Lãi ngày càng cao
Theo ước tính của các chuyên gia tài chính - ngân hàng, quy mô tín dụng đen hiện chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, với số tiền từ 400.000-500.000 tỷ đồng. Mặc dù quy mô không quá lớn nhưng hệ lụy xã hội lại rất lớn.
Tại Việt Nam, hiện có 3 loại tín dụng đen chính gồm: cho vay tiền gộp (trả gốc và lãi hằng ngày); cho vay nóng (trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định) và cho vay mua xổ số, chơi lô đề. Trong đó, hình thức cho vay nóng có rủi ro cực cao, do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, lên tới trên 100%/năm.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, vấn nạn tín dụng đen ngày càng bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Mấy năm gần đây, xuất hiện rầm rộ khắp ngõ ngách, trên những bờ tường, cột điện thoại,... ở các khu dân cư những quảng cáo mời chào người dân vay tiền với thủ tục cực kỳ đơn giản, lãi suất thấp. Nhiều tờ rơi và những trang mạng cho vay nhắm thẳng đến các đối tượng, với thủ tục giản đơn, không cần quan tâm đến thu nhập hàng tháng của người vay tiền.
Quảng cáo cho vay nặng lãi nhan nhãn khắp nơi |
Đáng báo động là lãi suất cho vay càng ngày càng cao. Tại Hà Nội, cách đây 3 năm, lãi suất cho vay chỉ từ 1.000-2.000 đồng/triệu/ngày với khoản vay có thế chấp và 2.500-4.000 đồng/triệu/ngày với khoản vay không có thế chấp.
Còn hiện nay, lãi suất phổ biến vào khoảng 3.000-5.000 đồng/triệu/ngày với khoản vay có tài sản thế chấp và từ 6.000-9.000 đồng/triệu/ngày với những khoản vay không có thế chấp.
Chính vì vậy, không ít khách hàng khi vay tiền xong đã phải oằn lưng trả nợ, tán gia bại sản. Một khách hàng đã vay tín dụng đen 75 triệu đồng để giải quyết công việc gấp với lãi suất 5.500 đồng/triệu/ngày cho biết, sau 5 tháng, riêng tiền lãi phải trả đã lên tới 62 triệu đồng, chưa kể gốc vẫn còn nguyên. Cứ như vậy, hàng tháng phải è cổ trả nợ, không biết đến khi nào mới hết.
Mặc cho lãi suất “cắt cổ” nhưng tín dụng đen vẫn phát triển mạnh do nhiều người cần tiền gấp mà không biết bấu víu vào đâu, đành “nhắm mắt đưa chân”. Rất nhiều trong số đó là những người có hoàn cảnh khó khăn, biết lãi cao nhưng không còn cách nào khác, vì sinh kế mà phải theo.
Kỳ Word Cup 2018 vừa qua diễn ra hơn một tháng là thời điểm tín dụng đen bùng phát mạnh mẽ để phục vụ những kẻ đam mê cá độ. Hàng trăm nghìn người tham gia, với số tiền cá cược lên đến hàng nghìn tỷ đồng, phần lớn chơi là thua lỗ, nhiều trường hợp quá túng quẫn dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Nguy hiểm hơn, tín dụng đen đang phát triển rầm rộ thông qua hình thức cho vay trực tuyến. Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận có sự biến tướng tín dụng đen qua vay trực tuyến.
Hầu hết các công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều đưa ra mức lãi suất vào khoảng 39%/tháng, tương đương 468%/năm. Một số công ty niêm yết mức lãi suất là 1,65%/tháng (19,8%/năm) nhưng lại thu phí quản lý khoản vay và phí thẩm định tư vấn... khiến chi phí đội lên rất nhiều lần. Chẳng hạn, họ chỉ đưa ra mức lãi suất cho vay từ 8-20%/năm (để phù hợp với quy định tại Bộ Luật Dân sự) nhưng với mức phí dịch vụ cùng phí quản lý khoản vay, công ty này thu của khách hàng cộng với lãi, lên tới 720%/năm.
Thảm cảnh trực chờ
Cuối năm, nhu cầu tiền càng lớn thì tín dụng đen càng bùng phát mạnh. Rất nhiều hình thức cho vay nặng lãi, đồng loạt “giở chiêu” cho vay lãi suất thấp, ưu đãi, hấp dẫn... để câu kéo những người nhẹ dạ, cả tin. Nhiều người vì gia cảnh khó khăn, gánh nợ cuối năm phải trả, người có máu đỏ đen cờ bạc muốn ăn thua một phen dễ dàng "dính bẫy" tín dụng đen.
Cuối năm, nhu cầu vay tiền càng lớn thì tín dụng đen bùng phát mạnh kéo theo nhiều hệ lụy |
Một số cơ sở cho vay nặng lãi cho biết, cứ đến những tháng gần Tết, họ phải chuẩn bị tới cả trăm tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao. Nhu cầu vay tăng cao thì lãi suất cũng tăng. Với vay không có tài sản thế chấp, những tháng cuối năm lãi suất có thể bị đẩy lên tới 10.000 đồng/triệu/ngày, khiến người vay khó thoát khỏi thảm cảnh.
Thời gian qua, ở nhiều nơi tín dụng đen ngang nhiên cưỡng bức tài sản như cướp ngày, gây ra bức xúc lớn trong nhân dân. Ở chiều ngược lại, khi bức xúc do bị đe doạ, nhiều nạn nhân vay nặng lãi đã có hành động phạm tội bột phát, trở thành tội phạm hình sự.
Để đối phó, tín dụng đen hoạt động rất tinh vi. Khi có người đến vay tiền, các cơ sở cho vay không bao giờ làm hợp đồng vay mà chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản. Ví dụ, người vay tiền, có xe máy trị giá 40 triệu đồng, thì người cho vay sẽ làm “hợp đồng mua bán” xe, sau đó cho lại chính chủ nhân chiếc xe thuê với giá “cắt cổ”.
Nhiều tổ chức tín dụng đen còn núp bóng DN, thực hiện các hành vi phạm tội, bằng thủ đoạn cho vay tín chấp với số tiền lớn, rồi ép làm hợp đồng mua bán tài sản để chiếm đoạt.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ tín dụng đen “sống khỏe” và phát triển rầm rộ là do hành lang pháp lý chưa chặt chẽ. Chẳng hạn, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, cho vay ngoài ngành ngân hàng không được vượt quá 20% với các khoản vay trong thời hạn. Còn Luật Các tổ chức Tín dụng (TCTD) cho phép các TCTD và khách hàng của mình thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng, theo quy định của pháp luật.
Tín dụng đen ngày nay quảng cáo công khai và nhan nhản khắp nơi, lấn át cả khoan cắt bê tông trong mọi ngõ phố. Nếu như khoan cắt bê tông còn có thể bị dọa cắt số điện thoại vì gây mất mỹ quan, phản cảm, thì tín dụng đen chẳng hề bị cơ quan chức năng nào can thiệp.
Vì thế, trong Nghị quyết của Phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan siết chặt quản l,ý để chặn đứng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật... Đây được xem là biện pháp mạnh tay đối với vấn nạn tín dụng đen, đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet