Trong nước

Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội

Sáng 21/3, Quốc hội bước vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, với hơn 10 ngày dành cho công tác nhân sự. Trong đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều được bầu mới.

Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 21/3. Ảnh: Hoàng Hà.
Toàn cảnh phiên khai mạc sáng 21/3. Ảnh: Hoàng Hà.

Phát biểu khai mạc sau phiên họp trù bị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020; năm Quốc hội khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động của mình; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020…

“Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ qua; xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cũng thật lớn lao”, ông Hùng nói.

Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc sáng 21/3. Ảnh: Nguyễn Minh Hoàng.

Ông đề nghị Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian, công sức chuẩn bị chu đáo các nội dung trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công.

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng đầu tháng 4

Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) khi nhậm chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Sáng 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.

Sáng 31/3 Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ trước Quốc hội.

Theo thông tin bên lề Đại hội Đảng XII, dự kiến nhân sự để bầu cho chức danh Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tân Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Minh Hoàng.

Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.

Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.

Ngày 8/4, tân Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

‘Tuyên thệ là lời hứa trước đồng bào’

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy định Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp sau khi được bầu là nội dung mới được quy định trong Hiến pháp và đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội.

“Người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ với thời gian không quá 3 phút” – ông Phúc nói.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc các chức danh chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng tuyên thệ sau khi nhậm chức sẽ khiến cho nghi lễ nhậm chức trang trọng hơn.

“Tuyên thệ trước Quốc hội, dù gói gọn trong 3 phút nhưng sẽ là lời hứa công khai của lãnh đạo trước quốc dân đồng bào. Người dân sẽ nhìn vào đó để xem xét trong nhiệm kỳ vị đó sẽ hành động ra sao, có những chính sách thế nào trước lời hứa đó. Vì vậy tính trách nhiệm sẽ cao hơn”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc tuyên thệ khi nhậm chức ở mỗi nước sẽ khác nhau. Thông lệ quốc tế về việc tuyên thệ cũng đa dạng, tùy thuộc vào văn hóa từng nước, có người thề sẽ đưa tay lên hiến pháp, cũng có người thề đưa tay lên kinh thánh.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII dự kiến có 19 ngày làm việc. Trong đó, 10,5 ngày làm công tác nhân sự; 5 ngày thảo luận, xem xét thông qua 7 dự án luật; 4,5 ngày để xem xét đánh giá công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Công Khanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP