Trong nước

Thật khó hiểu Dự thảo đang được “thai nghén” ở Bộ Công thương

Tin cho biết, Bộ Công thương dự định ban hành một văn bản mới với nội dung: “Cấm bán sản phẩm bia cho phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cấm bán cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu. Các thương nhân kinh doanh bia tại các địa điểm trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè sẽ bị xếp vào hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh bia” (chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

“Tin mừng” của Dự thảo Nghị định này là tiền thuế sẽ tăng thêm 3.150 tỷ đồng mỗi năm.

Một Dự thảo mà chưa đọc đã thấy…thiếu thực tiễn, chưa ban hành đã biết chắc là không thể nào thực hiện được thì “nghĩ” ra để làm gì?

Trước hết, ta hãy thử bình tĩnh một chút để ngẫm về cái… vỉa hè. Theo tính toán sơ bộ của người viết bài này,  trong tình hình kinh tế sản xuất khó khăn như hiện nay thì có ít nhất 10 triệu người dân (tính cả gia đình),  sống ổn định hoặc sống tạm bợ được là nhờ cái vỉa hè, trong đó quán bán rượu bia, giải khát, chiếm ít nhất 50%. Không có ai không một lần chứng kiến cảnh dân phòng, công an tịch thu bàn, ghế, ô dù, thùng, chậu, rổ, rá… người dân sử dụng để kinh doanh trên vỉa hè.

Những cảnh trớ trêu và xót xa ấy diễn ra liên tục từ tuần này sang tuần khác, từ năm này qua năm nọ, để rồi, tất cả vẫn y nguyên như câu thành ngữ bất hủ của tư duy hạn chế, “bắt cóc bỏ đĩa”. Cái lí của tình trạng trên ai cũng biết, lẽ nào các vị làm chính sách của Bộ Công thương không biết?

Trước khi dẹp bỏ cuộc sinh nhai bám vào cái vỉa hè, nhất thiết phải tìm thấy lối thoát cho người dân – Ảnh: minh họa (Nguồn internet)

Câu trả lời giản dị hơn cả một bài toán cộng: Khi hàng triệu người mưu sinh nhờ vào cái vỉa hè từ bao năm nay khi chưa có phương cách khác tốt hơn, dẹp đi, lấy gì để sống? Các cơ quan về thuần phong mỹ tục, văn minh đô thị chỉ tính cái đầu vào tịch thu, phạt hành chính mà không nghĩ, không chịu biết rằng chặn hay tước bỏ phương tiện kiếm sống là điều khó hơn cả lên trời. Vì thế, trước khi dẹp bỏ cuộc sinh nhai bám vào cái vỉa hè, nhất thiết phải tìm thấy lối thoát cho người dân như tiếp tục kinh doanh ở đâu, nếu không kinh doanh thì làm gì để sống…

Vấn đề tiếp theo là câu hỏi đặt ra để Bộ Công thương trả lời: Làm thế nào để biết phụ nữ có thai 1- 2 tháng hay, con hai tuổi vẫn còn cho bú? Khó hơn nữa là dựa trên cơ sở nào để kết luận đó là người có bệnh lý về lạm dụng rượu bia?

Chỉ riêng việc định nghĩa hai từ “lạm dụng” và “bệnh lý” đã là cả một nan đề. Báo Một Thế Giới cho rằng bệnh lý về rượu bia có nghĩa là “có biểu hiện say”; nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo định nghĩa là “uống cho đất bằng lại”; còn nhà thơ Trịnh Thanh Sơn thì mông lung hơn nữa, “tôi ngồi rót biển vào chai”… Sơ qua như thế để thấy rằng các nhà làm ra luật (Dự thảo NĐ) ở Bộ Công thương dường như đang muốn trở thành nhà thơ trong khi đất nước đã có hơn vài vạn nhà thơ rồi!

“Văn hóa vỉa hè” với không ít nét đẹp và vô số những phác thảo buồn là điều không thể chối cãi. Hình như chẳng có nơi nào trên thế giới mà vỉa hè chật chội, đông đúc, vui vẻ suốt 4 mùa như ở VN. “Bài toán 10 triệu người” không dễ một sớm một chiều có thể “xong” dễ như luật pháp muốn. Đó là chưa kể rằng 90% quán nhậu, ăn uống ở các thành phố, thị xã không đủ diện tích kinh doanh vì các quán sá đó chỉ có diện tích vài đến vài chục m2. Không bày ra vỉa hè, lấy tiền đâu nạp thuế và sống? Chiết tự ngôn từ thì còn nhiêu khê hơn nữa: Cấm bán ở vỉa hè không có nghĩa là không thể mua trong nhà đem ra vỉa hè uống(!)

“Tính pháp lý cao” như Bộ Công thương tự khen là điều khó đồng tình. Cái ‘hay” của pháp luật nước ta là chủ tịch tỉnh, huyện ban hành công văn khuyến khích uống còn trung ương thì cấm. Cấm mà thuế thu vào vẫn tăng, thế mới là phi thường. Thật khó hiểu cho cái sự không thể nào lý giải nổi của Dự thảo đang được mang thai ở Bộ Công thương.

Hà Văn Thịnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP