Trước đó như Dân trí đã thông tin, trong năm học 2016-2017, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ký tiếp nhận 3 trường hợp giáo viên từ tỉnh ngoài về Thanh Hóa giảng dạy. Cụ thể, bà H.T.P (SN 1986, trường Văn Miếu, Phú Thọ) đã được đưa về trường THPT Cẩm Thủy 1 dạy bộ môn tiếng Anh; ông L.Đ.H (SN 1988, trường tiểu học Lang Minh, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được tiếp nhận về dạy tại trường THCS và THPT Thống Nhất dạy môn Mỹ thuật; bà N.N.A (SN 1986, Trung tâm GDTX Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) về dạy môn Toán tại trường THCS và THPT Nghi Sơn (Tĩnh Gia).
Liên quan đến việc này, Sở Nội vụ cũng đã chỉ ra hạn chế trong báo cáo thực hiện luân chuyển, điều động, tiếp nhận cán bộ giáo viên gửi Chủ tịch UBND tỉnh.
Báo cáo nêu rõ: Tại mục 3, Công văn số 7369/UBND-THKH ngày 27/7/2015 của UBND tỉnh quy định: “Trường hợp đặc biệt, phải tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ, công chức viên chức, giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh trước khi quyết định. Đối chiếu với quy định trên, Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường chưa báo cáo và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh việc tiếp nhận 3 giáo viên ở tỉnh ngoài về công tác tại các trường THPT trong tỉnh”.
Trụ sở Sở GD-ĐT Thanh Hóa
Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Tổ chức, Sở GD-ĐT Thanh Hóa lại cho rằng việc giám đốc Sở GD-ĐT ký tiếp nhận 3 giáo viên tỉnh ngoài là hoàn toàn không có gì sai. Để minh chứng cho lời mình nói, ông Thành đã viện dẫn theo điều 20, Quyết định 685 ngày 2//3/2007.
“Điều 20, Quyết định 685 về việc phân công, phân cấp bộ máy cán bộ tổ chức thì Giám đốc Sở được phép tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức từ nơi khác về. Chẳng lẽ Thanh Hóa là vương quốc riêng hay sao mà người ngoài tỉnh không thể thâm nhập vào” – ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành thì “Công văn 7369 của UBND tỉnh yêu cầu trong trường hợp đặc biệt, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh trước khi quyết định. Tuy nhiên, ba trường hợp này có gì đâu mà đặc biệt, đặc biệt thì phải hàm giáo sư mới đặc biệt nên không cần thiết báo cáo UBND tỉnh”.
Về việc này, bà Hoàng Thị Bình, Chuyên viên Phòng Tổ chức – Sở GD-ĐT cũng nêu quan điểm: “Chúng tôi quan niệm những trường hợp trên không phải đặc biệt nên không báo cáo ủy ban. Nhận thức và cách hiểu của bộ phận tổ chức tham mưu chúng tôi thì khi lãnh đạo tỉnh cho chúng tôi thực hiện việc sắp xếp bố trí đội ngũ có nghĩa là cho chúng tôi việc thuyên chuyển, điều chuyển mà trong thuyên chuyển, điều động thì chúng tôi phải thuyên chuyển, tiếp nhận chứ không thì làm sao mà sắp xếp được”.
“Việc này, khi Sở Nội vụ kiểm tra chúng tôi cũng giải trình như vậy nhưng không hiểu sao Sở vẫn đưa nội dung này vào trong mục hạn chế để báo cáo Chủ tịch tỉnh. Do Sở Nội vụ gửi báo cáo ủy ban, chúng tôi không được biết nên mới không ý kiến” – bà Bình cho biết thêm.
Cần nói rõ hơn việc Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đình Xứng ra Công văn số 7369 cũng bắt nguồn từ Quyết định 685 như ông Thành nói. Công văn 7369 cho rằng: “Trong quá trình thực hiện Quyết định 685, bên cạnh những ngành, địa phương, thực hiện tốt, một số Sở, ngành, UBND cấp huyện đề bạt, bổ nhiệm phó phòng ban, đơn vị trực thuộc nhiều hơn so với số lượng quy định, một số huyện trong khi giáo viên trong biên chế vẫn còn thừa, nhiều môn học giáo viên dôi dư còn lớn nhưng vẫn tiếp tục hợp đồng, tuyển dụng giáo viên. Tình trạng trên gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là các chính sách đối với giáo dục và đào tạo, tạo kẽ hở, tiêu cực trong việc tuyển dụng hợp đồng lao động và đề bạt cán bộ, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động vào làm việc tại cơ quan các Sở…Trong trường hợp đặc biệt, Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND huyện phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh”.
Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, tuyển dụng, nếu trường hợp đặc biệt thì phải báo cáo. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cho rằng không phải đặc biệt nên không báo cáo mà nếu không đặc biệt thì rõ ràng theo Công văn của tỉnh là không được tiếp nhận.
Được biết, trong đợt thuyên chuyển, điều động trước đó, Sở GD-ĐT cũng đã dùng phương án đưa giáo viên dôi dư từ THCS lên THPT trên nguyên tắc giáo viên đủ 1 trong hai tiêu chuẩn có bằng thạc sĩ hoặc chứng nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh. Vậy nhưng tại sao Sở GD-ĐT lại không tiếp tục chọn trong hơn 1 nghìn giáo viên cấp THCS đang dôi dư để đưa lên THPT thay vì đưa giáo viên từ tỉnh ngoài về giảng dạy?
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân Trí