17 năm xây dựng, ông chủ Coteccons chấp nhận ra đi
Vừa qua, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã công bố đơn từ nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Bá Dương.
Theo đó, kể từ ngày 2/10, ông Dương thôi giữ chức vụ Chủ tịch và Thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời chấm dứt vai trò đại diện pháp luật của Coteccons.
Trong đơn từ nhiệm của mình, ông Dương cho biết: “Vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sắp xếp công việc, đóng góp được những điều tốt nhất cho Coteccons”.
Quyết định ra đi của Dương cùng với nhiều lãnh đạo cao cấp cùng thời của ông tại Coteccons đã chấm dứt cuộc chiến nội bộ dai dẳng nhiều năm qua tại doanh nghiệp này. |
Là người sáng lập và điều hành Coteccons kể từ năm 2004, ông Nguyễn Bá Dương đã trải qua các vị trí cao nhất tại doanh nghiệp này, từ Tổng giám đốc đến Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Trong 17 năm lãnh đạo, ông Dương được ví là “kiến trúc sư trưởng” của Coteccons.
Website của Coteccons cũng ghi nhận: “Ông chính là người định hình văn hóa Coteccons và gây dựng nên Coteccons”.
Trước đó, ông Dương đã hai lần thay mặt hội đồng quản trị xin lỗi cổ đông vì để xảy ra mâu thuẫn nội bộ. Trong thư chia tay sau khi từ chức, ông Dương cho rằng, ai cũng có cảm giác chần chừ, không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro nhưng nếu không đương đầu với thách thức sẽ không thể lớn lên được. “Mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn”, cựu chủ tịch Coteccons chia sẻ.
“Cha đẻ” Võ Trường Thành hết “duyên nợ” với công ty gỗ mang tên mình
Ngày 25/8, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) thông báo, ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn (con trai ông Thành) đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với Gỗ Trường Thành.
Như vậy, nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cuối cùng cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn này sau khi khắc phục xong hậu quả do quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, âm vốn…
Nhiều năm qua, câu chuyện về ông chủ Gỗ Trường Thành tốn không ít giấy mực của báo giới. Là “cha đẻ” của một doanh nghiệp gỗ lớn mạnh, được đánh giá là “vua gỗ”, ông Võ Trường Thành lần lượt bị miễn nhiệm khỏi chức vụ chủ tịch công ty và cuối cùng phải bàn giao “con đẻ” cho người khác. |
Ông Võ Trường Thành thành lập Công ty Gỗ Trường Thành năm 1993 tại Đắk Lắk. Năm 2000, công ty thâu tóm nhà máy Vinaprimart, bước vào thời kỳ huy hoàng trong kinh doanh, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn rót vốn vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đầu tư lớn trong giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008 khiến cho công ty gặp khó khăn về tài chính do hàng tồn kho và dư nợ vay cao. Kể từ năm 2012, doanh thu của Gỗ Trường Thành bắt đầu lao dốc, mọi nỗ lực tái cấu trúc đổ bể khi công ty vướng bê bối hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng năm 2016. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành đã lên gần 2.100 tỷ đồng.
“Cha đẻ” Vinaxuki "gán" nhà máy trả nợ cho giấc mơ ô tô Việt
Nhiều năm qua, câu chuyện của ông Bùi Ngọc Huyên – “Cha đẻ” của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – khiến nhiều người phải ngậm ngùi, chua xót.
Từ một doanh nghiệp hàng đầu về ô tô làm ăn phát đạt, với tham vọng không chỉ sản xuất ô tô mà cả xe bọc thép, đến năm 2014 cả ba nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động, các ngân hàng liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn.
Từ một doanh nghiệp hàng đầu về ô tô làm ăn phát đạt, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh hoang tàn, liên tiếp bị các ngân hàng siết nợ. |
Đầu năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng Nhà máy Ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. “Trong suốt 5 năm 2004 - 2009, Vinaxuki chúng tôi là thương hiệu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp xe tải và xe bán tải. Không những có thể hoàn vốn đầu tư, trả nợ ngân hàng mà còn mang về lợi nhuận lên đến 800 tỷ đồng”, ông Bùi Ngọc Huyên chia sẻ.
Năm 2010, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra. Hàng nghìn ô tô tải lắp ráp xong để đấy vì ế ẩm, giá xe giảm dẫn đến lợi nhuận giảm dần. Đến 2012, lần đầu tiên sau 20 năm kinh doanh, ông Huyên lỗ 45 tỷ đồng.
“Đây cũng là lúc tôi hoàn thành giai đoạn nghiên cứu sản xuất xe con với mục tiêu nội địa hoá trên 40%. Đầu tư xong 13 nhà máy đặt tại nhiều tỉnh, thuê các kỹ sư nước ngoài về chuyển giao công nghệ. Làm ra một mẫu xe 8 chỗ và 2 mẫu xe 5 chỗ. Chạy thử thành công và chuẩn bị đưa vào sản xuất. Đúng lúc đó thì các ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động”, ông Huyên chia sẻ.
Kết cục, từ đó đến nay, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh hoang tàn, liên tiếp bị các ngân hàng siết nợ.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng, sau gần 7 năm dừng hoạt động, đến nay các nhà máy ô tô của Vinaxuki ngày càng dột nát, thiết bị hư hỏng, rao bán cũng chẳng ai mua, có mua cũng với giá rất rẻ mạt.
Tác giả: Nhật Linh (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân Trí