Tin Hà Tĩnh

Cần giải cơn khát vật liệu xây dựng ở Hà Tĩnh: Dự án đầu tư công, thiếu hàng triệu m3 đất san lấp

Rất nhiều dự án triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh đang bị thiếu hàng triệu m3 đất san lấp.

Đội giá đất san lấp

Những từ khóa “khan hiếm”, “thiếu nguồn cung”, “đội giá” vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường đã quá quen thuộc với người dân Hà Tĩnh trong khoảng 5 năm lại nay, khi mà nhu cầu đã vượt xa nguồn cung của các mỏ VLXD trên địa bàn. Đến nỗi, hầu như kỳ họp HĐND tỉnh nào “tư lệnh” ngành Tài nguyên – Môi trường cũng phải trả lời chất vấn trước cử tri về vấn đề này.

Hiện nay các dự án đầu tư công, dự án do các nhà đầu tư triển khai trên địa bàn, thậm chí nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân Hà Tĩnh đang cần khối lượng đất san lấp rất lớn.


Mới đây nhất, cử tri Trần Xuân Dũng, trú phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh: “Đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh rà soát, tổ chức triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với VLXD thông thường để đáp ứng nhu cầu vật liệu của các dự án và của người dân trên địa bàn toàn tỉnh”.

Theo anh Dũng, kế hoạch đấu giá mỏ VLXD (đất, đá) trong 2 năm qua không diễn ra trên địa bàn tỉnh, trong lúc đó, Sở TN-MT đã rất nhiều lần tham mưu bằng văn bản để xin ý kiến UBND tỉnh cho phép tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ đối với VLXD đã nằm trong quy hoạch, kế hoạch, tuy nhiên không hiểu sao đến nay vẫn chưa tổ chức đấu giá.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Cẩm Xuyên), ở thời điểm này, trên địa bàn Cẩm Xuyên không có mỏ đất nào còn giấy phép hoạt động; trong khi mỏ cát không có.

“100% nhu cầu VLXD thông thường thiếu hụt. Các công trình phải lấy đất san lấp từ các mỏ ở huyện Thạch Hà dẫn đến giá thành tăng cao, đội tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án”, ông Quang nói.

Đồng thời, viện dẫn số liệu, năm 2022 toàn huyện triển khai gần 130 công trình lớn nhỏ và xây dựng 800 nhà ở dân cư. Tổng khối lượng đất san nền khoảng 400 nghìn m3 và 200 nghìn m3 cát.

Trong tổng khối lượng trên, 100% cát phải mua ngoại huyện, còn đất mua ngoại huyện chiếm khoảng 30 - 40%.

Năm 2023, BQL dự án xây dựng huyện Cẩm Xuyên sẽ triển khai 3 dự án đầu tư công vốn trung hạn Trung ương, gồm: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cẩm Thạch - Thạch Hội; hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên và hạ tầng khu du lịch Nam Thiên Cầm. Nhu cầu đất san lấp của 3 dự án này khoảng 182 nghìn m3. Tuy nhiên nguồn cung bây giờ chỉ nhìn vào 2 mỏ đất ở Ngọc Sơn và Nam Điền, huyện Thạch Hà.

Khi nguồn cung thiếu, đất "đắt như tôm tươi", xe tải phải xếp hàng để chờ mua đất.


“Năm 2022 về trước ở Cẩm Xuyên có 2 mỏ đất được cấp phép nên nhu cầu lấy đất ngoại huyện chỉ khoảng 30% tổng khối lượng nhưng đến tháng 7/2022 cả 2 mỏ đều hết giấy phép. Nguy cơ thiếu đất san lấp, hoặc phải mua đất với giá cao của các dự án thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo là hiện hữu”, lãnh đạo BQLDA xây dựng huyện Cẩm Xuyên nhận định.

Chung thực trạng, trong năm 2023, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực khu kinh tế (KKT) tỉnh Hà Tĩnh cũng triển khai đồng loạt 4 dự án: Đường trục chính trung tâm nối QL1A đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (tổng mức đầu tư 1.437 tỷ đồng); dự án đường vành đai phía phía Nam KKT Vũng Áng (450 tỷ); dự án đường 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa (668 tỷ đồng) và dự án chỉnh trang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Vũng Áng. 4 dự án này cần khoảng 2,1 triệu m3 đất san lấp và 785 nghìn m3 cát.

Về phần cát, chủ đầu tư và nhà thầu không lo ngại, song đất san lấp k95, k98 hiện phụ thuộc hoàn toàn 2 mỏ Mũi Đòi, phường Kỳ Trinh và Động Ván, phường Hưng Trí, với tổng trữ lượng còn lại trong giấy phép khoảng 2,6 triệu m3.

Không chỉ các dự án lớn, các công trình xây dựng vừa và nhỏ ở các địa phương, nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân Hà Tĩnh cũng đang rất chật vật tìm kiếm nguồn cung đất san lấp.


Theo kế hoạch, năm 2023, Ban tập trung 70% khối lượng đất đắp, tương đương khoảng 1,5 triệu m3. Vấn đề đặt ra là tổng công suất khai thác tối đa của 2 mỏ đất trên chỉ đạt 325 nghìn m3/năm.

“Nếu huy động hết công suất của 2 mỏ, khối lượng đất còn thiếu hụt trong năm 2023 lên đến gần 1,2 triệu m3. Nhìn xa hơn, dù trữ lượng trong giấy phép của 2 mỏ còn 2,6 triệu m3 nhưng họ có thể bán đất cho cao tốc Bắc – Nam và các dự án khác, đến lúc đó, khối lượng đất đắp thiếu hụt còn lớn hơn nữa”, lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng khu vực KKT tỉnh Hà Tĩnh lo ngại.

Hệ lụy nhãn tiền

Lường trước được khó khăn về VLXD trong thời gian tới, đặc biệt là đất san lấp, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực KKT Hà Tĩnh đã có 4 văn bản đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, kiến nghị tỉnh xem xét các địa điểm nằm trong quy hoạch cấp mỏ khoáng sản, sớm hoàn thiện thủ tục đưa ra đấu giá; làm việc với 2 chủ mỏ Mũi Đòi và Động Ván để xem xét tăng công suất khai thác; đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về VLXD thông thường, tránh tình trạng các mỏ tự phát tận thu, không phát huy được hiệu quả của 2 mỏ được cấp phép.

Rất nhiều công trình do BQL dự án xây dựng huyện Cẩm Xuyên triển khai trong năm 2023 có nguy cơ đội tổng mức đầu tư do phải mua đất san lấp ở các mỏ ngoại huyện.


Khi được hỏi hệ lụy của việc khan hiếm VLXD, lãnh đạo một số địa phương, BQL dự án xây dựng Cẩm Xuyên, BQLDA đầu tư xây dựng khu vực KKT Hà Tĩnh đều chung một câu trả lời: “Tiến độ thi công sẽ chậm dẫn đến giải ngân chậm; dự án phải điều chỉnh giá nên đội chi phí đầu tư. Thậm chí, dự án không phát huy được hiệu quả của nó, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, đình trệ phát triển kinh tế chung của tỉnh”.

Một ví dụ cụ thể, 4 dự án do BQLDA khu vực KKT tỉnh Hà Tĩnh triển khai lập dự toán sử dụng đất san lấp từ 2 mỏ Mũi Đòi và Động Ván. Trong phương án chi phí dự phòng bổ sung thêm mỏ đất ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, mỏ đất này xa hơn 2 mỏ trên khoảng 18km. Nếu nguồn cung 2 mỏ Mũi Đòi, Động Ván không thể đáp ứng, dự án phải lấy đất từ mỏ Kỳ Giang, lúc này tổng mức đầu tư đội hơn 60 tỷ đồng chi phí vận chuyển, đó là chưa kể giá bán đất tại mỏ Kỳ Giang có thể cao hơn 2 mỏ nằm trong dự toán ban đầu.

Ông Trương Xuân Bính, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Hải Đăng, đơn vị hiện dự án Kè Cẩm Lạc và tuyến đường trục xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết, nguồn cung đất san lấp ở Cẩm Xuyên trước đây thiếu nhưng bây giờ hoàn toàn không có. Khi nguồn cung thiếu, các mỏ đất đồng loạt tăng giá bán khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu hụt VLXD thông thường còn kéo theo hệ lụy dự án chậm tiến độ, giải ngân chậm.


“Hầu hết các gói thầu của tôi đấu trọn gói, giá dự toán trung bình 60 ngàn đồng/m3 đất nhưng mua thực tế tại các mỏ ở huyện Thạch Hà lên đến 100 – 120 ngàn đồng/m3, vượt đến 100% so với giá dự toán.

Đất “đắt như tôm tươi”, muốn mua phải xếp hàng, đã thế cát, sỏi cũng tăng 15 – 20% nên chúng tôi càng làm càng lỗ”, vị Giám đốc thở dài.

“Theo chúng tôi nắm bắt, trong năm 2022 và đầu năm 2023 các Ban quản lý dự án (BQLDA) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đấu thầu, khởi công nhiều dự án trọng điểm; các dự án đường giao thông lớn; hạ tầng các khu quy hoạch của nhà đầu tư; nhu cầu san lấp xây dựng nhà ở của người dân; đặc biệt là tuyến đường cao tốc Bắc – Nam dài hơn 102 km qua địa bàn tỉnh.

Những dự án, công trình này cần rất lớn nguồn vật liệu đắp và làm mặt bằng (đá, đất). Tuy nhiên với số lượng mỏ hiện tại và công suất khai thác trên toàn tỉnh, chắc chắn không đủ cung ứng”, cử tri Trần Xuân Dũng nhận định.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông Nghệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP