Xuất khẩu hạt điều ghi nhận mức tăng trưởng khá
Năm 2023, xuất khẩu hạt điều ghi nhận mức tăng trưởng khá trong số các nhóm sản phẩm của ngành nông nghiệp.
Đáng chú ý cùng với rau quả, cà phê và gạo, xuất khẩu hạt điều tăng cả lượng và trị giá so với năm 2022. Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2023 đạt 644.000 tấn, trị giá 3,64 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm trước.
Tính riêng tháng 12/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt trên 63.000 tấn, trị giá 343,3 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với tháng 11/2023, nhưng tăng 34,5% về lượng và tăng 27,7% về trị giá so với tháng 12/2022.
Tháng 12/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.445 USD/ tấn, tính chung cả năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.657 USD/tấn, giảm 4,7% so với năm 2022.
Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đặc biệt, năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang tất cả các thị trường chủ lực tăng so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu điều sang thị Hoa Kỳ đạt 885 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc ghi nhận đột phá, với kim ngạch 683 triệu USD, tăng 55% so với năm 2022 và chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước.
Cùng đó, xuất khẩu hạt điều sang Hà Lan trong năm 2023 đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022 và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều cả nước. Ngoài ra, lượng hạt điều xuất khẩu tăng mạnh tới các thị trường: Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 72,3%); Trung Quốc (tăng 49,8%); Ả rập Xê út (tăng 46,3%); Anh (tăng 24,1%) …
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 520.000 tấn hạt điều, trị giá 3,09 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá so với 2021. Mặc dù xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2022 giảm so với năm 2021, nhưng Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số một thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Năm 2023, xuất khẩu điều chính thức thu về 3,64 tỷ USD. Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Công Thương, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, ngành điều Việt Nam đã có chỗ đứng ở Hoa Kỳ nhiều năm nay, nhu cầu của thị trường này khá ổn định.
Điều đáng nói sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, Vinacas kỳ vọng là doanh nghiệp hạt điều có thể tiếp cận những công nghệ, dây chuyền hiện đại của Hoa Kỳ, phục vụ cho định hướng mới của ngành, đó là tập trung vào chế biến, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng, thay vì điều nhân như hiện nay.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ngành điều Việt Nam đã khai thác tốt được các thị trường truyền thống và tiềm năng. Dự báo xuất khẩu điều năm 2024 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu.
Trước đó, đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ngành điều chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tuy nhiên trước diễn biến khó khăn của thị trường nửa đầu năm 2023, ngành điều đã xin hạ mục tiêu xuống còn 3,05 tỷ USD.
Trong tháng 12/2023, giá điều xuất khẩu của Việt Nam ở mức 5.497 USD/tấn, giảm 4% so với tháng 12/2022 và giảm 11% so với tháng 12/2021. Bình quân giá điều xuất khẩu năm 2023 đạt 5.677 USD/tấn, giảm 5% so với năm 2022 và giảm 10% so với năm 2021.
Dự báo năm 2024, ngành điều Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu
Hiện giá hạt điều đang ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động tiêu thụ mặt hàng có lợi cho sức khỏe này, trong khi năng suất và sản lượng thu hoạch khá ổn định.
Hiệp hội điều Việt Nam dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều.
Hiện Việt Nam giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành điều, Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp ngành điều cần đầu tư vào việc phát triển vùng nguồn nguyên liệu. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hỗ trợ và ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguồn hạt điều nhập khẩu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hạt điều xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết và kết nối nguồn lực, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu và thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ.
Tác giả: Trúc Chi
Nguồn tin: nguoiduatin.vn