Tận dụng lỗ hổng trong bộ luật quốc tế, Trung Quốc đã có những hành động bành trướng chủ quyền trên Biển Đông mà không bị khép vào tội tổ chức “tấn công vũ trang” và tránh được sự đối đầu với Mỹ.

Theo trang tin ISN của Thụy Sĩ, chuyên gia James Kraska tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao (FPRI) nhận định hành động mang tính ép buộc của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng được giữ ở mức độ vừa đủ để tránh bị khép vào tội tổ chức “tấn công vũ trang” theo quy định của luật pháp quốc tế.

Các tàu cá Trung Quốc thường hoạt động theo nhóm khi đánh bắt trên Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc đồng thời tận dụng lỗ hổng trong luật pháp quốc tế về quyền sử dụng vũ lực để buộc các nước láng giềng chấp thuận quyền bá chủ của Bắc Kinh ở Đông Á. Cụ thể, Trung Quốc đã cho triển khai các lực lượng hàng hải dân sự như tàu đánh cá và tàu hải cảnh, để dần dần xâm nhập và giành quyền kiểm soát khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Cũng chính nhờ khai thác lỗ hổng trong bộ luật mà Tòa án công lý quốc tế (ICJ) quy định, Trung Quốc đã đẩy các nước trong khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với nước này không thể phản ứng lại thái độ bành trướng của Bắc Kinh một cách mạnh mẽ.

Chiến lược của Trung Quốc

Để hiện thực hóa tham vọng bành trướng trên các vùng biển chiến lược, Trung Quốc đã tự vạch ra 3 mũi tấn công cùng phương thức chinh phục từng mục tiêu.

Thứ nhất, Trung Quốc cần giành được ưu thế trước Nhật Bản và Hàn Quốc trên vùng biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Ở hai vùng biển này, Trung Quốc đã thi hành chiến thuật chia cắt và xâm chiếm. Bắc Kinh còn đẩy mối quan hệ Nhật – Hàn trở nên “thù ghét nhau” nhiều hơn những gì mà hai nước này ghét Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã tận dụng những bất đồng quan điểm từ trong quá khứ giữa Tokyo – Seoul để hưởng lợi.

Thứ hai, Bắc Kinh cần “Phần Lan hóa” các quốc gia xung quanh Biển Đông bằng cách đưa vùng biển gần lãnh thổ các nước này vào trong vòng xoay quỹ đạo của Trung Quốc. Để làm được như vậy, Trung Quốc đã thi hành chính sách “cây gậy và củ cà rốt” để làm suy yếu dần năng lực phòng thủ của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Do đó, bất cứ sự chia rẽ nào trong khối ASEAN cũng sẽ giúp Trung Quốc giành lợi thế.

Thứ ba, Bắc Kinh cần có biện pháp ngăn chặn sự can thiệp từ hai cường quốc hàng hải là Mỹ và Ấn Độ. Do đó, Trung Quốc vừa thi hành chính sách gây sức ép với các nước trong khu vực nhưng tránh tạo ra một cuộc đối đầu hải quân lớn. Cụ thể là tránh một cuộc va chạm có thể khiến Mỹ thực thi cam kết bảo vệ an ninh cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Tàu thuyền Trung – Nhật không ít lần đối đầu trên vùng biển Hoa Đông gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Để hiện thực hóa được cả 3 kế hoạch trên, Trung Quốc đã cho triển khai những hành động mang tính ép buộc “mức độ vừa đủ” để tránh bị quy thành tội “tấn công vũ trang” theo quy chuẩn của luật pháp quốc tế. Phương án này của Bắc Kinh còn khiến các nước láng giềng không thể thực hiện quyền phòng thủ cá nhân hoặc tập thể.

Điển hình, kể từ năm 1999, Trung Quốc đã cho tuyên bố lệnh “cấm đánh bắt cá theo mùa” trên Biển Đông dù rằng Bắc Kinh không có quyền đưa ra những quy định về hoạt động đánh bắt cá bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này.

Song, Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên cả một khu vực rộng tới 1.000 dặm tính từ mũi phía nam đảo Hải Nam của nước này. Mục đích của việc ban bố lệnh cấm bắt cá theo mùa là nhằm giúp Trung Quốc vơ vét một trữ lượng cá lớn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, và Brunei.

Mặc dù, tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển vào năm 1996, nhưng Trung Quốc liên tục cho công bố những bằng chứng chủ quyền lịch sử phi lý đối với các hòn đảo, vùng biển nằm trên toàn khu vực Biển Đông.

Điển hình, Bắc Kinh đã cho công bố tấm bản đồ “đường chín đoạn” gây tranh cãi bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông. Trung Quốc còn sáng chế các tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử trên biển Hoa Đông đối với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư và trên biển Hoàng Hải. Nói cách khác, việc đưa ra hàng loạt tuyên bố chủ quyền hàng hải là một phần trong những chiến lược “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Chiến thuật của Bắc Kinh

Bắc Kinh đã cho triển khai hàng loạt lực lượng thực thi pháp luật dân sự cùng các tàu thương mại dân sự và máy bay tới những khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đồng thời gây sức ép với các nước láng giềng.

Trong đó, các tàu đánh cá bằng lưới rà và tàu ngư chính đã trở thành đội quân tiên phong trong chính sách từng bước giành quyền kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Thậm chí, đội quân tiên phong này còn không ngại va chạm với các tàu bảo vệ biển của các quốc gia láng giềng khi tiến sát EEZ của những nước này.

Philippines là một trong những nước thường xuyên bị các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải trái phép.

Theo tờ Defense News, mục đích của việc Bắc Kinh điều động một lượng lớn tàu đánh cá ra Biển Đông song hành với lực lượng Bảo vệ bờ biển và Hải quân Trung Quốc là nhằm “khoanh vùng khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền và dựng lên một rào chắn ngăn cản sự tiếp cận của lực lượng hải quân các nước láng giềng”.

Điển hình như việc các tàu tuần tra hàng hải của Trung Quốc đã chặn lối vào bãi cạn Scarborough. Khu vực này vốn là nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines nhưng lại nằm trong EEZ của Manila.

Hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng chính là nguyên nhân gây ra không ít vụ đụng độ gây thiệt hại về người. Như vào tháng 12/2011, một ngư dân Trung Quốc đã sát hại một binh sĩ thuộc lực lượng bảo vệ biển của Hàn Quốc khi ngăn tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải thực hiện hành vi đánh bắt trái phép.

Sự xuất hiện đông đảo của các tàu cá Trung Quốc còn gây hoang mang cho các nước láng giềng. Bởi nếu như lực lượng thực thi luật pháp biển của các nước trong khu vực làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải quốc gia, các ngư dân Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả gây nguy hiểm.

Chiến thuật sử dụng tàu cá như một lực lượng quân sự phi chính quy đã được Trung Quốc lần đầu tiên áp dụng vào những năm 1990 để bao vây các đảo Matsu và Jinmen của Đài Loan trong giai đoạn 2 miền xảy ra căng thẳng chính trị. Tới nay, Bắc Kinh lại áp dụng chiến thuật này để chống lại Nhật Bản trên biển Hoa Đông và chống lại Việt Nam, Philippines và Malaysia trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa các tàu cá tới uy hiếp Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.

Thậm chí, vào năm 2009, Trung Quốc đã có hành động ngăn cản tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ khi chiếc tàu này hoạt động cách đảo Hải Nam 75 hải lý. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã điều động đội tàu với sự góp mặt của một tàu tình báo hải quân, một tàu ngư chính, một tàu nghiên cứu hải dương và 2 tàu chở hàng cỡ nhỏ. Đáng nói, trong số những tàu này, có tới vài chiếc nằm trong lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc.

Không chỉ lai dắt trái phép Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc  còn điều động một lượng lớn tàu thuyền ngăn cản các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Trong khi đó, nhằm tăng cường tính thống nhất hoạt động của bộ máy chính quyền, Trung Quốc đã quyết định sáp nhập 5 cơ quan độc lập thành Lực lượng bảo vệ bờ biển vào tháng 3/2013.

Tiếp đó, tới đầu tháng 5/2014, Trung Quốc còn cho lai dắt và hạ đắt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để bảo vệ cho giàn khoan này, Bắc Kinh đã điều động tới gần 30 chiếc tàu đánh cá, máy bay bán quân sự, tàu chiến hải quân. Tới tháng 7 cùng năm, Trung Quốc mới lai dắt Hải Dương-981 về đảo Hải Nam.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ ISN, trang tin điện tử chuyên đăng tải các bài bình luận của giới chuyên gia và sinh viên nghiên cứu về những mối quan hệ ngoại giao và anh ninh quốc tế. Trang tin này được thành lập tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) vào năm 1994. 

MINH THU (lược dịch)