Trong nước

Bộ Giao thông thừa nhận 17 trạm BOT bất cập, đặt "nhầm chỗ"

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện có 88 trạm thu giá BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm. Bộ GTVT thừa nhận có 17 trạm BOT “đặc thù” còn bất cập, tuy nhiên Bộ này cho rằng bất cập là do chính sách phí nên đang tính toán để giảm tối đa.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 88 trạm thu giá BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm (11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư). Về khoảng cách, có 58 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề hơn 70 km, 10 trạm có khoảng cách từ 60 - 70 km và 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km. Đáng nói, trong số này có 17 trạm BOT được coi là đặc thù với nhiều bất cập.

3 trạm BOT đặt "nhầm chỗ"

Bộ GTVT cho biết, có 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án gồm: Trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Tào Xuyên (Thanh Hoá) và trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội). Các trạm này tận dụng lại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước. Theo Bộ GTVT, nếu đầu tư trạm BOT mới sẽ phát sinh thêm khoảng từ 30-50 tỷ đồng, vì thế đối chiếu với quy định pháp luật tại thời điểm quyết định đầu tư thì việc sử dụng các trạm này là phù hợp.

Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đang thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trạm Cầu Rác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn Dự án Quốc lộ 1 tuyến tránh Hà Tĩnh, theo tính toán sơ bộ, thời gian thu của trạm sẽ kết thúc khoảng năm 2019. Hiện nay, Bộ GTVT đã giảm giá cho các phương tiện quanh trạm, tình hình triển khai thu giá tại trạm đang diễn ra bình thường. Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên vị trí trạm để tiếp tục thu giá hoàn vốn cho dự án.

Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn Dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên. Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ di dời về phạm vi tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án theo Hợp đồng BOT đã ký kết với Nhà đầu tư. Hiện nay, việc thu giá đang diễn ra bình thường và người dân có sự lựa chọn đi theo đường Nhật Tân - Nội Bài.

Với trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn Dự án tuyến tránh TP.Thanh Hoá, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục cho thu giá tại vị trí hiện nay do việc di chuyển trạm vào tuyến tránh không khả thi về phương án tài chính. Trong trường hợp di chuyển vào tuyến tránh, Nhà nước phải bố trí khoảng 1.489 tỷ đồng hỗ trợ trong vòng 12 năm từ năm 2018 đến năm 2029 theo phương án tài chính của dự án.

6 trạm đặt trên tuyến chính thu phí cho tuyến tránh

Hiện nay trên cả nước có 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho các dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh. Trong đó, 5/6 trạm đã thực hiện giảm giá cho các phương tiện quanh trạm với phạm vi khoảng 10km. Sau khi giảm giá quanh trạm, tình hình thu giá ổn định.

Riêng trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hiện đang tạm dừng thu, trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, quyết định phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy.

Trạm BOT Cai Lậy dừng thu phí từ tháng 8/2017 đến nay

Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu 2 phương án xử lý bất cập tại trạm Cai Lậy như sau: Phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm; Phương án 2 là xây dựng thêm 1 trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.

Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các Bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quan điểm của Bộ GTVT là kiến nghị phương án giữ lại trạm BOT Cai Lậy và tiếp tục giảm giá cho tất cả phương tiện, mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho khu vực lân cận bởi so với phương án tài chính ban đầu, mức giá cho tất cả phương tiện đã giảm tới 60%, giá vé này là thấp nhất trên toàn tuyến quốc lộ 1.

“Khi thực hiện phương án này, Nhà nước sẽ không phải bố trí ngân sách hỗ trợ dự án, đồng thời, người dân được lợi khi giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại và dự án cũng đảm bảo mục tiêu là phân luồng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trong trung tâm Thị xã Cai Lậy”, ông Huy nói.

6 trạm thu phí “song hành”

Hiện, có 6 trạm thu trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành thuộc 4 dự án, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo Quốc lộ 3; quốc lộ 6; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo tính toán, nếu bỏ trạm trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi, Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỷ đồng (riêng quốc lộ 5 khoảng 16.000 tỷ đồng), trong khi đó ngân sách nhà nước rất khó khăn. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm này.

Do bất cập về chính sách phí nên nhà đầu tư nhiều lần muốn bán lại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho Nhà nước

Hiện, Bộ GTVT đã có các chính sách miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm và ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính của các dự án còn khả thi.

2 trạm thu “hộ” hầm Đèo Cả

Trạm La Sơn - Tuý Loan và trạm Nam Hải Vân thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả. Dù việc này được Thủ tướng đồng ý, nhưng Bộ GTVT thừa nhận khi đối chiếu với qui định hiện hành, việc đầu tư một nơi, thu giá một nơi và thu giá trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BT là không phù hợp.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã có quyết định gộp trạm Nam Hải Vân thu chung với trạm Bắc Hải Vân để thu giá hoàn vốn cho 2 dự án hầm Đèo Cả và Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng do cự ly quá gần.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP