Trung Quốc

‘Quả tim lỗi’ khiến tiêm kích Trung Quốc hụt hơi ở Biển Đông

Ngày 14/4, Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ sau khi Trung Quốc có động thái “chưa từng có tiền lệ”, triển khai phi pháp tới 16 chiến đấu cơ J-11D ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Mang vẻ ngoài ấn tượng, tiêm kích J-11D Trung Quốc lại gắn động cơ nhiều lỗi, khó giúp nó thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc điều máy bay tiêm kích J-11D đến sân bay trên đảo Phú Lâm là hành động nhằm phô trương sức mạnh không quân của nước này, với mong muốn tiêm kích J-11D đóng vai trò chính trong việc kiểm soát bầu trời biển Ðông.

Trong bài viết gửi tới VnExpress, kỹ sư Trần Thắng, người từng tốt nghiệp và làm việc lâu năm trong lĩnh vực thiết kế và lắp ráp động cơ máy bay tại Mỹ, phân tích rằng J-11D là một loại máy bay quân sự hiện đại, nhưng khi triển khai xuống Biển Đông, yếu tố “địa lợi” sẽ làm hạn chế rất nhiều khả năng tác chiến của nó, khiến J-11D khó có thể thực hiện được việc kiểm soát bầu trời.

Theo đó, Biển Đông là khu vực có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, dễ ảnh hưởng đến tính năng của các loại vũ khí, khí tài quân sự. Mùa mưa bão từ tháng 8 đến tháng 11 là thời gian thử thách lớn đối với các chiến đấu cơ, khi gió mạnh mang theo cát, đá, san hô, vỏ ốc bay trong không trung, có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của động cơ WS-10 của J-11D.

qua-tim-loi-khien-tiem-kich-trung-quoc-hut-hoi-o-bien-dong

Kỹ sư Trần Thắng.

Hành trình phát triển động cơ WS-10

Ðộng cơ WS-10 trang bị trên chiến đấu cơ J-11D do Viện Nghiên cứu Động cơ hàng không Thẩm Dương, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) nghiên cứu từ năm 1986 với sự chấp thuận của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Bắc Kinh đã huy động hơn 21 nhà máy và viện nghiên cứu để sản xuất động cơ này.

WS-10 được phát triển từ động cơ CFM-56, mua lại của công ty GE (Mỹ), từng được phát triển thành động cơ quân sự F101 để trang bị cho máy bay ném bom B-1 Lancer.

Kỹ sư Thắng cho rằng Trung Quốc không lựa chọn phát triển từ động cơ AL-31F turbofan của Nga vì động cơ này không phải là sản phẩm được thiết kế từ các phần mềm ứng dụng tân tiến trên máy tính. Trung Quốc không tìm ra được chất liệu để thiết kế cánh quạt hoạt động ở nhiệt độ cao, chính vì thế cánh quạt hay bị vỡ khi động cơ hoạt động.

Ðến năm 2015, sau gần 30 năm phát triển và thử nghiệm, động cơ WS-10 chính thức đi vào hoạt động trong không quân Trung Quốc.

qua-tim-loi-khien-tiem-kich-trung-quoc-hut-hoi-o-bien-dong-1

Chiến đấu cơ J-11D của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Cùng thời gian đó, Trung Quốc mua 176 chiếc máy bay Su-27 và Su-30 từ Nga, nhờ đó, có thể tìm cách nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay nội địa của mình.

Tháng 4/2015, lần đầu tiên Trung Quốc trình làng tiêm kích J-11D trang bị hai động cơ WS-10, có thể bay xa 3.500 km và đạt tốc độ 2.500 km/h, được xem là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này. Ngoài 100 chiếc J-11D, Trung Quốc còn sản xuất một số dòng chiến đấu cơ khác như J-10, J-15, J-16.

Là bản sao của tiêm kích Su-27 Flanker (Nga), J-11D được phát triển hiện đại để có thể sánh hàng với Su-35 của Nga và F-15C Eagle hoặc F/A 18E/F Super Hornet của Mỹ.

Tuy có thiết kế ấn tượng, chiếc J-11D lại không làm giới chức quân sự Trung Quốc hài lòng về công nghệ động cơ máy bay, và các chuyên gia phương Tây cũng nhìn thấy vấn đề này.

Trái tim lỗi

Trung Quốc có nhiều tiền và sẵn sàng chi tiêu để phát triển năng lực quốc phòng. Trung Quốc cũng chấp nhận sao chép, làm nhái công nghệ từ nước ngoài để rút ngắn thời gian phát triển, kỹ sư Trần Thắng nhận định.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực động cơ máy bay, anh Thắng cho rằng, về bản chất, động cơ WS-10 chính là sản phẩm của quá tình nghiên cứu mẫu và thiết kế lại (reserve engineered) từ động cơ CFM-56 của Mỹ. Theo tính kỹ thuật, các kỹ sư Trung Quốc có thể thiết kế được mô hình, nhưng lại không tìm ra chất liệu gốc và các tính chất vật lý liên quan. Vì thế mô hình có thể hoạt động trong phòng thí nghiệm nhưng ra đến sản phẩm lại bị hỏng do các cánh quạt bị gẫy ở nhiệt độ cao và tốc độ quay lớn.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Trung Quốc loan báo lắp động cơ “sản xuất nội địa” WS-10 cho tiêm kích J-11D, một loạt vấn đề kỹ thuật xuất hiện, buộc họ phải liên tục điều chỉnh. Đến năm 2014, tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, người phát ngôn của Viện nghiên cứu Hàng không 606 mới tuyên bố rằng “động cơ đã hoạt động đầy đủ và chín chắn”.

qua-tim-loi-khien-tiem-kich-trung-quoc-hut-hoi-o-bien-dong-2

Đồ họa: Trần Thắng.

Kỹ sư Thắng cho hay quy trình sản xuất động cơ máy bay là sự kết hợp 4 khâu chính: nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm. Nền công nghệ sản xuất động cơ máy bay cần có hàng nghìn kỹ sư xuất sắc và có kinh nghiệm. Dường như Trung Quốc không có đầy đủ lực lượng kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu để thiết kế động cơ máy bay.

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, trong năm 2015 có 305.000 học sinh và sinh viên Trung Quốc theo học tại đây, trong đó có 20% sinh viên tham gia học ngành kỹ sư. Tuy nhiên, ngành cơ khí hàng không thuộc ngành đặc biệt, chỉ dành cho công dân Mỹ làm việc, và có thể các công ty hàng không tại Anh và Pháp cũng áp dụng chính sách tương tự. Chính vì thế, sinh viên Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng không trước khi trở về nước, khiến động cơ WS-10 không được thiết kế hoàn hảo. Theo tác giả Dave Majumdar viết trên tờ The National Interest ngày 29/10/2015, động cơ WS-10 chính là “gót chân Asin” của chiếc tiêm kích J-11D.

Ðộng cơ máy bay giống như trái tim con người, một khi trái tim không khỏe thì chiếc máy bay không thể nào phô trương được sức mạnh của nó. Ðiều này cũng có nghĩa trong vòng 10 năm tới, những chiếc máy bay J-11D với động cơ “made in China” khó có thể bay thoải mái trên bầu trời Biển Đông, theo anh Thắng.

Trần Thắng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP