TP Hà Tĩnh

Lãnh đạo địa phương có bị doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc”?

Những ngày qua, việc lãnh đạo một tỉnh nọ, cũng như Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ký công văn “lạ”, yêu cầu các sở ban ngành, các cơ quan đơn vị, nhà hàng… đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bia sản xuất tại địa phương, như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vida… khiến dư luận hết sức sửng sốt.

Sửng sốt vì đặt trong bối cảnh chúng ta đang có những quy định hạn chế công chức, viên chức uống bia, rượu thì công văn đó như một động thái đi ngược lại. Đó là chưa kể, tầm vóc của một Chủ tịch tỉnh mà đi ký công văn mang nặng dáng dấp “tiếp thị” cho các công ty bia khiến người ta nghĩ đến những vấn đề lợi ích đầy tính bi hài. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, công văn “kêu gọi” uống bia đang đi ngược với Luật Cạnh tranh, thậm chí có ý kiến hoài nghi, phải chăng việc làm này là do được nhờ vả?!

Lãnh đạo đi “tiếp thị bia”?

Ngày 25/8, trên trang thông tin điện tử của huyện Kỳ Anh (kyanh.gov.vn), tỉnh Hà Tĩnh  xuất hiện công văn “v/v đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh”. Công văn này do ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện ký. Đồng thời Công văn của Chủ tịch huyện cũng không quên nhấn mạnh: “Yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc”.

Theo đó, chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu: “Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: Bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh…”.

Công văn có nội dung kêu gọi: “Chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như: Bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor… nước khoáng Sơn Kim tại cơ sở kinh doanh”.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Chủ trương của chúng tôi là khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và hàng trong tỉnh. Công văn đó là hợp lý ấy chứ (!?). Còn đối với nhà hàng khách sạn thì chúng tôi vận động. Còn vì sao chúng tôi vận động cho bia Sài Gòn là do thực hiện đề án của tỉnh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong tỉnh. Bia này được sản xuất trong tỉnh nhà. Trong văn bản chỉ khuyến khích và đề nghị chứ không bắt buộc”.

Ông Bổng cũng lý giải thêm, sở dĩ bia Sài Gòn được nêu tên cụ thể là vì có nhà máy sản xuất tại địa bàn Hà Tĩnh nên đã tạo nguồn thu lớn cho tỉnh. Ví dụ, như tiêu thụ được một lon bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh thì công ty này đóng một khoản  thuế  3.000 đồng vào ngân sách của tỉnh.

Được biết mỗi năm nhà máy bia Sài Gòn đóng góp cho ngân sách tỉnh Hà Tĩnh khoảng 375 tỉ đồng/năm. Như vậy trung bình  nhà máy bia Sài Gòn tại Hà Tĩnh đóng tiền thuế cho tỉnh này hơn 1 tỉ đồng/ngày”.

Tiếp sau Hà Tĩnh, dư luận một tỉnh nọ cũng “dậy sóng” khi lãnh đạo tỉnh này ký văn bản với nội dung: “Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức chính trị xã hội và các hội doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh”.

Lý giải cho việc ban hành công văn “lạ” này, những người có trách nhiệm tại hai địa phương trên cho rằng, việc ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh là bình thường, nó nằm trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”(?!).

Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến trái chiều cho rằng, việc chỉ đạo dùng các sản phẩm bia cụ thể  của  lãnh đạo các địa phương khiến người ta không khỏi nghĩ rằng, lãnh đạo địa phương này cũng đang được doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc”?

Lãnh đạo địa phương có bị doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc”? - Ảnh 1

Công văn yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn xuất hiện trên trang thông tin điện tử huyện Kỳ Anh ngày 25/8.

Công văn “lạ” hay chiêu quảng cáo?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ra công văn như vậy chẳng khác nào đang… tiếp thị bia? Phải chăng, các doanh nghiệp cũng chào mời cắt “hoa hồng” cho các địa phương nhằm kích thích tiêu thụ hàng hóa?

Cách đây ít ngày, dư luận xôn xao về việc công ty sữa Miền Đông (TP.HCM) là đơn vị cung cấp sữa cho các trường ở tỉnh Tiền Giang không đảm bảo chất lượng, không đạt chuẩn như công bố.

Điều đáng nói, để vào được các trường học, công ty này đã “cắt phế” cho ban giám hiệu với mức cao chót vót, từ 23% – 32%/thùng/tháng nếu được tiêu thụ tại trường. Nhìn thấy món “hoa hồng” quá cao, nhiều trường đã bất chấp để những sản phẩm sữa này tuồn vào trường. Sự việc bị phanh phui khi phụ huynh tố cáo và chi cục Quản lý thị trường tỉnh này vào cuộc.

Sự trục lợi trên sức khoẻ của trẻ chính là điển hình cho việc lạm dụng vị trí công việc. Không ít người đã phải thốt lên rằng, không chỉ riêng các trường học mà các cơ quan Nhà nước cũng trở thành “mảnh đất màu mỡ” đối với các công ty kinh doanh sản phẩm từ sữa, nước uống, bảo hiểm đến bia… Đặc biệt, khi được người đứng đầu các tỉnh “hậu thuẫn” bằng những công văn “lạ” thì có cơ quan trực thuộc nào dám… “chống lệnh”.

Trước sự việc trên, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: “Tại sao UBND huyện chỉ nhằm hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm cụ thể của bia Sài Gòn trong khi còn có bao nhiêu sản phẩm khác được sản xuất trên địa phương cần khuyến khích tiêu dùng? Điều này gây nghi ngờ có sự vận động nào đó của chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chính quyền nên chính quyền mới ủng hộ “ra mặt” thông qua văn bản như vậy”.

Những công văn “lạ” gây xôn xao dư luận

Giữa tháng 6 vừa qua, bảng phân công trực phục vụ đám tang một cán bộ hưu trí khiến dư luận ngỡ ngàng. Bảng phân công có dấu đỏ của Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng ghi rõ tên của gần 60 công chức với sự phân công rõ ràng. Theo đó, những người này sẽ đến phục vụ đám tang từ 7h sáng đến 21h tối, với nhiệm vụ chính là tiếp nước, dọn dẹp…

Trước đó, dư luận không khỏi sửng sốt khi Sở Giao dục và Đào tạo Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn (TP. Thanh Hóa) ra công văn kêu gọi ủng hộ cho thí sinh Nguyễn Quang Anh giành vị trí quán quân The Voice Kids 2013.

Công văn nêu rõ: “Mỗi tin nhắn của chúng ta là Quang Anh được chắp thêm đôi cánh để bay cao và xa hơn”.

Thời điểm đó,  nhiều ý kiến cho rằng việc gửi “công văn” như cho thấy sự hơn thua của người lớn, ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của con trẻ. Có lẽ dư luận cũng chưa quên, công văn có dấu “khẩn” về việc điều động cán bộ và nhân dân đến xem và cổ vũ các trận bóng đá U19 Quốc gia năm 2013 của UBND tỉnh Kon Tum.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các địa phương huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động của đơn vị tham dự bảo đảm số lượng người tại các trận đấu và chịu trách nhiệm quản lý lực lượng của từng đơn vị. Điều đáng nói là một số trận đấu diễn ra trong giờ hành chính, việc huy động cán bộ, công chức đi cổ vũ bóng đá sẽ ảnh hưởng đến công tác của từng đơn vị.

PHẠM THIỆU – HƯƠNG LAN – GIÁP QUYỀN.

Xem thêm Clip lãnh đạo công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tham ô tài sản:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP