Trong nước

Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong dòng chảy lịch sử

Trong dòng chảy lịch sử oai hùng ngàn năm của đất Việt, dựng xây một quốc gia giàu mạnh và tự cường là khát vọng cháy bỏng. Trong những tri thức về đạo trị quốc, an dân mà ông cha ta để lại, đề cao đúng mức vai trò của pháp luật là một bài học quý.

1. Hơn 2.000 năm trước, người Việt đã có các quy định pháp luật với bản sắc riêng của mình. Trong thời phong kiến, đã có những vị vua anh minh như Lý Thái Tông (1000-1054) đặt ra các bộ luật nhằm giảm sự phiền nhiễu trong kiện tụng cho dân, tránh để xảy ra oan uổng, đồng thời giúp cho phép xử án được bằng thẳng rõ ràng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh: Tư liệu)

Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) có công san định luật lệ, ban hành Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng, vừa để “trừ kẻ gian”, vừa khoan dung với phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế theo đạo lý truyền thống dân tộc Việt.

Mặc dù vậy, chế độ phong kiến không đưa được dân tộc Việt đến bến bờ phồn vinh và hạnh phúc thực sự. Những tháng năm cuối của chế độ ấy phải chứng kiến cảnh đất nước ta thành thuộc địa của thực dân.

2. Trong đêm đen của ách thực dân nửa phong kiến, lớp lớp người Việt đã không ngừng đứng dậy đấu tranh với hi vọng giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong tiến trình vận động lịch sử ấy, với lòng yêu nước và thương dân nồng nàn, bằng trí tuệ thiên tài và mẫn cảm chính trị nhạy bén, thông tỏ thời cuộc, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn nhất để giải phóng dân tộc. Người đã cùng các đồng chí của mình trong Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên bước đường cứu nước, ngay từ những ngày còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của “thần linh pháp quyền” trong việc thiết lập nền công lý cho một quốc gia phát triển. Nhất quán tư tưởng này, ngay khi nước nhà giành được độc lập, trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân, đồng bào vào ngày 2/9/1945, Người đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Đó là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, suy rộng ra, “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Chỉ một ngày sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.

Trong suốt 24 năm sau đó (1945-1969), với tư cách người đứng đầu nhà nước, Người đã trực tiếp lãnh đạo quá trình xây dựng một “chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân” trên nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân để bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.

3. Trải qua cuộc trường chinh gian khổ của lịch sử, năm 1975 nước nhà đã thực sự thống nhất và đến năm 1986, Đảng ta phát động công cuộc Đổi mới vĩ đại, từng bước hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp hơn với thực tiễn đất nước trong bối cảnh mới.

Khi Việt Nam đã áp dụng cơ chế thị trường, nhu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, chuyển phương thức quản lý, điều hành từ chủ yếu dựa trên mệnh lệnh hành chính, quan liêu sang dựa trên luật lệ và tuân thủ quy luật thị trường ngày càng trở nên cấp thiết.

Đây cũng chính là một trong những tiền đề khách quan để Đảng ta chính thức đề ra chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ năm 1994. Càng đi sâu vào cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, chủ trương đó của Đảng càng chứng minh được tính đúng đắn của mình.

Chính vì thế, chủ trương ấy không chỉ được khẳng định nhất quán trong văn kiện của tất cả các kỳ Đại hội Đảng sau này, mà bản thân nội dung này cũng không ngừng được bổ sung, phát triển. Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được hiến định.

Năm 2011, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) của Đảng ta chính thức xác định một trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng chính là phải có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chủ trương ấy đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013.

4. Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, nhất là tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về các chiến lược pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp, cùng các chủ trương có liên quan, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng. Có thể nói, một thiết kế tổng thể nhất về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được hình thành, dựa trên quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, đầy trách nhiệm và trí tuệ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà hoạt động thực tiễn và trí tuệ của nhân dân. Điều đó thể hiện rõ nhất trong mục tiêu, 5 quan điểm chỉ đạo, 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

5. Theo nội dung của Nghị quyết, Đảng ta chủ trương: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Đây là những yêu cầu cao hơn về chất so với các chủ trương hiện hành, nhất là yêu cầu bảo đảm tính “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, ổn định, dễ tiếp cận” của hệ thống pháp luật. Nghị quyết chủ trương “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, … bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.

Điều này đòi hỏi phải coi trọng công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời với chế tài tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, theo cách thức ít tốn kém nhất. Tính nhất quán trong thực hiện pháp luật đòi hỏi các vụ việc có tình tiết tương tự nhau phải được xử lý theo cách thức và hệ quả pháp lý tương tự nhau.

Tác giả: TS. Nguyễn Văn Cương

Nguồn tin: phapluatplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP