PGS-GS Bùi Hiển đề xuất cải cách tiếng Việt
Tháng 11-2017, dư luận xôn xao đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, về cải tiến tiếng Việt. Ông đề xuất thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt. Ví dụ: giáo dục thành "záo zụk", quốc ca sẽ thành... "cuốc ca", ngoại ngữ sẽ thành "quại qữ"…
Nhiều người cho rằng đề xuất không khả thi, làm ảnh hưởng sự trong sáng, thậm chí triệt tiêu tiếng Việt. Tuy vậy, ngày 26-12, ông Bùi Hiền quyết định công bố phần 2 nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt thay vì vào tháng 3-2018 như dự định.
Sư phạm điểm chuần thấp báo động
Danh sách điểm chuẩn của ĐH Sư phạm - ĐH Huế khiến không ít người bất ngờ khi điểm trúng tuyển của nhiều ngành chỉ ở mức 12,75 (dưới mức điểm sàn 15,5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Dù được giải thích đây là điểm quy chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT và tổng điểm 3 môn xét tuyển vẫn đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định nhưng có một thực tế là ngành sư phạm ngày càng khó tuyển sinh. Ngày 16-8, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo làm việc với các trường sư phạm về chất lượng đào tạo, trong đó có đầu vào của ngành sư phạm. Từ đây, nhiều hội thảo về ngành sư phạm được tổ chức với nhiều giải pháp được đưa ra như tăng điểm sàn, tiếp tục chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, giải quyết đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp, tăng thu nhập giáo viên…
Từ chối kiểm định ĐH trong nước
Theo thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến tháng 12-2017 đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017.Trong đó, có 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thực hiện thẩm định là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội.
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói với Báo Tuổi Trẻ rằng "Đảng và Nhà nước nhiều lần chỉ đạo khuyến khích các trường kiểm định quốc tế. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ"
Chi 12.000 tỉ đào tạo tiến sĩ
Thực tế đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua có nhiều vấn đề chưa giải quyết nhưng năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đặt ra mục tiêu đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có quản lý với tổng số tiền 12.000 tỉ đồng khiến dư luận bức xúc. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ không đưa ngân sách về cơ sở giáo dục, mà cấp cho những người đáp ứng tiêu chuẩn dưới dạng học bổng. Trao đổi với báo chí ngày 16-11, Bộ trưởng cho rằng chi 12.000 tỉ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ không phải đề án mới, mà chỉ là thay đổi và nâng cao chất lượng của Đề án 911 trước đây.
Bạo hành trẻ mầm non tại cơ sở Mầm Xanh
Cuối tháng 11, dư luận cả nước tức giận với clip bạo hành xảy ra tại Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TP HCM). Trong clip, chủ trường và các bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ. Lập tức, chính quyền và công an quận 12 đã vào cuộc điều tra, xử lý.
Bất ngờ với bảng xếp hạng ĐH Việt Nam
Ngày 9-6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Một cách xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam". Tại đây, nhóm thực hiện đã công bố kết quả nghiên cứu xếp hạng 49 cơ sở giáo dục đại học có đầy đủ số liệu nhất. Cụ thể, thứ tự 10 trường đứng đầu trong danh sách này như sau: ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Tôn Đức Thắng; Học viện Nông nghiệp; ĐH Đà Nẵng; ĐH Quốc gia TP HCM; ĐH Cần Thơ; ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Huế; ĐH Duy Tân; ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhiều trường đại học có thương hiệu lớn vắng mặt ở tốp 10 xếp hạng ở một số hạng mục. Trong đó ngoại thương, kinh tế đều ở hạng trung bình.
Kiến nghị giải tán Ban phụ huynh học sinh
Thẳng thắn từ chối đóng góp khoản tiền do Hội phụ huynh lớp đưa ra, anh Võ Quốc Bình, phụ huynh học sinh ở TP Hồ Chí Minh, đã viết đơn lên Văn phòng Chính phủ, kiến nghị giải tán Hội phụ huynh học sinh. Kiến nghị của phụ huynh này được nhiều người hoanh nghênh.
Từ 2018, bỏ thi vào lớp 6?
Ngày 18-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.
Theo Thông tư 11/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký thì khoản 2, điều 4 quy định về tuyển sinh THCS là theo "phương thức xét tuyển". Trả lời báo chí khi đó, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chủ trương của bộ là cấm tuyệt đối các trường thi tuyển vào lớp 6. Các trường có lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu thì trình phương án xét tuyển để các cấp có thẩm quyền quyết định.
30 điểm vẫn trượt đại học
Kỳ thi THPT năm 2017 xuất hiện vô số điểm 10 với số lượng gấp 40 lần các năm. Nhiều thí sinh cho biết với điểm thi 30 các em vẫn bị trượt ĐH. Nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Dư luận đặt câu hỏi liệu kỳ thi THPT quốc gia còn thích hợp để các trường chọn sinh viên đầu vào? Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên để các trường ĐH tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển sinh.
Học trò đánh nhau bị đuổi học
Trưa 9-12, trên mạng xã hội xôn xao trước clip 3 nữ sinh bị 2 nữ sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đánh dã man ngay tại lớp học chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra trước rất nhiều học sinh khác nhưng không ai can ngăn. Sau đó, Hội đồng kỷ luật của trường đã thống nhất buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh lớp 9 đã đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường. Quyết định này gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng cho các em nghỉ học là không nhân văn, không giải quyết sâu xa vấn đề.
Tác giả: H. Nhiên (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Người lao động