Kinh tế

Sếp ngân hàng bị chất vấn về vụ ông Trịnh Văn Quyết, bà Nguyễn Phương Hằng

CEO OCB Nguyễn Đình Tùng khẳng định các khoản cho vay với FLC, Đại Nam chưa phát sinh vấn đề sau các vụ việc liên quan lãnh đạo hai doanh nghiệp này do ngân hàng làm đúng quy định từ đầu.

Lại "nóng" chuyện cho vay FLC

Tại họp đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng OCB sáng 23/4, vấn đề các khoản cho vay với Tập đoàn FLC cũng trở thành chủ đề nóng. Cùng với BIDV, Sacombank, OCB là một trong những ngân hàng đang cấp tín dụng nhiều nhất cho Tập đoàn FLC.

Trả lời băn khoăn về các khoản cho vay với FLC sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết Tập đoàn FLC từ trước đến nay có nhiều dự án tiềm năng. Trước thời điểm xảy ra sự kiện ông Quyết vi phạm pháp luật, trong quan hệ tín dụng với OCB, FLC trả nợ gốc, lãi rất nghiêm túc, chưa bao giờ chậm nợ và thực tế trong cả hệ thống ngân hàng, tập đoàn này cũng chưa bao giờ bị chuyển nhóm nợ.

Theo ông Tùng, OCB cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hai dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên dự án cụ thể. Hai dự án trên đều có đầy đủ điều kiện pháp lý, chỉ được cấp tín dụng sau khi FLC hoàn thành giải phóng mặt bằng, đấu thầu đúng quy định. Song song đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản.

"Khi cho vay, chúng tôi làm rất chặt chẽ, kiểm soát dòng tiền đúng mục đích. Họ có tài sản đảm bảo, riêng giá trị bất động sản thế chấp đã trên 2.000 tỷ đồng. Đất đai chúng tôi nhận cũng đã có sổ đỏ đầy đủ chứ không phải tài sản hình thành trong tương lai. Hoạt động giải ngân cũng được kiểm soát dựa trên tiến độ thực tế của công trình. Ví dụ dự án của họ được duyệt hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng nhưng chúng tôi chỉ giải ngân 280 tỷ đồng theo tiến độ thực tế", ông Tùng thông tin.

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn phát biểu tại đại hội thường niên sáng 23/4 (Ảnh: OCB).

CEO OCB đánh giá sự kiện của ông Trịnh Văn Quyết vừa qua là rủi ro lớn đối với Tập đoàn FLC và cả đối tác của họ. Chính ngân hàng cũng đánh giá tính chất rủi ro của sự kiện và đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo khả năng thu nợ.

Theo ông Tùng, hai dự án của FLC vay vốn tại OCB vẫn được triển khai bình thường. FLC cũng đã bán sản phẩm cho khách hàng. Số tiền người mua phải thanh toán cho chủ đầu tư theo tiến độ khoảng 2.400 tỷ đồng đủ đảm bảo dòng tiền để tập đoàn này trả nợ cho OCB, chưa nói đến tài sản thế chấp.

Dù vậy, do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan ông Trịnh Văn Quyết, OCB đang thương thảo với Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways để thu hồi nợ sớm. Ông Tùng cũng nói thêm vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết có tính chất cá nhân còn Tập đoàn FLC hiện nay dù rất khó khăn nhưng vẫn hợp tác với ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng vẫn hoạt động tốt, ngân hàng dù không tăng hạn mức nhưng vẫn có thể xem xét duy trì quan hệ tín dụng để hỗ trợ.

"Trong ngành ngân hàng, một khi khách hàng gặp rủi ro thật sự thì tìm người ta cũng khó chứ chưa nói đến thu nợ. Do đó, chúng tôi tin là ngay trong tháng này sẽ giảm dư nợ với FLC", ông Tùng nhấn mạnh ngân hàng đã làm đúng và cẩn trọng từ đầu nên chưa xác định tổn thất nào. Liên quan vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng giám sát chặt chẽ và bản thân nhà băng cũng phải báo cáo thường xuyên và chi tiết cho cơ quan quản lý.

Khoản cho vay với Đại Nam không phát sinh vấn đề

Ngoài vụ việc liên quan Tập đoàn FLC, nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi sự kiện liên quan bà Nguyễn Phương Hằng có ảnh hưởng đến OCB hay không khi ngân hàng này có quan hệ tín dụng với Tập đoàn Đại Nam.

"Với sự kiện của bà Nguyễn Phương Hằng, phải nói thật với tư cách người làm ngân hàng 30 năm tôi chưa bao giờ gặp rủi ro như vậy", ông Tùng chia sẻ quan điểm với cổ đông OCB. Theo ông, rủi ro liên quan đến tập đoàn Đại Nam do sự kiện trên nằm ngoài khả năng dự báo trong hoạt động ngân hàng.

Ông Tùng cho biết dự án được OCB cho Đại Nam vay là sản xuất găng tay xuất khẩu đi Mỹ. Sau sự kiện, chồng bà Phương Hằng là ông Huỳnh Uy Dũng cũng đã tích cực làm việc với ngân hàng để thanh toán sớm dư nợ. CEO OCB thông tin tập đoàn Đại Nam đã ký hợp đồng bán tài sản cho đối tác, trong hai tháng tới có thể thu về 4.500 tỷ đồng.

Với số tiền này, Đại Nam dư sức trả tất cả khoản vay ngân hàng. Công ty của ông Huỳnh Uy Dũng cũng vừa trả 450 tỷ đồng cho OCB. CEO OCB thông tin thêm tài sản thế chấp của Đại Nam là các sổ đỏ đã được cấp cho tập đoàn này. Do đó, khoản tín dụng của Đại Nam không phát sinh vấn đề gì với ngân hàng.

Đánh giá chung về chất lượng tín dụng, lãnh đạo OCB khẳng định mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1% năm nay là hoàn toàn khả thi. Ông Tùng cũng chia sẻ ngân hàng vừa xử lý được một số khoản cho vay tồn đọng trong 7-8 năm qua, qua đó đóng góp thêm cho kết quả kinh doanh 2022.

Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.100 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với 2021. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 25%. Lãnh đạo OCB thừa nhận đây là chỉ tiêu rất thách thức trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt về lãi suất cho vay, đặc biệt trong mảng bán lẻ. Do đó, ngân hàng sẽ tập trung vào việc giảm chi phí vốn, đẩy mạnh các sản phẩm cho vay riêng, tăng cường chất lượng tín dụng để đạt kế hoạch cam kết với cổ đông.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP