Tin Hà Tĩnh

Người chèo đò trên sông “Hai Ngàn” …

Hàng trăm hộ dân ở làng Liên Hoà, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh muốn giao thương đi lại, lao động sản xuất phải qua sông con sông Ngàn Sâu nước cuộn chảy xiết. Phương tiện duy nhất của cả làng qua sông là một con thuyền gỗ. Và người lái đò là một người đàn ông nhỏ thó, nhanh nhẹn với hàng chục năm kinh nghiệm đưa người dân qua sông miễn phí …

Hơn 10 năm qua, ngày nào cũng vậy, có một người đàn ông luôn thức dậy lúc 4h và về nhà lúc 22h để lái đò - công việc “vác tù và hàng tổng”. Khách qua sông coi ông như một ân nhân đưa đò và đặt cho ông với cái tên rất đỗi thân thương là ông lái đò sông “Hai Ngàn”. Ông là Nguyễn Văn Ý (xóm Liên Hoà, xã Đức Liên, Vũ Quang) – người lái đò hàng ngày đưa người dân qua sông miễn phí…

Tấm chân tình của người đưa đò “Hai Ngàn”

Sở dĩ người dân gọi đây là khúc sông “Hai Ngàn” là bởi nó được hai gộp bởi dòng sông Ngàn Sâu (một phụ lưu lớn của sông La) và Ngàn Trươi (phụ lưu của sông Ngàn Sâu) đổ về tạo lên. Khúc sông Ngàn Sâu đoạn chạy qua xã Đức Liên, huyện Vũ Quang có chiều rộng hơn 200m, chỗ sâu trên 5m. Nước sông đoạn này lúc nào cũng cuồn cuộn, điều đặc biệt hơn là khúc sông này lại chia cắt hơn 100 hộ dân xóm Liên Hoà, xã Đức Liên với các vùng khác. Chỉ có vượt sông, 600 người dân Liên Hòa mới có thể giao lưu với bên ngoài và ngược lại.

Nhiều năm nay, ông lái đò Nguyễn Văn Ý vẫn cần mẫn với sự nghiệp đưa người qua sông "Hai Ngàn".

Trường học, trạm xá, chợ búa... đều ở phía bên kia sông nên nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn và buộc phải có người lái đò thường xuyên túc trực. Thấu hiểu được nỗi lòng của bà con nên mặc dù đã có tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Ý vẫn không từ chối nhiệm vụ mà chính quyền và bà con giao phó. Con thuyền do lão nông Nguyễn Văn Ý chèo lái không có lịch hoạt động cố định vào thời gian nào mà cứ hễ có ai tới bến gọi vài tiếng là lại lão nông chèo đò lại xuất hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dù chỉ một người sang sông lão cũng không để khách phải chờ lâu.

Giữa trưa của một ngày mùa đông giá lạnh, chúng tôi có mặt tại bến đò Liên Hoà. Thời tiết rét buốt khiến người ta nếu không có công việc gì cần thiết thì đã cuộn tròn trong chăn ấm. Ấy vậy mà nơi đây lão nông 53 tuổi đời, với thân hình nhỏ bé, gương mặt sạm đi vì dãi dầu sương gió, nắng mưa và đôi bàn đen gầy, gân guốc nhưng đầy sức mạnh vẫn cứ nhịp nhàng từng mái chèo để đưa người sang sông.

Kể với chúng tôi ông nói: “Tôi không biết con sông có từ bao giờ, không thể đếm xuể biết bao thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở đây và biết bao nhiêu người chèo đò thế hệ trước đã gắn bó với con sông Ngàn Sâu này. Chỉ biết rằng từ khi sinh ra cho đến hôm nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi đã gắn bó với bến đò này. Đã 10 năm với nghề chèo thuyền, mỗi ngày trung bình khoảng 50 lượt cả chèo đi, chèo lại, tất bật nhất là buổi học sinh đi học về, cũng có hôm ốm đau nhưng tôi vẫn làm vì đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui”.

Ông nói ở xóm này “khách hàng” thân thuộc nhất của ông là các bạn học sinh. Xóm có gần 100 học sinh thuộc các cấp muốn đi tới trường học đều phải đi thuyền qua sông kể cả học sinh mầm non. Vậy nên bất kể thời gian nào, bất kể nắng hay mưa ngày nào ông cũng phải có mặt ở nơi đây.

Học sinh các cấp đến từ Liên Hòa là khách hàng thân thiết nhất của ông Ý.

Một cán bộ của xóm Liên Hoà cho hay: Ông Ý là người rất cần mẫn với công việc của mình. Ông biết lắng nghe và hiểu được nỗi vất vả của bà con mỗi lần sang sông. Nên ông không bao giờ than vãn hay có thái độ không tốt với khách sang sông. Dân ở đây không trả tiền công qua sông cho ông mà cuối năm cả xóm góp lại trả công cho ông vài tấn lúa gọi là biết ơn tấm chân tình của ông đã hết lòng vì dân mà phục vụ.

Thường xuyên qua lại đoạn sông này, anh Trần Văn Nghĩa cho biết: “Với kinh nghiệm mấy chục năm sông nước và gần 10 năm chèo đò qua đoạn sông Ngàn Sâu, dường như chỗ nước cạn, nước sâu, chỗ nước đứng, nước chảy... ông Ý đều nắm rõ trong lòng bàn tay. Nhưng không phải vì thế mà ông chủ quan, coi thường tính mạng người khác. Mỗi lần có khách là ông lại dặn dò chu đáo, trẻ con, người lớn thì đứng ở đâu, xe cộ ở chỗ nào,... khi xảy ra sự cố thì phải làm sao? Chúng tôi khi lên thuyền tất cả đều được ông dặn dò kỹ. Có người đi đò nhiều quá còn thuộc luôn những lời của ông. Dân ở đây chỉ mong muốn ông luôn khoẻ để bà con được nhờ”.

“Chữ Nhẫn” giúp ông gắn bó với nghề!

Người ta có câu “Qua sông thì phải lụy đò” nhưng đối với người dân xóm Liên Hoà thì câu nói đã không còn đúng từ hơn 10 năm nay. Bởi người chèo đò quá đỗi thân thương và chu đáo đối với họ. Trong tâm trí trẻ con hay người lớn của vùng quê này đều cảm mến về tính cách điềm đạm và cẩn thận của ông. Gần 10 năm gắn bó với nghề chèo đò, có thể gọi là nghề “vác tù và hàng tổng” nhưng ông vẫn không hề nản chí mà ngược lại còn rất thoải mái và lấy làm vinh dự vì vẫn có thể phục vụ được bà con.

Vừa chạy chiếc xe máy lên đò để sang sông, gặp chúng tôi chị Phạm Thị Lam 38 tuổi, người Liên Hòa cũng tiếp câu chuyện: “Cả vùng này chả có ai như ông Ý đâu, nói thật với các cô chứ mỗi ngày ông chèo đi, chèo lại 40, 50 lượt mà tháng được vài tạ thóc của dân nhưng đâu phải được lấy liền, cứ phải gộp lại cuối mùa thu hoạch thóc (lúa) mới có đưa cho ông gọi là tấm chân tình. Nhà tôi 3 đứa con đi học, 2 vợ chồng đi làm mỗi ngày cũng 4-5 lượt qua sông này, nếu không có ông thì đúng là thiệt thòi lớn với dân Liên Hoà chúng tôi. Đấy mấy cô xem nếu ông không cẩn thận lấy từng miếng ván làm cầu thì thân phụ nữ chúng tôi đưa được cái xe máy này lên bờ?”. Vừa nói chị Lam vừa chạy xe từ thuyền lên bờ.

Một chuyến đò về...

Hằng ngày từ 4-5h ông đã lo dậy để nhỡ có khách đi làm xa sớm và thường thì tầm 9-10h tối ông mới kết thúc ngày làm việc của mình. Buổi sáng riêng chở học sinh đi về cũng 10 chuyến rồi. Khi không có khách thì mình lại ngồi ở trạm Khí tượng trực chứ không dám đi đâu xa vì sợ có người qua phải đợi lâu.

Thêm một lượt khách vừa sang sông, khua nhẹ mái chèo ông kể: Nghề này chỉ “ngán” nhất là ban đêm, trời mưa. Những ngày mưa bão là phải trắng đêm, chứ không được về nhà. Tôi thường phải trực để tát nước khỏi thuyền, nước lên to quá thì phải thức để kéo thuyền lên bờ. Còn ban ngày thì cũng bình thường, thu nhập thì chẳng đáng là bao, làm vất vả nhưng cũng quen và giờ lại thấy đó là niềm vui được phục vụ.

Cái nghề sông nước này, ban đêm nếu có tiếng người gọi thì người ta rất kiêng kị nhưng đối với ông điều đó không quan trọng nữa, cứ nghe tiếng gọi là ông lại ra bến để đưa người sang sông. Nhà cách sông có 20m nên ai kêu gì cũng nghe. Ông còn nói là 10 năm chèo lái nhưng có lẽ trời vẫn thương nên tay chèo của ông vẫn rất thận trọng chưa để xẩy ra một sự cố nghiêm trọng nào.

Dù rằng hầu như không có thời gian cho bản thân và gia đình đối với ông niềm vui mỗi ngày của ông là được chèo đò giúp dân.

Trải lòng với chúng tôi, ông nói: “Để duy trì được hơn 10 năm gắn bó với chèo đò trên sông này tôi luôn tâm niệm phải nhẫn nại, nếu không nhẫn nại thì cam đoan mình sẽ không thể tiếp tục được. Vì mình làm đâu phải có danh lợi gì đâu? không cẩn thận thì có khi còn bị mắng ấy. Mình đã hứa rồi là phải làm tốt. Làm nghề này mà nóng tính, hấp tấp thì sẽ không bao giờ chịu được áp lực. Có khách dễ thì không nói, khách khó tính mà kêu mình không được là họ nói khó nghe ngay, nếu mình không nhẫn nhịn thì sẽ không thể làm được. Có lúc một, hai giờ sáng có việc người ta cũng tới kêu mình để đưa sang sông. Lúc đó từ chối thì lương tâm mình không cho phép, nếu lỡ việc của họ mình sẽ ân hận lắm”.

Năm tháng qua đi, trên dòng đời tấp nập ấy, hàng ngày ông vẫn thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông.

Tác giả: Đặng Thuỳ

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP