Tăng nội dung đạo đức và kĩ năng sống
Theo Bộ GD&ĐT, hiện đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) và đang hoàn thiện để ban hành Thông tư ban hành Chương trình GDPT mới theo trình tự, thủ tục pháp luật đã quy định trong tháng 10/2018.
Nếu như chương trình hiện hành cũng như các chương trình trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?” thì chương trình GDPT mới trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
Chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành, thể hiện ở các điểm sau: giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh.
Ngoài ra, Chương trình GDPT mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên.
Chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành. (Ảnh: Mỹ Hà). |
Nội dung giáo dục hướng nghiệp được thiết kế thành các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ban hành chương trình GDPT mới phải gia hạn theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới.
Nguyên nhân là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.
Quá trình dự thảo chương trình GDPT mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội.
Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.
Điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn SGK theo quy định.
Tổ chức thẩm định SGK (gồm bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc tổ chức biên soạn và các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, sử dụng SGK để dạy học theo chương trình GDPT mới; hướng dẫn biên soạn tài liệu nội dung giáo dục của địa phương...
Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học Chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới.
Việc xuất bản, phát hành SGK chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện như hiện nay tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu từ biên soạn đến phát hành. |
Sẽ có SGK điện tử
Theo Bộ GD&ĐT, Chính phủ đã giao cho Bộ GDĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK từ năm học 2002-2003, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.
Việc xuất bản, phát hành SGK chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện như hiện nay tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK.
Cùng đó, trong danh mục SGK do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là SGK bán kèm theo. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành SGK không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là “SGK bài tập” bắt buộc học sinh phải mua như SGK.
Về định hướng thời gian tới, chủ trương của Quốc hội xã hội hoá việc biên soạn SGK phù hợp với các nước có nền giáo dục tiên tiến…
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng.
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD&ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn , bảo quản đảm bảo SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh… Có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí