Chị Phương Lan, có bé 4 tuổi học ở trường mầm non Thiên Anh, Bình Tân, TPHCM kể gần hai tuần qua là nỗi ám ảnh đối với chị khi nhà trường nghỉ hè. Chồng làm việc ở xa, nhà chỉ có hai mẹ con, đi đâu chị cũng phải xách con theo trong khi công việc chị lại di chuyển, họp hành nhiều.
“Nhiều khi đi họp tôi đưa cháu theo rồi dặn cháu ngồi bên ngoài phòng họp, chốc lại chạy ra trông con. Bám víu được ai lúc nào là tôi gửi con hết, có khi gửi cô hàng xóm, có khi chở sang nhà đồng nghiệp gửi ké vì có giúp việc... Mới đây, đuối quá tôi đành gửi con về Vĩnh Long cho bà chị trông giùm mấy hôm”, chị Lan kể và cho biết, từ tuần này trường bắt đầu mở lớp hè, chị mới thở phào.
|
Gia đình anh Nguyễn Văn Tường ở Hiệp Bình, Thủ Đức cũng bấn loạn khi con vào hè. Hai vợ chồng đều đi làm, công việc bận rộn và áp lực, họ không tài nào thu xếp nổi việc con ở nhà dù chỉ một ngày. Mấy ngày đầu, anh chị phải nhờ cô hàng xóm trông hộ, trưa vợ chồng luôn phiên chạy từ quận 3 hơn chục cây số về ngó qua con chút rồi lại đi.
Họ mong từng ngày người chú ở Thanh Hóa bay vào đón cháu về quê. Còn đến giữa tháng, khi trường mở lại lớp, anh Tường cho biết vợ anh lại thu xếp về đón con vô. “Đợt hè cao điểm giá vé máy bay rất cao mà nhà tôi phải đi mấy vòng đưa đón cháu. Tính ra một nửa tháng nghỉ hè của con mất gần 20 triệu đồng”, anh Tường thở dài.
Thế nhưng, điều vợ chồng anh lo lắng nhất là về quê, tuy rộng rãi, thoải mái hơn nhưng cũng rất nhiều nguy hiểm rình rập trẻ khi mà khác điều kiện sống. Anh lo nhất là con theo anh chị lớn chạy ra ao, hồ, sông suối... Rồi nhà bố mẹ anh gần đường lộ, xe cộ chạy qua nhiều mà con anh rất hiếu động nên vợ chồng anh nhấp nhổm gọi về liên tục.
Giống gia đình anh Tường, gửi con nhỏ về quê trong thế bị động, nhiều ông bố bà mẹ không khỏi lo lắng khi con thay đổi môi trường, người chăm sóc. Điều kiện sinh hoạt nhiều khi trẻ chưa thích nghi được cũng như chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết.
Không đến nỗi phải gửi con về quê, nhiều gia đình ở thành phố bắt lại dùng đến chiêu “điều động ngược” ông bà ở quê vào trông giúp cháu trong những ngày nghỉ hè. Một tuần nghỉ của trẻ đã có thể đảo lộn cuộc sống trong nhà, không chỉ bố mẹ mà cả ông bà ở quê. Bên cạnh đó còn canh cánh nỗi lo về sự an toàn của con nhỏ khi rời nhà trường.
Các trường mầm non ở TPHCM hầu hết đều mở lớp trong dịp hè để hỗ trợ phụ huynh. Tuy nhiên, các trường cũng phải bố trí thời gian nghỉ phù hợp cho giáo viên nên tạo nên một khoảng trống trong dịp hè mà gia đình phải tự giải quyết việc trông trẻ.
Nhiều gia đình ở thành phố bấn loạn vì con nghỉ hè, nhà trường đóng cửa (ảnh minh họa) |
Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, hè là thời gian giáo viên nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau một năm làm việc và có thời gian học bồi dưỡng chuyên môn. Nếu mở lớp giữ trẻ ngày hè, các trường phải chú ý sắp xếp được nghỉ hè chu đáo để hồi phục sức khỏe trong 2 tuần đầu tháng 6.
Việc giữ trẻ trong hè, các trường phải thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ như trong năm học. Không tự ý cắt xén các yêu cầu khi tổ chức lịch sinh hoạt của trẻ. Trong đó, chú ý đến chế độ dinh dưỡng, cân nhắc để thỏa thuận với phụ huynh về chế độ đóng góp tiền ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các hoạt động thể dục ngoài trời và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Quy định của Sở, các trường có thể tổ chức giữ trẻ theo yêu cầu của phụ huynh từ ngày 15/6-10/8/2017. Riêng các trường tư thục, nếu tiếp tục giữ trẻ trong hè, hiệu trưởng phải bố trí cho giáo viên nghỉ luân phiên thành nhiều đợt.
Với lịch nghỉ như trên thì không chỉ đầu hè mà cuối hè, trước khi tựu trường, trẻ lại tiếp tục có thời gian nghỉ ở nhà. Như vậy, các gia đình tiếp tục phải linh hoạt tìm cách để trông con. Ngành giáo dục biết rõ là điều này gây khó khăn phụ huynh nhưng giáo viên mầm non cần có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động để bước vào năm học mới mà họ phải làm việc liên tục từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí