Hiện đang có nhiều ý kiến về việc này với 2 luồng trái ngược nhau.Chỉ lo chụp ảnh: Phản cảm, nhẫn tâm?
Ngay sau vụ tai nạn, trên các trang mạng xã hội đã ngập tràn những hình ảnh và bình luận, trong đó đáng chú ý là chia sẻ của bạn T.H.T – người vừa là nhân chứng vừa là một trong những người tham gia ứng cứu người bị nạn.
Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tối 8/11 trên cầu vượt Thái Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội) |
Bên cạnh việc nhắc nhở mọi người tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông, bạn T.H.T không giấu được nỗi bức xúc khi nhiều người có mặt tại vụ tai nạn nhưng thờ ơ, thấy người bị nạn mà không cứu, chỉ bàn tán và chụp ảnh rồi lảng đi:
“Trong tất cả quá trình đấy, người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được duy nhất ngoài mình còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ.
“Có thể không giúp gì được cho người bị nạn, nhưng ít ra đừng xúm lại quay phim chụp ảnh đưa lên Facebook câu like, vừa tàn nhẫn, vừa phản cảm vô cùng”. Bạn đọc Đình Vũ |
Cùng chung suy nghĩ ‘không hiểu những người này nghĩ gì trong đầu’, bạn Bui Thanh Mai tỏ rõ sự đồng cảm khi chia sẻ câu chuyện của mình: “Mình cũng từng bị tai nạn, xe thì đè trên người. Người đâm mình thì nằm thẳng đơ ra, sùi bọt mép. Kêu cứu thì chỉ nhận được những ánh nhìn vô tâm và lướt qua cho đến mãi sau. Lúc đấy mới thấm lắm cái cảnh này…”
Như động vào đúng “chỗ ngứa” đang là vấn đề bức xúc của cả xã hội, một loạt ý kiến từ đồng tình đến phẫn nộ được bày tỏ trong cùng tâm trạng bức xúc, cho rằng điều đáng sợ nhất là trong xã hội tình người dường như ngày càng xói mòn, con người đối xử với nhau lạnh lùng vô cảm, chỉ chạy theo những giá trị ảo mà quên đi những việc thiết thực cần làm.
Không có kỹ năng cấp cứu thì đừng động vào?
Ở chiều ngược lại, có một lượng không nhỏ các ý kiến bàn tán sôi nổi trên diễn đàn, mạng xã hội cho rằng: Cứu người trong lúc tai nạn là cần thiết và cấp bách nhưng cứu không đúng cách có khi sẽ khiến hậu quả nặng nề hơn.
Bệnh nhân tai nạn: Sơ cứu càng sớm càng tốt Trao đổi với VietNamNet, bác sỹ khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (nơi đang cấp cứu cho tài xế xe taxi vụ tai nạn tối 8/11 trên cầu vượt Thái Hà) cho biết: Với các trường hợp bị tai nạn giao thông thì cần phải sơ cứu càng sớm càng tốt để bảo vệ đường thở. Bên cạnh đó cần gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt. Thúy Hạnh (ghi) |
Bạn Tuấn Nguyễn chia sẻ: “Không có kỹ năng đừng động tay vào, nhất là tai nạn giao thông. Nhiều ca bế, xốc…. khiến bệnh nhân nặng hơn dẫn đến tử vong”.
Bạn Pham Viet chung quan điểm: “Các bạn chú ý, nếu gặp người bị nạn thì tuyệt đối không nên bế nạn nhân hoặc kéo họ nhé. Cực kì nguy hiểm vì có thể hành động cứu người đó của bạn khiến cho người ta thêm trầm trọng hơn.
Mình đã nghe quá nhiều chuyện vì không biết cách sơ cứu mà khiến người bị nạn chết. Tốt nhất các bạn gọi điện thoại cho công an và cứu thương. Một phần cũng để tránh trường hợp người nhà nạn nhân giở trò “bắt vạ” bạn vì cũng đã không ít trường hợp như vậy rồi”.
Bạn Linh Linh kể lại vụ việc cách đây ít lâu, đi đường, gặp đúng lúc xe máy và xe đạp điện va chạm nhau, các cháu ngã xõng xoài ở khúc đường Xuân Thủy.
“Mình vội vàng dựng xe chạy lại đỡ tụi nó dậy. Thế mà đã không cảm ơn, em này còn hẩy tay mình không khác gì mình bị hủi. Đã thế mình cũng không thèm hỏi có sao không nữa, lên xe rồ ga bỏ đi” – bạn Linh Linh viết.
Sơ cứu quan trọng nhưng phải đúng cách Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: 50% số nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn; 30% xảy ra trong ba đến bốn giờ sau đó. Chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện. Vì thế, trong vòng một giờ đầu sau khi bị tai nạn, được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên, để cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông hiệu quả thì cần có kiến thức và kĩ năng: Cần làm: – Phải kiểm soát đường hô hấp: làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, đờm dãi… phải dùng tay móc ngay ra. – Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được): Cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra. – Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương để cầm máu hiệu quả. – Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. – Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: 1. Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); 2. Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết. 3. Chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý: Nhấc lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện. Cần tránh – Không đặt người bị nạn nằm ngửa, không di chuyển khi chưa cố định, không đưa bất kì vật lạ vào miềng gây sặc, ngạt. – Không rút bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Vật nhọn bị đâm lúc này có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, có thể bị tử vong do mất máu. – Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ. – Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì xóc gây liệt hô hấp. (Theo BS Vũ Minh – Báo Sức khỏe Đời sống) |
T.Phùng (Tổng hợp)