Nuôi tôm nước lợ được xem là một lợi thế để phát triển kinh tế tại Hà Tĩnh, diện tích tập trung ở các huyện ven biển như Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy đa phần ở các khu vực chăn nuôi gây ô nhiễm có sự xuất hiện các thành phần độc hại cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra môi trường. Chất thải trong nuôi tôm chủ yếu là bùn thải chữa phân, thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit…
Nước thải từ hồ nuôi tôm của Công ty Tiến Đạt gây ô nhiễm |
Dự án nuôi tôm tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà của Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt làm chủ, hoạt động nhiều năm nay đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, khiến người dân xã Thịnh Lộc sống dở chết dở vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, môi trường bị ô nhiễm đến mức báo động. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm của đơn vị này được xem “điển hình”, gây hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) Hà Tĩnh phối hợp với Công an môi trường tỉnh và UBND huyện Lộc Hà phát hiện Công ty Tiến Đạt tự ý lắp đặt một đường ống dẫn nước thải trực tiếp nối từ trại tôm ra vùng biển Lộc Hà với chiều dài hơn 100m. Phát hiện, hành vi xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường BOD5 vượt 28,8 lần, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 02-09-2014/BNNPTNT trên 10 lần.
Nước thải nuôi tôm không qua xử lý xả thẳng ra môi trường |
Điều nguy hại là hoạt động xả thải của Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt đã diễn ra trong thời gian dài, tác động xấu đến môi trường hết sức nghiêm trọng, dư luận bức xúc. Trước hành vi gây hại đến môi trường, ngày 25/7/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty CP xây dựng Tiến Đạt số tiền 435 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Được biết, công ty Tiến Đạt có 24 hồ nuôi tôm nhưng chỉ có 2 hồ xử lý chất thải rộng khoảng 4.000m2. Theo quy định, khu xử lý chất thải phải đảm bảo 10% diện tích ao hồ, nhưng với quy mô của công ty Tiến Đạt thì rất khó xử lý hết lượng chất thải thải ra. Năm 2017, công ty này cũng bị cơ quan chức năng xử phạt 65 triệu đồng vì xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Nước thải nuôi tôm đặc quánh, có mùi rất khó chịu |
Tại xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, người dân ven biển đoạn đi các thôn Bình Phúc cũng phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng từ hoạt động nuôi tôm. Dự án nuôi tôm thực hiện 6 năm qua trên diện tích 2,5ha thế nhưng điều kỳ lạ là không có hệ thống xử lý nước thải.
Phản ánh của người dân thì dự án nuôi tôm nói trên là của ông Nguyễn Viết Khánh ở xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan với quy mô 6 hồ (mỗi hồ chứa khoảng 2.000 khối nước), trong nhiều năm qua cứ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tất cả nguồn nước thải của các hồ nuôi tôm dồn lại phía cuối một con kênh rồi chạy thẳng ra biển.
Đáng nói, người dân nơi đây đã liên tiếp phản ánh, tố cáo việc xả chất thải gây ô nhiễm của dự án nuôi tôm này lên các cơ quan chức năng. Dù có các đoàn kiểm tra, nhưng chủ cơ sở nuôi ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân(Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên xả hàng ngàn khối chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Đại diện UBND xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân cho biết: Dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường đã được xã báo cáo lên huyện, phòng tài nguyên, cảnh sát môi trường. Năm 2017, phòng TN&MT huyện Nghi Xuân về lập biên bản và đầu năm nay (2018) phòng cũng tiếp tục về.
Một điều lạ thường là hoạt động của các trang trại nuôi tôm hàng năm đều được các cơ quan chức năng Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát về môi trường nên việc phát hiện sai phạm chỉ trong lòng bàn tay. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã bị lập biên bản, yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng các cơ quan chức năng tại địa phương này bất lực hay nhẹ tay xử lý “tình cảm” đối với những trường hợp vi phạm…?.
Tác giả: Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường