| ||
Ông nghĩ như thế nào về nội dung “cấm bán bia ở vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú và người dưới 18 tuổi…” vừa được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia và đang lấy ý kiến dư luận?
Tôi cho rằng, rất khó cấm kinh doanh bia ở vỉa hè. Với người Việt Nam thì uống bia ở vỉa hè lâu nay đã trở thành một nét “văn hóa” và chính nét văn hóa này đã thu hút được rất đông khách du lịch tới với phố cổ Hà Nội. Chẳng lẽ một vài người dân hay khách du lịch ngồi uống, nhâm nhi vài lon bia, ngắm cảnh, tán gẫu… cũng sẽ bị quy là phạm luật? Và nếu phạm luật thì sẽ bị xử lý như thế nào? Cơ quan nào sẽ kiểm soát và xử lý? Chẳng lẽ sẽ phải đi kiểm tra từng quán để bắt lỗi vi phạm?
Ở nhiều nước phát triển, văn minh khác như các nước châu Âu chẳng hạn, họ vẫn cho phép kinh doanh bia ở vỉa hè và cũng coi đây là nét văn hóa bản địa. Hãy nhìn họ làm, học tập kinh nghiệm từ cách quản lý của họ, chứ không phải cái gì không quản được là đều đem ra cấm hết cả.
Đối với trường hợp cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú cũng thế, phải định nghĩa cho rõ. Khi đưa ra quy định thì phải xem có vi phạm nhân quyền hay không? Bảo vệ sức khỏe là cần thiết, giáo dục, khuyến cáo là cần thiết. Nhưng cái chính ở đây là sự thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy về văn hóa dùng đồ uống có cồn của người dân, chứ không phải khi bảo vệ không được là lại cấm cho xong chuyện. Đưa ra bất kỳ quy định, mệnh lệnh hành chính nào thì phải xem xét dựa trên nghiên cứu cụ thể, không thể ôm đồm tất cả.
Còn việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi tôi cho là đúng và nên làm. Và nếu làm được thì hiệu ứng đem lại sẽ rất tốt. Ngoài chuyện đưa ra quy định “quản”, thì cũng cần giải pháp quản lý kèm theo như tăng cường giáo dục người trẻ nâng cao ý thức, hiểu về tác hại của đồ uống có cồn…. chỉ cấm suông không thôi là không đủ.
Nhưng cũng cần đặt ra tình huống, trường hợp cụ thể. Ví như, tại nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng núi, xa xôi hẻo lánh, hay tại miền Tây sông nước chẳng hạn, nhiều ông bố có thói quen uống bia thay… nước, đang uống nửa chừng hết rồi sai con nhỏ đi mua. Trong tình huống này sẽ xử lý và kiểm soát thế nào? Hay cứ thấy người bé nhỏ con là không bán…?
Dù thế thì cơ quan soạn thảo cho rằng, việc lạm dụng rượu, bia đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cần giảm trừ tỷ lệ người dùng đồ uống có cồn để giảm tác hại từ thứ đồ uống này? Và như vậy cũng sẽ lập lại trật tự, thiết lập lại mỹ quan đô thị…?
Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tới năm 2020, với mục tiêu là chống tác hại, lạm dụng các chất có cồn nói chung. Cũng cần phải làm rõ mục đích cấm để làm gì nữa và thế nào là “lạm dụng”?. Phòng chống sự lạm dụng, không có nghĩa là cấm tiệt hành động đó đi thì sẽ là “phòng”, là “chống”. Cách hiểu như vậy là sai, chệch với quyết định của Thủ tướng.
Như ông nói thì những quy định cấm bán bia ở vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú…. sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không giải quyết được phần gốc của vấn đề “phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”?
Đúng vậy, nếu đưa ra quy định như vậy sẽ chỉ là “cắt gọt” phần ngọn, còn cái gốc là muốn phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn (trong đó có bia) lại không làm được. Đề bài đưa ra đúng mà cách giải bài toán không trúng, tác dụng sẽ không cao. Rồi cấm được dăm bữa nửa tháng cấm, người dân nhìn thấy mấy ông đi kiểm tra, doạ dẫm, rồi kiếm “tí ti” sau đó bỏ đi thì luật lại trở thành “nhờn”. Nếu cứ ban hành những quy định kiểu như thế này, mãi rồi riết người dân sẽ thấy nhàm, mất tính thực tiễn của luật.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA |
Vậy thì xem ra tính khả thi của những quy định trên, nếu được ban hành, là không khả thi, thưa ông?
Tôi cho rằng, muốn tạo ra sự đẹp mắt cho xã hội thì cần sự vào cuộc của tất cả các cơ quan quản lý, chứ nếu đưa ra lệnh cấm mà mỗi một ngành “độc điệu”, không liên kết với nhau thì rất khó.
Nếu cơ quan soạn thảo mà cho rằng việc cấm bán bia ở vỉa hè, hay cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú ….sẽ giảm thiểu số người dùng đồ uống có cồn, giảm tác hại của thứ đồ uống này thì theo tôi là chưa “chuẩn”. Với điều kiện quản lý trật tự xã hội hiện nay còn nhiều tồn tại, việc đưa ra lệnh cấm mang tính hành chính như vậy hoàn toàn không khả thi.
Trước những quy định về quản lý kinh doanh mặt hàng bia mà theo ông là “thiếu khả thi”, về phía Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam có đề xuất gì cho cơ quan tham mưu, soạn thảo dự thảo Nghị định này?
Hiện các doanh nghiệp (DN) sản xuất bia lớn trong nước vẫn là DNNN, như Công ty Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco) hay Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) … nắm giữ 80-90% thị phần và khoảng 60% sản lượng bia trên thị trường Việt Nam. Vì thế, chúng tôi muốn lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước khi đưa ra chính sách nào cũng cần tính toán, dựa trên đánh giá điều tra, nghiên cứu xã hội cụ thể và cân nhắc cả khía cảnh tác động tới sản xuất, kinh doanh của các DN ngành bia – rượu – NGK – mà chính Bộ Công thương cũng là bộ quản lý trực tiếp.
Quy định, luật đưa ra mà không phù hợp với điều kiện thực tế xã hội, người dân, DN sẽ buộc phải chấp hành, nhưng theo kiểu khiên cưỡng. Và như thế, luật đưa ra không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam thì sẽ không thể đi vào cuộc sống, chứ không nói là số không.