Chiều 3/4, trong buổi làm việc với báo Lao Động, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi tới người dân vì việc diễn đạt không chuẩn xác về thực phẩm an toàn trên diễn đàn Quốc hội, khiến người dân và bạn đọc hiểu lầm và bức xúc.
“Trong lòng tôi thực sự mong muốn và đang nỗ lực hết sức mình cùng với các đồng nghiệp trong Bộ Nông nghiệp và các bộ khác thực hiện mong đợi của nhân dân để có thực phẩm an toàn. Chúng tôi cam kết thực hiện yêu cầu đó của nhân dân”, ông Phát quả quyết.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ thực tế có rất nhiều vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất nghiêm trọng. Nó trở thành vấn nạn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi người dân qua Facebook. Ảnh: Báo Lao động. |
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ rất thấu hiểu thấy rất rõ trách nhiệm của mình đối với vấn đề này. Đã có nghiên cứu chỉ rõ cho thấy 90% người dân được hỏi quan tâm số 1 của họ là thực phẩm an toàn.
“Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn” – Bộ trưởng Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại Quốc hội ngày 1/4.
“Xin được phép nói về vấn đề cá nhân, bản thân gia đình chúng tôi cũng tiêu dùng những sản phẩm như mọi gia đình tại TP Hà Nội. Tôi cũng đi ăn cơm tại quán bình dân, cũng vào bệnh viên thăm người thân, cũng ăn cùng các gia đình tại căng-tin bệnh viện”, ông Phát trần tình.
“Gia đình tôi cũng có người bị ung thư bị mất, tôi hết sức thấm thía nỗi lo của người dân có liên quan tới giống nòi. Tôi hết sức chia sẻ nỗi đau của những gia đình có người thân bị bệnh”, ông khẳng định.
Bộ trưởng chia sẻ rất mong muốn được đóng góp để chấn chỉnh tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm. “Với cá nhân tôi dù còn làm việc một ngày tôi luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 để chấn chỉnh điều này”, ông Phát nói.
Theo Bộ trưởng Phát, trong bối cảnh hiện nay sẽ chọn 1 số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trước. “Điển hình, về chất cấm, chúng tôi đã cam kết 5 tháng và cho đến nay tình hình đã cải thiện đáng kể. Hầu hết các cơ sở thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm”, ông cho biết.
“Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thức bảo vệ thực phẩm qua biên giới”, ông Phát nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 1 /4, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội hóa XIII, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’, không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.
Cùng chung mối lo, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) bức xúc vì “mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng thì phải bổ sung độc tố vào cơ thể. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, hàng trăm căn bệnh hiểm nghèo luôn rình rập, đe dọa cư dân vùng ô nhiễm”.
Còn ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) gọi đây là “nỗi ám ảnh” của nhiều gia đình. “Từ chuyện tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, trộn chất vàng ô vào thức ăn, rồi tới bơm nước vào lợn, bò… Vấn nạn thực phẩm không an toàn khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao”, đại biểu Vinh trăn trở.
Trước bức xúc của các đại biểu, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, trong 5 tháng qua, các cơ quan chức năng lấy gần 6.000 mẫu phân tích về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, 5,17% mẫu rau và 1,9% mẫu thịt vượt quy chuẩn.
“Như vậy đa số thực phẩm của chúng ta an toàn. Nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả thực phẩm không an toàn” – ông Phát thông tin. Ngay sau phát biểu này của ông Phát, dư luận và nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm: “Để nói người dân sử dụng thực phẩm an toàn cần cơ sở thuyết phục hơn, làm sao người dân tin được. Chứ dân đang lo lắng mà người có trách nhiệm chỉ nói như vậy thì người dân không an tâm”.
Còn đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nhắc lại câu nói của Bí thư TP HCM Đinh La Thăng tại phiên họp Chính phủ “làm tốt tại sao dân cứ phải ăn bẩn”.
Ông Lai nhấn mạnh: “Không phải anh nói anh làm tốt mà phải đi đến thực chất xem người dân có được hưởng sự làm tốt đó không trong bữa ăn, trong sinh hoạt”.
Công Khanh ghi