của các nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn.
Lễ hội áo dài “Hương sắc Hà Nội” đang nỗ lực để tạo dấu ấn với khán giả (Ảnh tổng duyệt tối 8/10)
Ông có thể cho biết rõ hơn về những điểm hấp dẫn trong chương trình cầu truyền hình diễn ra vào ngày 10/10 tới?
Chúng tôi dự định sẽ có những chương trình giao lưu khách mời, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn tại 4 điểm cầu. Ví dụ như tại điểm cầu Đài Truyền hình Việt Nam sẽ có cuộc giao lưu với các khách mời, các nhân chứng lịch sử.
Điểm cầu ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật Tháng 10 Hà Nội của các nghệ sĩ nổi tiếng của cả nước như NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Hoàng Chè, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương, Anh Thơ, Thùy Dung…
Điểm cầu tại tượng đài Lý Thái Tổ là chương trình Hà Nội ngày về diễn tả quá trình lịch sử khi Hà Nội được giải phóng. Tại đầu cầu này khán giả sẽ được xem màn sử thi với nhiều thể loại nghệ thuật cùng tham gia như kịch, xiếc, cải lương, ca nhạc nhẹ…
Điểm cầu Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại là sắc màu thời trang mang tên Hương sắc Hà Nội với màn trình diễn áo dài của các NTK nổi tiếng như NTK Đức Hùng, Anh Thư, Lan Hương, Võ Thùy Dương… Chương trình này rất đặc biệt và ý nghĩa được hi vọng sẽ tổ chức hàng năm như một thương hiệu nghệ thuật.
Cũng trong dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô này, ngành văn hóa Hà Nội có xác lập kỷ lục chương trình nào không, thưa ông?
Ngành văn hóa Hà Nội không chủ trương xác lập kỷ lục, không lấy số lượng đông, nhiều để làm tiêu chí thực hiện mà tập trung và chất lượng của các chương trình. Các chương trình diễn ra phải thể hiện cái tinh, cái chất của người Hà Nội và nếu có cái gọi là kỷ lục thì đó là tình cảm và sự hưởng ứng của người dân trong loạt sự kiện ý nghĩa này.
“Vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân tham gia sự kiện được đặt lên hàng đầu”
Hàng loạt chương trình diễn ra với số lượng lớn nghệ sĩ tham gia như thế, khiến không ít người đặt dấu hỏi về vấn đề chi phí thực hiện. Theo ông, ngành văn hóa giải quyết thế nào vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình kinh tế hiện nay?
Các chương trình nghệ thuật tối mai có sự tham gia của hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam và các ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trọng Tấn, Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng… nhưng cho đến thời điểm này, Sở VH,TT&DL Hà Nội chưa duyệt mức chi phí lớn nào cho ca sĩ. Theo như tôi được biết, hầu hết các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trên tinh thần cống hiến tự nguyện. Không những thế, ai cũng háo hức nhiệt tình, chỉ cần được tham gia, không quan tâm xuất hiện bao lâu trong chương trình.
Hồng Nhung, Mỹ Linh sẽ tham gia biểu diễn tại Hà Nội tối 10/10
Cũng như các dịp đại lễ, sự kiện trọng đại từng diễn ra tại Hà Nội; một câu hỏi nữa được đặt ra như một sự thách thức, một bài toán khó đó là làm sao đảm bảo được vấn đề an ninh, tránh tình trạng trộm cắp, nạn “chặt chém” phí dịch vụ? Ông có thể nói điều gì về vấn đề này?
Quả thực, đây là vấn đề lớn, gây nhức nhối và được quan tâm hàng đầu khi tổ chức sự kiện có sự tập trung của quá nhiều người dân. Về lo ngại này, chúng tôi đã phối hợp với bên an ninh để đảm bảo trật tự, an toàn cho người dân tham gia sự kiện một cách tốt nhất.
Có không ít ý kiến thể hiện sự lo ngại về việc quá nhiều người tập trung tại khu vực Bờ Hồ gây ùn tắc này khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán kỹ và thấy tổ chức sự kiện quanh khu vực Bờ Hồ là lựa chọn đúng đắn. Đó là nơi trung tâm, có khả năng thu hút sự quan tâm của nhiều người và như thế mới đạt được hiệu quả cao cho các chương trình.
Mặt khác, chúng tôi cũng tính toán rồi, lượng người tham gia đông đến mấy thì cũng như trong dịp đón Tết nguyên Đán thôi vì các chương trình tổ chức nối nhau chứ không phải là tất cả diễn ra một lúc. Cũng để tránh tình trạng người dân đổ dồn về khu vực trung tâm, chúng tôi quyết định bắn pháo hoa tại 30 điểm ở trung tâm các quận, huyện.
Hơn nữa, các chương trình nghệ thuật tối 10/10 cũng được truyền hình trực tiếp nên người dân không cần ra ngoài đường vẫn có thể được thưởng thức các chương trình, lễ hội.
Cũng trong dịp này, Hà Nội có tính đến việc thu hút lượng lớn khách tham quan trong và ngoài nước?
Hà Nội dự tính trong dịp này sẽ đón 3 triệu khách trong nước và quốc tế. Dịp này, Hà Nội cũng tổ chức du lịch làng nghề, các công ty lữ hành du lịch cũng tổ chức các gói kích cầu, giảm sâu để du khách đến với Hà Nội nhiều hơn.
Chúng tôi chủ trương, các loại dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm túc việc không tăng giá, “chặt chém” du khách. Hy vọng, những điều này sẽ được thực hiện tốt với đúng tinh thần mà ngành văn hóa đề ra để du khách trong và ngoài nước có được ấn tượng tốt đẹp khi đến với Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng