Văn Hoá Hà Tĩnh

Ngọn lửa Xuân Yên – Nghi Xuân

Xuân Yên là xã giàu truyền thống yêu nước. Cuối thế kỷ 19, ở đây có rất nhiều người tham gia phong trào Cần vương chống Pháp dưới ngọn cờ của cụ Phan Đình Phùng.



Theo “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Yên”, khoảng tháng 4/1930 ở xã Tiên Bào có 2 người là Nguyễn Văn Cừ và Phan Năm gia nhập Đảng Cộng Sản , được phân công sinh hoạt ghép với xã bộ Phan Xá. Họ tích cực hoạt động truyền bá “chính cương, sách lược vắn tắt” giác ngộ tư tưởng đấu tranh “đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều tay sai” “thực hiện người cày có ruộng”, điều đó làm phong trào cách mạng phát triển mạnh, chính quyền địch hoang mang lo ngại. Tháng 10 năm 1930, Nguyễn Văn Cừ và Phan Năm tiến hành tổ chức Nông hội đỏ ở các làng Tiên Bào và Đan Uyên, tổng số hội viên là 42 người.


Vào dịp thu thuế khóa, những người Cộng Sản và hội viên Nông hội đỏ hăng hái tham gia biểu tình tuần hành, thị uy, hô hào nhân dân đấu tranh với lực lượng hương lý, địa chủ và chủ thuyền. Những biện pháp đấu tranh của Nông hội đỏ đã làm chức sắc run sợ, không còn thái độ hung hãn như trước. Phong trào tích cực vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống, hăng hái đi biểu tình ở tổng và huyện. Điển hình là cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra vào cuối tháng 12/1930, nhân dân các xã trong vùng xuất phát từ tổng Phan Xá rầm rộ kéo xuống xã Đan Phố trừng trị bọn hương lý phản động làm việc cho giặc. Do việc tự vệ đỏ cùng một lúc bắn chết nhiều tên cường hào, phu đoàn ác ôn ở làng Yên Trị và Đông Hội, nên tháng 3/1931 bọn mật thám đưa lính đồn Khải Mông về các làng Đan Uyên, Tiên Bào, Phan Xá, Đông Hội điên cuồng khủng bố, truy tìm các đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước, đánh phá phong trào Cách Mạng vừa nhen nhóm. Được sự chỉ đạo của cấp trên, nhằm bảo toàn lực lượng đảng viên nòng cốt, Huyện ủy Nghi Xuân chủ trương rút các đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Phan Năm tạm thời chuyển sang hoạt động ở xã Đậu Liêu, huyện Can Lộc. Tháng 5/1931, hai đồng chí Cừ và Năm được bố trí trở về Nghi Xuân tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhưng khi về đến xã Tiên Bào, chẳng may bị mật thám phục kích vây bắt, đưa vào nhà lao Kỳ Anh giam cầm, tra tấn dã man cho đến chết.


Nhằm phục hồi, củng cố và duy trì phong trào ở Tiên Bào, Đan Uyên, lãnh đạo Huyện ủy cử đồng chí Trần Sĩ Cơ, Bí thư tổng bộ Phan Xá về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tiên Bào, xây dựng cơ sở bí mật trong những quần chúng yêu nước. Nhờ được nhân dân Tiên Bào dũng cảm đùm bọc, bảo vệ mà nhiều cán bộ, đảng viên ở xã bộ Phan Xá, Huyện ủy Nghi Xuân vẫn được bình yên trước sự lùng sục gắt gao của mật thám Pháp và quan lại phong kiến Nam triều.


Đầu tháng 7/1931, cơ quan Huyện ủy Nghi Xuân đóng ở xã Xuân Viên bị địch phát hiện và khủng bố nặng nề, phải di chuyển về xã Tiên Bào. Huyện ủy đặt cơ quan bí mật tại nhà cụ Phan Quyền thôn Yên Thông hiện nay. Cuối tháng 7/1931, lãnh đạo chủ trì Huyện ủy Nghi Xuân tổ chức cuộc họp tại gốc cây thị trong vườn bà Phan Thị Dư để bàn biện pháp chống địch khủng bố phong trào cách mạng. Mật thám chỉ điểm đánh hơi được và dẫn đường đưa lính đồn Khải Mông về nơi đây càn quét, vây bắt các chiến sĩ cộng sản. Địch bí mật bao vây địa điểm họp, nhưng nhờ có người canh gác cảnh giới phát hiện đã báo động kịp thời. Các đồng chí huyện ủy viên chỉ đủ thời gian tản ra ẩn vào các lùm cây rậm rạp trong khu vườn. Nhằm khủng bố tinh thần yêu nước của đồng bào, địch nổ súng bắn vào các lùm cây nghi ngờ có cán bộ huyện ủy ẩn náu. Đồng chí Lê Duy Đại- Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân bị bắn chết. Đồng chí Trần Hoành bị bắn gãy chân, đồng chí Trần Thủ Bút bị địch bắt giải về đồn Khải Mông. Huyện ủy viên Nghi Xuân chỉ còn đồng chí Đinh Long không bị địch bắt.


Nhằm hạn chế việc đi lại của đồmg bào, Pháp và tay sai ra lệnh cho hương lý, trương tuần bắt buộc dân chặt tre rào làng, lập điếm canh sai tuần đinh canh gác, kiểm soát nghiêm nghặt. Thời kỳ này Thực Dân Pháp đàn áp phong trào rất dã man, hòng dìm phong trào Cách Mạng trong biển máu, nhưng nhân dân nơi đây vẫn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Cuối năm 1931, đội tự vệ gồm các đội viên Đặng Ánh, Nguyễn Châu, Trần Khang…nêu cao tinh thần yêu nước, không sợ địch bắt bớ, tù đày, vẫn tiếp tục bí mật nuôi giấu cán bộ, bảo vệ đảng viên cộng sản, tự nguyện làm liên lạc giúp Đảng và rải truyền đơn cảnh cáo bọn phản Cách Mạng. Tự vệ đỏ làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh bắt buộc hương lý không được tăng các loại phụ thu- lạm bổ và yêu cầu chúng thanh toán công quỹ, đồng thời chia lại ruộng đất công theo hương ước. Rồi phong trào tạm lắng xuống như các địa phương khác ở Nghệ Tĩnh.


Tiêu biểu cho phong trào cách mạng 30- 31, sau ngày Đảng ra đời ở Xuân Yên có người con ưu tú liệt sĩ Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt giam cầm, cùm kẹp, tra tấn dã man đã dũng cảm hi sinh tại nhà lao Kỳ Anh. 82 năm đã đi qua nhưng khí tiết của người cộng sản ấy và tinh thần Xô- Viết của người dân Xuân Yên vẫn còn sống mãi với thời gian./.


Bài và ảnh: Đặng Viết Tường

Nghi Xuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP