Giáo dục

Những "chiêu" phạt khiến học sinh tỉnh thức

Không phải chỉ có bạo lực, mắng mỏ, hay “truyền thống” nhưng ít tác dụng là viết kiểm điểm hoặc báo cho bố mẹ, mà ở nhiều trường cách “phạt học sinh” đang đa dạng và tích cực hơn.

Tự nguyện trừ điểm

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - ngôi trường với truyền thống luôn đón nhận học sinh bị trường khác từ chối - đã thiết kế cuốn “Sổ tay học sinh”, chủ yếu do học sinh chủ động ghi chép, tự đánh giá về bản thân.

Trong cuốn sổ này có phần “suy ngẫm” về bản thân, thay thế cho bản tự kiểm điểm một cách cứng nhắc, đối phó. Trong đó, học sinh có thể tự bày tỏ suy nghĩ độc lập của mình về những điều vừa diễn ra và tự nhận trách nhiệm. Các em cũng có thể từ chối nhận trách nhiệm tùy theo mức độ và sự việc.

Ngoài giáo viên chủ nhiệm, chỉ có học sinh biết nội dung này. Giáo viên chủ nhiệm được đọc nhưng cũng không viết nhận xét, đánh giá hay quy kết trong bản suy ngẫm đó. Mà họ chỉ trò chuyện với học sinh sau khi hiểu suy nghĩ của các em.

Từ tư tưởng “tự kỉ luật”, “tự đánh giá” này, giáo viên chủ nhiệm có những sáng tạo khác nhau về việc rèn ý thức, trách nhiệm cho học sinh.

Cô Cao Thanh Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết ở đây các thầy cô chọn cách khích lệ lòng tự trọng, trách nhiệm để học sinh tự giác điều chỉnh (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại)

Cô giáo Nguyễn Lương Thiện, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết cô đã cùng học trò trao đổi, thảo luận để xây dựng một quy định chung của lớp với các tiêu chí rất cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện. Một số học sinh gọi đây là “Hương ước” của lớp, giống như Hương ước của các làng văn hóa.

Việc xây dựng “Hương ước” được diễn ra dân chủ, thẳng thắn. Học sinh được chia nhóm thảo luận và hoàn thành bản “Hương ước” được quy đổi ra 100 điểm. Áp dụng theo đó, em nào thực hiện tốt sẽ được tính điểm cộng, ai vi phạm tự biết trừ của mình bao nhiêu điểm.

“Thay vì cô giáo tuyên bố phạt bao nhiêu điểm, bắt đứng lớp, làm kiểm điểm, trừ hạnh kiểm… thì ở đây, học sinh tự nguyện “trừ điểm” của mình. Và để đạt yêu cầu, các em cũng chủ động làm những việc tốt khác để được cộng điểm bù”, cô Thiện cho biết.

Ví dụ quên làm bài tập bị trừ 10 điểm. Muốn gỡ được 10 điểm này, học sinh phải tìm cách để được cộng điểm. Cụ thể như đọc một cuốn sách 200 trang và tóm tắt nội dung được cộng 20 điểm.

Với các làm này, học sinh không bị rơi vào cảm xúc tiêu cực của người “bị phạt” mà tự giác trừ điểm mình và hào hứng tìm cách “gỡ điểm.

Người “bị phạt”, nhất là phạt theo cách bêu tên cảnh cáo trước toàn trường, toàn lớp hay viết kiểm điểm, đuổi ra ngoài, quỳ trước lớp… thường mang tâm thế “mình là người xấu”. Nhưng bằng cách thực hiện “Hương ước” trên đã đem lại cho học sinh một tâm thế khác: Tự biết lỗi và tự chịu trách nhiệm với lỗi của mình, để cố gắng thay đổi. Có nghĩa không ai là người xấu, chỉ đơn giản là mắc lỗi và điều chỉnh để thay đổi.

Cô Cao Thanh Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường, đồng thời là một giáo viên chủ nhiệm cho biết ở đây các thầy cô hạn chế phạt học sinh bằng các hình thức tiêu cực. Họ sẽ chọn cách để học sinh vẫn thấy mình được tôn trọng, tin cậy, khích lệ lòng tự trọng, trách nhiệm của các em để tự giác điều chỉnh.

“Tôi thường cho những học sinh mắc lỗi cơ hội có thể làm để “bù” vào sai sót. Có em xung phong “trực nhật một tuần” để bù vào một lỗi không học bài bị vướng điểm kém. Có em nhận thiết kế các chương trình, hoạt động của lớp, giúp các bạn khó khăn… Những việc chính đáng để “gỡ điểm”, “gỡ lỗi” tôi đều cho phép. Bởi vì điểm số không phải mục đích quan trọng, mà quá trình học sinh cố gắng, biết chịu trách nhiệm về việc làm của mình mới là điều tôi muốn hướng đến”, cô Nga bày tỏ.

Còn cô Nguyễn Thị Hiền Lương, giáo viên Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ mình đã từng khóc vì bất lực khi đứng trước hành vi sai phạm và thái độ chống đối của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), nhận ra việc gần gũi, sẻ chia, cùng trao đổi về những vấn đề học sinh quan tâm… đã khiến khoảng cách cô - trò dần thu hẹp lại

Tuy nhiên cô nhận ra sự nghiêm khắc, kỉ luật thép có thể làm học sinh sợ, nhưng rồi các em sẽ xa lánh thầy cô và chưa chắc đã thực sự muốn sửa chữa lỗi. Chỉ khi giáo viên khiến học sinh cảm thấy gần gũi, yêu thương thì mới nhận lại được yêu thương và sự tin tưởng của trò.

“Tôi trò chuyện với các em, cùng tham gia vào tất cả các công việc chung của trường, của lớp. Việc gần gũi, sẻ chia, cùng trao đổi về những vấn đề học trò quan tâm… đã khiến khoảng cách của chúng tôi dần thu hẹp lại.

Tôi luôn nói với học trò rằng “Có gì cần tư vấn thì cứ nói, cô sẽ lắng nghe và giúp đỡ con”. Tôi tạo ra nhiều cơ hội để học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân của mình bằng lời nói hoặc qua những bức thư tay. Tôi đã làm như thế cho đến khi có nhiều em tự tìm đến tôi để chia sẻ, nhờ giúp đỡ, tư vấn. Thay vì áp lực, tôi thấy hạnh phúc” - cô Hiền Lương nói về hành trình tự thay đổi mình để thay đổi học sinh.

Một học sinh có cá tính đặc biệt đã từng nói với cô Hiền Lương rằng “Cô là người giáo viên em coi trọng nhất, bởi cô không bao giờ coi em là “cá biệt”. Cô luôn tôn trọng và tin tưởng em”.

Cô Trần Thị Thuấn, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cũng cho rằng đừng nhìn những hành vi chưa chuẩn của học sinh là một lỗi lầm ghê gớm mà hãy nghĩ đó là vấn đề mà thầy cô cần giúp đỡ. Nếu được như vậy, các thầy cô sẽ không tư duy “hình phạt” mà nghĩ cách để giúp các em “vượt khó”.

“Tôi từng phải đối diện với tình trạng học sinh ngủ trong lớp. Tôi không nghĩ đó là điều gì ghê gớm quá mà chỉ đơn giản là bọn trẻ buồn ngủ. Đã buồn ngủ thì không thể cưỡng lại, không thể nghe cô giảng. Vì thế chỉ có thể nghĩ cách giúp. Tôi thường tạo ra tình huống. Ví dụ gọi học sinh lên bảng, hỏi em đó một điều gì vui. Có lần tôi nhờ một học sinh mang thư xuống tầng dưới đưa cho cô giáo khác. Em học sinh nhanh nhẹn mang thư đi, rồi khi quay lại lớp thì… tỉnh ngủ. Thực ra, tôi không viết gì trong thư, mà chỉ muốn tạo tình huống giúp em tỉnh ngủ thôi” - cô Thuấn kể lại.

Không “bé xé ra to” mà ngược lại, xem chuyện tưởng nghiêm trọng thành đơn giản và giúp học sinh tự khắc phục là cách của cô Thuấn và nhiều thầy, cô giáo ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Ở ngôi trường này, mỗi tuần có một buổi giao ban giáo viên chủ nhiệm để thông tin tình hình chung, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra giải pháp gỡ các “ca khó”, làm sao để rèn được nề nếp nhưng không gây phản ứng cực đoan từ học sinh.

Nếu nhìn ở cách làm của một số trường hay thầy cô giáo thì thấy, không phải “bắt học sinh quỳ” hay “không đánh thì học sinh sẽ nhờn” là giải pháp duy nhất.

Kỉ luật tích cực là hướng đi đúng cần lan tỏa trong bối cảnh hiện nay, khi những diễn biến phức tạp trong lối sống, tâm lý học sinh đang khiến nhiều thầy cô cảm thấy lúng túng và áp lực.

Tác giả: Hà An – Thúy Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP