Thể thao

1 triệu của bầu Đức, chiếc khăn tang trước giờ bóng lăn và chuyện chưa kể về U23 Việt Nam

Cách đây gần 20 năm, bóng đá Việt Nam đã có được một vài dấu ấn “để đời”, nhưng đi cùng với đó cũng là những nuối tiếc về giấc mơ vinh quang còn dang dở.

Lời tòa soạn: Đối với người hâm mộ Việt Nam, đến tận ngày nay, HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn là cái tên rất đỗi quen thuộc, khi ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với nhiều góc nhìn, bình luận về những diễn biến của bóng đá nước nhà.

Là người gắn bó cả đời với trái bóng tròn, bóng đá đã thuộc về tình yêu, về số phận. Đã có những thời điểm ông Vinh muốn bỏ bóng đá, nhưng rồi định mệnh lại đưa ông trở về lại với nó.

Lắng nghe những câu chuyện của ông, ta như đang được xem vào một bộ phim dài tập, với những gam màu đen trắng của cuộc sống bom đạn, khó khăn thời bao cấp khi xưa; rồi tiếp đến, là những thước phim màu nhập nhòe thời bóng đá nước nhà chập chững lên chuyên nghiệp đầu những năm 2000; và gần hơn nữa, là những sự biến từng gây rúng động cả nền bóng đá Việt Nam cách đây chưa lâu.

Xin gửi tới độc giả loạt bài viết về chân dung HLV Nguyễn Thành Vinh, người mà khi đọc những câu chuyện về ông, những lát cắt lịch sử bóng đá Việt sẽ dần dần hiện ra trước mắt ta. Chân thật và trần trụi nhất.

NGƯỜI ĐÓNG THẾ CHO "CÚ LỪA ĐAU ĐỚN" CỦA VFF

Tháng 4 năm 2002, VFF chọn ông Christian Letard vào ghế HLV trưởng ĐTQG và U23 Việt Nam, với niềm tin vào một chiến lược gia có "triết lý bóng đá rất hay, hồ sơ đẹp", khi được đích thân cựu HLV trưởng đội tuyển Pháp, Aimé Jacquet giới thiệu. Mục tiêu hàng đầu dành cho ông Letard khi ấy không gì ngoài tấm huy chương vàng SEA Games 22.

Tiếc thay chỉ sau 4 tháng tại vị, trình độ làng nhàng của HLV này đã khiến VFF "ngán tận cổ" và quyết định sa thải.

Quyết định này về sau đã khiến VFF mất hơn 200.000 USD đền bù hợp đồng; còn vào thời điểm đó, đội Olympic Việt Nam chuẩn bị tham dự ASIAD 14 rơi vào cảnh "bơ vơ". Trước tình thế cấp bách, HLV Nguyễn Thành Vinh được mời ra nhận nhiệm vụ.

"Năm 2002, tôi được VFF mời ra dẫn đội Olympic Việt Nam để dự ASIAD 14, thay thế ông Letard vừa bị cắt hợp đồng. Tôi ra nhận thì cũng gặp nhiều khó khăn vì thời gian thì gấp, mà tôi lại chưa nắm được hết khả năng của các cầu thủ trên đội.

Trong cuộc họp có trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển, anh Mai Đức Chung đưa tôi một danh sách gồm hơn 30 người. Tôi mới bảo anh Chung ghi ra cho tôi vị trí cụ thể của mỗi người, ai thường xuyên đá chính thức, ai dự bị nhiều, từ đó mới dần lọc ra danh sách chính thức đội Olympic Việt Nam sang Busan, Hàn Quốc dự giải".

Theo lời kể của HLV Nguyễn Thành Vinh, trong quá trình dẫn dắt SLNA ông được VFF tạo điều kiện cho đi học nhiều lớp HLV để trau dồi kiến thức. Năm 2002, ông Vinh được sang Hàn Quốc học đúng vào dịp World Cup 2002 và trực tiếp vào sân theo dõi nhiều trận đấu.

Đáng chú ý, trong hành trình tham dự ASIAD 14 năm đó, thầy trò HLV Nguyễn Thành Vinh đã lần đầu tiên giúp Việt Nam giành được điểm số ở giải đấu này. Tiếc rằng, việc rơi vào bảng đấu quá mạnh, cộng với một biến cố từ quê nhà khiến đội bóng phải sớm dừng bước.

"Lúc đó tính ra tôi chỉ có 20 ngày chuẩn bị thôi, nhưng được cái các cháu rất ủng hộ, tinh thần thi đấu tốt. Việt Nam khởi đầu cũng khá thành công khi hòa được đội rất mạnh là UAE. Hòa trận đó, các anh Lê Thế Thọ, Lê Hồng Minh và nhiều quan chức đoàn thể thao Việt Nam đều ùa xuống chúc mừng đội.

Nhưng đá xong trận ấy thì đội lại có biến cố. Chuẩn bị gặp Thái Lan thì có tin bố của trung vệ Huy Hoàng qua đời. Cậu ấy khóc nhiều lắm. Chúng tôi cũng động viên để Huy Hoàng cố gắng vượt qua nhưng trong thâm tâm đều hiểu tâm lý học trò sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Lực lượng ngày ấy đội cũng không có nhiều ngôi sao đâu. Chỉ có một số cái tên nổi bật như Huy Hoàng, Như Thành, Hồng Minh hay Văn Quyến. Lực lượng không đồng đều, sau đó chúng ta để thua Thái Lan và Yemen. Được cái tinh thần của các cầu thủ đều rất cố gắng nên bà con Việt Nam lao động bên Hàn Quốc rất ủng hộ".

Minh Phương, Tài Em, Văn Quyến cùng các đồng đội tại ASIAD 14. (Ảnh do HLV Nguyễn Thành Vinh chụp)

"BẦU ĐỨC THẤY THƯƠNG, THÊM CHO MỖI NGƯỜI 1 TRIỆU"

Cũng trong câu chuyện về đội Olympic Việt Nam ngày dự ASIAD 14, HLV Nguyễn Thành Vinh có nhắc đến một chi tiết khá tế nhị. Đó là về tiền lương.

"Phải nhấn mạnh trước, tôi kể lại để nhớ lại chuyện xưa của mình thôi chứ không phải có ý gì cả.

Ngày đó từ HLV đến cầu thủ đều chỉ được trả lương 3 triệu/tháng, bằng lương chuyên nghiệp ở một đội bóng. Trong một cuộc họp của VFF mà tôi được mời dự, ông Lê Hùng Dũng có phát biểu rằng các anh trả cho ông Letard 3000, 4000 USD/tháng, vậy liệu khi giao cho anh Vinh làm HLV trưởng đội Olympic thì có trả lương như thế cho anh ấy không? Tất cả ngồi rất đông nhưng đều im hết, không ai lên tiếng cả.

Thời kỳ làm HLV trưởng đội Olympic, đi từ Trung tâm Nhổn về trụ sở Liên đoàn (18 Lý Văn Phức) tôi đều phải đi xe ôm, chứ không có xe riêng đưa đón gì đâu. Trong quá trình đó, anh Đoàn Nguyên Đức thương anh em, thưởng thêm cho tôi và cầu thủ mỗi người 1 triệu, nên mỗi tháng lương cũng được 4 triệu.

Anh Đức vốn đã quan tâm đội tuyển từ những ngày xưa như vậy rồi. Năm sau đội dự SEA Games 22, anh ấy vẫn hỗ trợ chúng tôi như thế. Đáng nói hơn là trong khi những người khác vẫn có chế độ của cả đội tuyển và CLB thì tôi và các cầu thủ SLNA chỉ có lương ở tuyển thôi, phần ở CLB bị cắt đi. Thế mới thấy sự hỗ trợ của anh Đức ý nghĩa ra sao.

Lúc ấy báo chí cũng hỏi nhiều lắm, rằng sao lương của tôi lại thấp như thế. Nhưng tôi chỉ bảo tôi là cán bộ biên chế nhà nước, bây giờ được mời ra làm việc thì đây là trách nhiệm của tôi. Khi đó, tôi không muốn mọi thứ bị bàn luận quá nhiều".

Ông Vinh (áo đen) cùng các học trò dự ASIAD 14.

Hoàn thành nhiệm vụ dẫn dắt Olympic Việt Nam dự ASIAD 14, HLV Nguyễn Thành Vinh trở lại với công việc ở SLNA. Cuối năm 2002, ông lại được mời ra làm HLV trưởng đội U23 Việt Nam để chuẩn bị dần cho SEA Games. Đây cũng là quãng thời gian đáng nhớ khi ông và các học trò mùng 1 Tết Quý Mùi (2003) lên đường sang Italia dự giải tập huấn và có nhiều trận đấu bổ ích với đội trẻ của các CLB lớn tại Serie A.

Nhưng ngoài SEA Games, đội U23 Việt Nam còn được cử tham dự vòng loại Asian Cup 2004 và cũng tạo nên một thành tích đáng nhớ.

BÍ QUYẾT ĐẰNG SAU TRẬN THẮNG LỊCH SỬ TRƯỚC ĐỘI HẠNG TƯ WORLD CUP

Nhớ lại quá trình từ việc quyết định cử đội U23 tham dự đến sự chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2004, ông Vinh kể:

"Khi đá vòng loại Asian Cup 2004 (diễn ra vào tháng 9, 10 năm 2003), Việt Nam nằm cùng bảng với Hàn Quốc, Oman và Nepal. Họ dùng ĐTQG còn ta chỉ dùng đội U23, với chiến lược để chuẩn bị cho SEA Games 22. Mà thực ra có dùng ĐTQG thì cũng đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, không còn nhiều cầu thủ trụ cột của lứa trước trụ lại nữa. Thành ra Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái và VFF đồng ý với phương án này.

Lượt đi diễn ra ở Hàn Quốc, Việt Nam thắng Nepal 5-0 nhưng thua Hàn Quốc 0-5 và thua Oman 0-6. Khi đi ra xe sau trận đầu thua Hàn Quốc, ông Riedl mới bảo: "Anh Vinh ơi, tôi thấy tinh thần anh em kém quá". Tôi mới bảo: "Không phải tinh thần kém đâu, mà cái chính là trình độ thể lực của ta yếu". HLV Riedl đồng tình và quyết định sẽ tập thể lực cho đội ở quãng nghỉ trước lượt về".

U23 Việt Nam ăn mừng chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup 2004 (Ảnh do HLV Nguyễn Thành Vinh chụp).

"Tôi đưa ra đóng góp rất chân tình và HLV tin tưởng mình. Trước đây HLV Riedl đơn thuần chỉ huấn luyện các bài tập với bóng. Nhưng sau lượt đi thì ông ấy thay đổi. Tập thể lực thuần túy nhiều hơn, cường độ tập cao hơn. Chính nhờ thế mà mọi thứ tốt lên sau gần 1 tháng chuẩn bị cho lượt về ở Oman. Trước khi lên đường, anh Nguyễn Danh Thái có gọi điện và tôi khẳng định lần này thành tích sẽ khác vì trình độ thể lực của các cháu rất tốt. Và đúng như thế thật.

Đá với Hàn Quốc ở trận đầu tiên và ta thắng họ 1-0. Mà phải nói trận ấy thể lực Việt Nam không thua kém gì đối thủ đâu. Một chi tiết nữa là trước trận đấu này, tôi có đề xuất với HLV Riedl rằng ta nên thay đội trưởng. Minh Phương chuyên môn tốt nhưng tâm lý có phần kém, nên để Như Thành đeo băng đội trưởng.

Như Thành vừa dẫn dắt hàng phòng ngự, lại có được tiếng nói với anh em. Ông Riedl nghe thế liền gọi Minh Phương ra trao đổi. Phương đồng ý mà không có vấn đề gì cả. Xong thế ông ấy lại gọi Như Thành ra hỏi ý kiến. Mọi chuyện đều ổn cả, Như Thành nhận băng đội trưởng. Và rồi chúng ta thắng trận".

HLV Nguyễn Thành Vinh cũng chia sẻ thêm rằng với một người làm nghề huấn luyện như ông, điều trăn trở nhất là luôn phải suy nghĩ sao cho tìm ra được các bài tập mới, phù hợp với hoàn cảnh, học trò, không lặp đi lặp lại, tránh nhàm chán. Đó cũng là bí quyết để ông Vinh gắn bó được rất lâu với nghề, đặc biệt trong hoàn cảnh thời xưa điều kiện thông tin còn hạn chế, các HLV chủ yếu phải tự tìm tòi học hỏi.

Còn một chi tiết nữa để minh chứng cho việc ông Vinh là trợ lý đắc lực của HLV Riedl. Ấy là tại giải LG Cup diễn ra tại TP.HCM trước SEA Games 22:

"Khi ấy tiền vệ trái Đặng Thanh Phương bị chấn thương, ông Riedl hỏi tôi giờ thay ai vào được. Tôi nói ngay để Tài Em đá ở đó đi, cậu ấy thường được HLV Calisto cho đá tiền vệ trái khi ở CLB mà.

Thực tế trước thời điểm ấy, Tài Em đang được xếp đá tiền vệ trụ ở U23 Việt Nam. Giờ tôi đề xuất kéo Tài Em sang trái, đưa Quốc Vượng vào đá với Hữu Thắng (TP.HCM). HLV Riedl liền đồng ý. Giải đấu đó chúng ta thắng tưng bừng Olympic Bulgaria 5-0 và lên ngôi vô địch.

Điều này cũng làm khán giả rất ngạc nhiên vì trước đó LG Cup từng được tổ chức nhiều lần, với nhiều khách mời mạnh. ĐT Việt Nam cũng tham gia nhưng không vô địch được, mà giờ U23 Việt Nam lại lên ngôi. Từ đó trở đi, đội hình U23 Việt Nam cũng được dựng bộ khung như thế".

VÀ NỖI DAY DỨT Ở SEA GAMES 22

"Thực tế với SEA Games 22, có nhiều chuyện khá đáng buồn mà bản thân tôi giờ cũng không muốn khơi lại chuyện cũ nữa. Điều đó gây ảnh hưởng nhiều đến trận chung kết của Thái Lan, chứ nếu đủ người thì ta cũng không phải ngại gì họ", tâm sự của HLV Nguyễn Thành Vinh như lời báo trước về những ký ức buồn vẫn khiến ông còn đau đáu ở giải đấu năm đó.

"Trước trận chung kết, hậu vệ trái Văn Trương dính 2 thẻ vàng, bị treo giò. HLV Riedl gặp tôi bảo thử kiểm tra xem Lâm Tấn và Đức Tuấn ai mạnh dạn, tự tin hơn để thay thế vị trí này.

Lúc đó Lâm Tấn là cầu thủ của SLNA, cao to, chân trái tốt. Tôi mới hỏi: "Tấn ơi, trận chung kết với Thái Lan, liệu cháu đá thay chỗ Văn Trương được không?". Cậu ấy lại bảo: "Cháu không tự tin lắm". Tôi nghe thế mới ngớ người ra. Cầu thủ đáng lẽ được hỏi thế thì phải phấn khởi lắm, nhưng cậu ấy lại trả lời vậy.

Tôi thấy thất vọng và đi hỏi Đức Tuấn. Cậu này thì trước giờ chưa bao giờ đá hậu vệ trái cả, chỉ chơi tiền vệ thôi. Nhưng cậu ấy lại đồng ý ngay, bảo cháu đá được. Tiếc là khi vào trận, chỉ mấy phút phút đầu Việt Nam đã để Thái Lan ghi bàn ở chính vị trí đó, khi Đức Tuấn mắc sai lầm.

Ngay cả như Vũ Như Thành, nếu có thể dự giải thì hàng phòng ngự của Olympic Việt Nam sẽ rất vững chắc. Cậu ấy là một trung vệ chơi đầu óc, kỹ thuật, cực kỳ ít phạm lỗi, lấy bóng khôn khéo".

Cũng ở giải đấu năm đó, bóng đá Việt Nam chứng kiến những ngôi sao mới nổi lên trở thành niềm kỳ vọng mới như Văn Quyến, Quốc Vượng… Và đến bây giờ khi nhắc về những cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA này, HLV Nguyễn Thành Vinh vẫn có những nỗi niềm riêng, những câu chuyện còn chưa kể.

Tác giả: Linh Đan (ghi) - Thiết kế: Tuấn Phong

Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP