Thế giới

Lý do Ấn Độ khó quay ngoắt với Trung Quốc

Vụ đụng độ biên giới hôm 15/6 đã khiến nhiều người Ấn Độ, thậm chí là các chính trị gia địa phương, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.

Vụ ẩu đả đã dồn sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, trong khi các tư lệnh của quân đội hai bên cố đàm phán để tháo ngòi nổ xung đột. Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại di động, khiến Bắc Kinh nổi giận.

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Ahmedabad sau vụ đụng độ biên giới ở Ladakh. Ảnh: PTI

Ngày 6/7, Reuters dẫn lời các nguồn tin trong Chính phủ Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã bắt đầu rút quân khỏi dọc đường biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rất khó để New Delhi "quay ngoắt" khỏi Bắc Kinh và giảm bớt quan hệ trong tương lai gần, bởi mức độ đan xen giữa hai nước trong những thập niên gần đây.

CNBC News chỉ ra rằng, dữ liệu cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương mại, đầu tư và công nghệ ở Ấn Độ tăng mạnh trong những năm qua.

Thương mại

Ấn Độ có một mối quan hệ thương mại bất đối xứng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này sau Mỹ.

Theo dữ liệu của chính phủ, Ấn Độ nhập lượng hàng hóa trị giá hơn 65 tỷ USD từ Trung Quốc trong thời gian từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, nhưng chỉ xuất khẩu lượng sản phẩm khoảng 16,6 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại của New Delhi với Bắc Kinh là hơn 48 tỷ USD.

Ấn Độ nhập khẩu các hàng hóa trung gian hoặc thành phẩm từ Trung Quốc, bao gồm trang thiết bị và máy móc điện tử, hàng điện tử gia dụng, hóa chất, dược phẩm và linh kiện điện tử...

"Giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, nói dễ hơn làm", CNBC dẫn lời Kunal Kundu, nhà kinh tế học Ấn Độ tại Societe Generale. "Nó phải là chính sách trung hạn đến dài hạn, với nhiều động thái chính sách đi kèm".

Kundu lý giải, Ấn Độ "nhập khẩu một lượng tương đối lớn các sản phẩm sản xuất cấp thấp", mà có thể được sản xuất trong nước. Chính phủ cần cung cấp sự hỗ trợ chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn để chế ra một số sản phẩm đó. Nhưng để làm được điều này cần có thời gian.

Viễn cảnh kinh tế hiện nay vẫn rất u ám, vì Ấn Độ vẫn đang chật vật ngăn chặn đại dịch Covid-19, với các biện pháp phong tỏa và số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.

Đầu tư

Dữ liệu cho thấy, đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Ấn Độ tăng nhanh những năm gần đây. Từ năm 2015 đến tháng 6 vừa qua, có 42 hợp đồng trị giá 8,7 tỷ USD được thông báo, với nhà đầu tư là một công ty Trung Quốc và công ty mục tiêu đang đặt ở Ấn Độ, theo thông tin được cung cấp cho CNBC. Mỗi hợp đồng có giá hơn 5 triệu USD.

Theo một báo cáo từ tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại Gateway House đầu năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. Tính đến tháng 3, 18 trong số 30 Kỳ lân - các công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD - đã nhận được vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Gateway House nêu ra 3 lý do các hãng Trung Quốc thống trị không gian công nghệ còn mới mẻ của Ấn Độ. Thứ nhất, không có doanh nghiệp lớn nào của Ấn Độ đầu tư cho các công ty khởi nghiệp địa phương - một khoảng cách mà Trung Quốc đã tận dụng khi Alibaba đầu tư vào Paytm năm 2015. Thứ hai, Trung Quốc cấp vốn dài hạn để hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp của Ấn Độ vượt qua giai đoạn thua lỗ. Sự đánh đổi này để lấy thị phần là rất đáng giá. Thứ ba, với Trung Quốc, thị trường khổng lồ của Ấn Độ có giá trị cả về bán lẻ lẫn chiến lược.

Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp hạn chế các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trước cuộc đụng độ chết chóc ở biên giới hồi tháng 5. Reuters đưa tin, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét lại khoảng 50 đề nghị đầu tư có dính dáng các công ty Trung Quốc theo chủ trương này.

Giới hạn về đầu tư từ Trung Quốc có thể gây trở ngại cho các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ trong tương lai gần, vì họ sẽ phải tìm đến nguồn khác để gây quỹ mới.

Công nghệ

Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu dùng kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay, với ngày càng nhiều người lên mạng mỗi ngày. Xu hướng này khiến Ấn Độ trở thành thị trường béo bở cho các công ty công nghệ. Các hãng của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và ByteDance (chủ sở hữu TikTok) thường xuyên cạnh tranh với Facebook, Amazon và Google để tiếp cận người dùng Ấn Độ.

Chẳng hạn, Ấn Độ là một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu, ngoài Trung Quốc. Cứ 5 nhãn hiệu điện thoại thông minh hàng đầu ở nước này thì có 4 là của Trung Quốc, và kiểm soát khoảng 80% thị trường trong khi các nhãn hàng nội địa chỉ chiếm 1%, theo Counterpoint Research.

"Rất khó để thay thế các điện thoại thông minh của Trung Quốc, vì có rất ít lựa chọn ở Ấn Độ", các nhà phân tích của Counterpoint Research trao đổi với CNBC. Họ cho biết thêm, các nhà chế tạo điện thoại trong nước sẽ phải đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển thì mới ghi được dấu ấn.

Một người cầm biểu ngữ tẩy chay các ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc hôm 30/6 ở New Delhi. ẢNh: CNBC

Nhưng Ấn Độ có thể thực thi các giới hạn ở những lĩnh vực như viễn thông, vì có nhiều lựa chọn có sẵn, theo giới phân tích. Điều đó có nghĩa là New Delhi có thể viện đến những lo ngại về riêng tư và an ninh để ngăn chặn những tập đoàn như Huawei và ZTE tham gia vào cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này.

"Một động thái như vậy sẽ là cú giáng lớn vì các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 thị trường Ấn Độ", Counterpoint Research nhận định, và giải thích rằng hầu hết các nhà khai thác viễn thông của Ấn Độ sử dụng thiết bị từ Huawei và ZTE.

Có thể thấy, không một ứng dụng nào Ấn Độ cấm tuần trước là của các hãng địa phương nhận vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong báo cáo của mình, Gateway House cho biết, Trung Quốc còn nhìn thấy một cơ hội khác ở Ấn Độ từ sớm, với sự chuyển đổi tiềm tàng sang xe điện. Trong khi Ấn Độ có các mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã chi phối thị trường và chuỗi cung ứng, sản xuất nhiều bộ phận chủ chốt.

Như vậy, giới phân tích cho rằng, bất kỳ động thái nào từ New Delhi giảm tiếp xúc với Trung Quốc về ngắn hạn đều có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung và làm tăng chi phí đầu vào, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Tác giả: Thanh Hảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP