Đó là cuộc sống của 3 chị em bà Phan Thị Vận (SN 1954), Phan Thị Vân (SN 1959) và Phan Thị Tam (SN 1961), trú tại tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) từ nhiều năm qua.
Theo chỉ dẫn của một số người dân địa phương, chúng tôi cũng khá vất vả mới tìm được đường dẫn vào ngôi nhà của chị em bà Vận. Đường vào nhà nằm lọt thỏm trong những bụi cây gai rậm rạp, nhiều người đi qua khó có thể hình dung được đó là nơi trú ngụ của 3 con người bao năm nay.
Ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, đơn sơ của ba chị em bà Vân, bà Vận và bà Tam |
Sau khi chúng tôi lên tiếng hỏi thăm, một người đàn bà với vẻ mặt khắc khổ bước ra, đó là bà Tam. Khi thấy chúng tôi, bà tỏ vẻ ngạc nhiên vì theo lời bà thì “đã lâu lắm rồi không có người nào lui tới đây”. Trái với hình dung ban đầu, bà Tam niềm nở và hòa đồng hơn chúng tôi nghĩ. Thả đống củi đang giở tay cầm, bà Tam niềm nở mời chúng tôi vào nhà.
Đi theo bà Tam bước vào căn nhà ẩm thấp, tối tăm chúng tôi bắt gặp hình ảnh của một người đàn bà gầy gò, nằm co quắp trên chiếc chõng gỗ ọp ẹp, đó là bà Phan Thị Vân. Theo lời bà Tam cho biết thì cách đây mấy năm, căn bệnh đau lưng hành hạ khiến bà Vân không vận động được. Đau đớn, bà Vân tìm đến một thầy lang chữa trị. Thế nhưng, bệnh không thấy khỏi mà ngày càng nặng hơn, dần lưng bà co quắp, không đi lại được.
Bà Tam cho biết, căn nhà hiện tại mà 3 chị em bà đang ở được xây từ năm 2004. Vì thấy hoàn cảnh éo le của 3 chị em, chính quyền xã Đức Thuận đã vận động, trích kinh phí để xây dựng căn nhà tình thương để 3 chị em có nơi đi ra đi vào, tránh mưa, tránh nắng. Tuy nhiên, hiện tại ngôi nhà đã xuống cấp, phía trên mái ngói đã phủ một màu đen của bụi, mạng nhện, trông ẩm thấp, tối tăm.
Căn nhà chỉ được thắp sáng bởi một bóng đèn cũ, leo lắt ở giữa nhà. Khi được hỏi, tại sao ba chị em bà không mở cửa để cho sáng và đỡ ẩm thấp hơn, bà Vận cho biết: “Không được chú ơi, bà Vân bà sợ ánh sáng lắm, mỗi khi thấy ánh sáng là bà ấy lại kêu lên vì chói, thế nên chúng tôi sống lâu ngày cũng quen dần chỉ có khi cần mới mở hé một cánh để ra ngoài”.
Bà Vận với vết thương ở chân còn đau âm ỉ, chưa lành hẳn vì không có tiền chữa trị |
Nhìn xung quanh căn nhà trống trơn, ngoài hai chiếc quạt chỉ thấy những cái nồi đã không còn quai và vung. Những chiếc ghế chỉ còn 3 chân hay cái tủ gỗ cũ càng từ thời trước.
Bà Tam cho biết, trước đây khi sức khỏe còn cho phép, 3 chị em cũng nhận làm hai sào lúa để có gạo ăn. Giờ sức yếu, cuộc sống khó khăn, bệnh tật hành hạ nên 3 chị em chỉ trông chờ vào số tiền của nhà nước hỗ trợ để sống qua ngày. Mỗi tháng, bà Tam nhận được 360 nghìn đồng.
Bà Vân tàn tật nặng hơn nhận 400 nghìn đồng. Còn bà Vận nuôi hai em được 180 nghìn đồng. Số tiền cả 3 chị em nhận được chưa đầy một triệu, thế nên họ phải tằn tiện lắm mới đủ để sống qua ngày.
Ngồi trong căn nhà ẩm thấp tối tăm, bà Vận nhớ lại, những năm 80 thế kỉ trước, khi chưa cải cách ruộng đất, bố của bà là Phan Văn Trà làm Chủ tịch UBND xã Đức Thuận (nay là phường Đức Thuận). Do anh em ruột thịt không có ai, nên cuộc sống gia đình bà thời đó rất khó khăn. Bố làm Chủ tịch xã nhưng tiền lương cũng chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà vì vậy ông phải nhận thêm ruộng về cày kiếm sống.
Năm 1981, trong lần người cha đi bừa đã không may răng bừa đâm vào chân. Do không có điều kiện đi chữa trị kịp thời, vết thương nhiễm trùng, sau đó ông Trà mất đi để lại 4 mẹ con côi cút. Kể từ khi bố mất, bà Âu Thị Nhị (mẹ bà Vận) luôn cố gắng làm lụng nuôi 3 con lớn lên. Nhưng phận đàn bà, sức chẳng có nên dù cố gắng mấy cuộc sống gia đình bà luôn trong tình trạng thiếu ăn từng bữa.
Năm 1974, bà Vận tham gia thanh niên xung phong. Sau 4 năm, bà trở về nhà với những vết thương và dị tật chiến tranh để lại. Về nhà, bà Vận cùng mẹ cố gắng làm mấy sào ruộng khoán để chăm lo cho hai em. Không lâu sau người mẹ cũng ôm yếu vì quá đau buồn nên cũng ra đi để lại 3 chị em côi cút., cái đói cái nghèo cứ thế bủa vây lấy gia đình họ. “Ngày cha làm Chủ tịch thì cuộc sống còn đỡ vì có cha lo gia đình. Rồi lần lượt cha mất, mẹ mất nữa, ba chị em tôi như bơ vơ...”, bà Vận nói.
Những vật dụng đơn sơ trong nhà của ba chị em bà Vận |
Đã nghèo còn gặp tai ương, khi năm lên 10 tuổi, cô em gái Phan Thị Tam đi gánh nước bị ngã gãy một chân. Còn người em gái thứ hai Phan Thị Vân cũng bị ngã bong gân ở đầu gối chân. Do điều kiện không có, tiền cũng không nên bà Vận không thể đưa hai em gái mình đi chữa bệnh. Rồi thời gian trôi qua, đôi chân của hai người em gái bà bị tàn tật không thể đi lại được.
Bà Vận kể, trước đây khi đi thanh niên xung phong ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Trong mưa bom bão đạn nhưng tình yêu ẫn nở, bà kết duyên với một chàng trai huyện Tuyên Hóa.
Đến năm 1980, bà cùng chồng về quê nội sinh sống. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một năm sau bà bỗng phát bệnh lạ, bụng chướng to, người gầy gò, xanh xao, trong khi đó gia đình chồng lại nghèo, thuốc thang không có nên chữa mãi không khỏi. Cuối cùng bà buộc phải chia tay chồng để về quê Hà Tĩnh chữa trị. Nhưng rồi vì thương hai em tàn tật ở nhà côi cút, bà đành “dứt tình” để chăm sóc các em. Từ đó, 3 chị em nương tựa vào nhau sống qua ngày, mặc những lời nói thị phi của thiên hạ.
“Hồi đó, Vân và Tam cũng được nhiều người để ý nhưng định kiến xã hội, rồi cái nghèo khiến chúng nó không tìm được chồng. Vậy là tôi cũng ngậm ngùi sống cảnh một mình để nuôi 2 em”, bà Vận ngậm ngùi.
Được nhà nước hỗ trợ, ba chị em có thêm đôi đồng mua mớ rau, cân gạo. Nhưng rồi những đồng tiền lương trợ cấp chẳng thấm tháp vào đâu bởi cứ dăm bữa nửa tháng, bệnh tuổi già hành hạ khiến cuộc sống ba chị thêm khó khăn. Hơn 40 năm qua, hai người em ốm đau, tàn tật không làm gì được, người chị cả lại một thân một mình gánh vác nỗi lo cơm áo gạo tiền nuôi cả ba chị em. Hai người em ai cũng nhỏ và gầy. Nhất là bà Vân. Chân tay bà Vân giờ chỉ còn da bọc xương.
Đã hàng chục năm trôi qua, bà Vân chỉ ngồi một chỗ trên giường. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào hai người chị. Hàng ngày, bà Vận chỉ ra khỏi nhà mỗi lúc đi lên rừng kiếm củi về nấu ăn. Nhân tiện, bà tạt ngang qua chợ mua mớ rau, quả cà về nấu cho các em ăn... Có những tháng mưa dầm, củi không đi lấy được, ba chị em bà Vận chỉ lủi thủi trong nhà nấu cơm lên rồi chan nước mắm ăn cho qua bữa.
Tác giả: Huy Hùng
Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam