Trong kho tàng điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhắc đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với những ký ức không thể phai mờ về giai đoạn lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm”, người ta không thể không nhắc đến bộ phim “Em bé Hà Nội” của NSND Hải Ninh và “Hà Nội - 12 ngày đêm” của NSND Bùi Đình Hạc. Đây được xem là nhưng tác phẩm điện ảnh góp phần nhắc nhở bao thế hệ người Việt về một thời kỳ chiến đấu dũng cảm, oanh liệt của quân và dân Thủ đô vì nền hòa bình dân tộc.
NSND Lan Hương sống mãi với kỷ niệm của “em bé” Hà Nội
Bộ phim “Em bé Hà Nội” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1973. Bộ phim khắc họa cuộc sống Hà Nội năm 1972, thời điểm quân đội Hoa Kỳ thực hiện Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền Bắc Việt Nam. Phim phản ánh nỗi đau thương của người dân Hà Nội trong 12 ngày đêm hứng chịu những đợt rải bom B-52 của Đế quốc Mỹ mà nặng nề nhất là khu phố Khâm Thiên. Bộ phim ghi dấu ấn của NSND Lan Hương vào vai “Em bé Hà Nội”, khi ấy mới 12 tuổi.
Nụ cười của "em bé" Lan Hương trong "Em bé Hà Nội". Ảnh: TL. |
NSND Lan Hương kể, chị gặp đạo diễn Hải Ninh khi mới 3 - 4 tuổi ở nhà bác ruột là NSƯT Lưu Xuân Thư (nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu). Bẵng đi một thời gian, khi chị đang sống cùng bố mẹ ở Kim Liên (Hà Nội) thì đạo diễn Hải Ninh tìm đến thuyết phục bố mẹ chị cho chị đóng phim của ông. Tuy nhiên, bố mẹ chị đã phản đối kịch liệt điều này.
Mẹ chị vì không muốn con gái đóng phim nên đã cắt phăng đi hai bím tóc lúc lắc rất đáng yêu mà chị phải “nuôi” từ bé và cũng là hai bím tóc mà đạo diễn Hải Ninh rất thích. Nhưng nam đạo diễn đã kiên trì tìm mọi cách thuyết phục bằng được, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho Lan Hương đóng phim “Em bé Hà Nội”.
Cho đến bây giờ, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng kỷ niệm khi quay bộ phim này vẫn rõ mồn một trong tâm trí của “Em bé Hà Nội” Lan Hương. Chị kể, hồi nhỏ ở nhà chị rất ít nói thế nhưng khi đứng trước ống kính máy quay chị đã nói rất nhiều, nói liến thoắng vì sợ không nói người ta sẽ không cho mình đóng phim nữa.
“Bộ phim được quay vào tháng 6, tháng 7 năm 1973, khoảng nửa năm sau trận “Điện Biên Phủ trên không” nên nhiều nơi vẫn chưa được dọn dẹp hết. Có một cảnh quay tôi đi quanh những hố bom để tìm nhà trong đoàn làm phim ở một nơi khác, máy quay được treo trên cầu cẩu ở rất xa. Tôi chỉ có một mình ở đó, xung quanh vắng lặng, hoang tàn, đổ nát. Cho đến giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ.
Còn một cảnh quay tôi khiến người khác sợ đó là cảnh ô tô đang chạy và tôi chạy song song với bánh xe. Mọi người đứng ngoài xem tôi diễn mà không khỏi lạnh gáy vì dù chiếc xe chạy chậm nhưng tai nạn rất có thể sẽ xảy ra trong tích tắc. May mắn tôi bình an và được khen ngợi vì cảnh đó diễn quá đạt”, NSND Lan Hương nói.
Nữ nghệ sĩ cũng cho rằng, chị cảm thấy vô cùng mãn nguyện bởi hơn 40 năm qua, không năm nào người ta không nhắc đến “Em bé Hà Nội” vào mỗi dịp kỷ niệm Hà Nội chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Và càng hạnh phúc hơn khi cả cuộc đời của chị gắn liền với nhân vật “em bé Hà Nội”. Kỷ niệm của những tháng ngày quay phim này chị không bao giờ có thể quên được.
NSƯT Chiều Xuân tràn đầy xúc cảm mỗi lần nhắc đến "Hà Nội 12 ngày đêm"
Bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” khởi quay từ 1997 đến 1999 mới đóng máy. Phim được thực hiện rất công phu với mục đích tái hiện một phần không khí của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris đem lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng như: Quốc Tuấn (Tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân), Xuân Tùng (Phi công Trần Đại), Chiều Xuân (Nhà báo Ngân Hà), Mai Thu Huyền (bác sĩ Thủy Tiên)…
NSƯT Chiều Xuân vai nhà báo Ngân Hà trong "Hà Nội 12 ngày đêm". Ảnh: TL. |
Phim khắc họa thành công những nhân vật tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên Hà Nội yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Họ đã bước vào cuộc chiến với hành trang là tình yêu Hà Nội, là lòng dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ, là sự kì vọng của những người đi trước. Rất nhiều người trong số họ ra đi, để lại bao lời hứa hẹn chưa thành, bao mơ ước còn dang dở. Nhưng bộ phim vì thế, càng thêm sức nặng, chồng chất tâm sự đau xót về những tổn thương không gì bù đắp được trong chiến tranh.
NSƯT Chiều Xuân chia sẻ, nhà báo Ngân Hà là một cô gái rất đậm đặc nét Hà Nội. Đạo diễn Bùi Đình Hạc chọn chị cho vai diễn này cũng vì thấy được những nét tương đồng của nhân vật.
“Ngân Hà là một cô gái rất Hà Nội. Cô rất điệu đà, kể cả khi cô đang đi chơi với người Pháp trên cầu Long Biên bỗng có báo động, cô cũng để nguyên guốc có gót cao leo lên thang tiếp đạn. Bác Hạc bảo với tôi, con gái Hà Nội điệu lắm nên cháu cứ để nguyên guốc nhọn như thế mà diễn. Cảnh quay đó rất khó vì đường ray chạy bộ rất gồ ghề, nếu đi guốc không khéo dễ bị kẹt đế xuống dưới. Và khi leo lên thang thì thang cũng rất cao. May tôi là người giữ thăng bằng tốt nên không bị làm sao. Nhưng quay những cảnh đó xong về thì người đau ê ẩm.
Một cảnh khác là cảnh làm giỗ, quay ở bên Bát Tràng (Hà Nội) vào đúng thời tiết cực nóng của mùa hè nhưng lại diễn tả không khí đại hàn của mùa đông. Để quay được những cảnh này mọi người phải mặc áo bông, áo len, áo trấn thủ… mồ hôi chảy ra ướt đẫm mà chẳng ai kêu ca gì cả. Nhất là vai của cụ Kim Lân còn phải khoác một chiếc áo dạ rất dày. Lúc diễn mọi người hăng say nhưng sau khi nhớ lại thì ai cũng cảm thấy hãi cảnh đó lắm.
Rồi để quay được cảnh đổ nát ở trong Hà Đông, sau khi dựng cảnh xong chúng tôi vào quay thì ai cũng rơm rớm nước mắt vì nhìn mọi thứ xót xa quá. Nhất là quay đoạn người bạn vào bế tôi lúc đó đã chết trên đống đổ nát, nước mắt tôi cứ dàn dụa không kìm lại được.
Tôi còn nhớ, khi đoàn làm phim quay cảnh hai mẹ con bị chết ngạt dưới hầm vì nước dâng thì phải mượn cảnh ở Nhà máy Giày da Thụy Khuê, xây bể rồi đổ nước ngập bể để cảnh quay có tính chân thực. Nói thật là nhìn cảnh đó tôi cảm thấy rợn người vì quá bi thảm. Và khi quay xong tôi bị ngứa khắp người vì xi măng chưa khô”, NSƯT Chiều Xuân kể.
Theo nữ nghệ sĩ thì các cảnh quay của phim đều rất cầu kỳ và đạo diễn cũng như ê-kíp cố gắng làm sao để có được những cảnh quay chân thực nhất. Tuy nhiên, vì thế mà các diễn viên tham gia phim đều dạt dào cảm xúc vì mọi thứ rất chân thực.
Bản thân nghệ sĩ Chiều Xuân cũng tâm sự rằng, chị rất yêu bộ phim và vai diễn của chị trong bộ phim. Bởi bộ phim đã không chỉ tái hiện lại được một cách chân thực bối cảnh lịch sử thời điểm đó mà còn được đánh giá rất cao tại nhiều liên hoan phim. Và cứ mỗi năm đến dịp kỷ niệm Hà Nội chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là phim lại được phát lại để mọi người cùng ôn lại truyền thống hào hùng của Hà Nội trong trận chiến 12 ngày đêm với giặc Mỹ.
Phim “Hà Nội - 12 ngày đêm” đã giành giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14. Phim cũng đã tham dự 10 LHP quốc tế như: LHP Cairo 2003 (Ai Cập), LHP Fukuoka (Nhật Bản), LHP New Delli (Ấn Độ), LHP Locarno 2004 (Thụy Sĩ), LHP Vesoul (Pháp), LHP Bình Nhưỡng (Triều Tiên), LHP Fair 2005 (Teheran- Iran) và LHP Laguna Tenerife (Tây Ban Nha).
Tại LHP Fukuoka 2003 (Nhật Bản), ông Tadao Sato - Chủ tịch LHP và Viện trưởng Viện hàn lâm Điện ảnh Nhật Bản nhận xét rằng: "Trong từng trường đoạn, chiến tranh diễn ra rất ác liệt, nhưng vượt lên trên hết là tình yêu hòa bình, tình nhân ái của con người Việt Nam".
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: Báo Dân trí