Kinh tế

Kinh tế biển Hà Tĩnh – nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên

“Trời không lấy của ai tất cả”. Câu nói có vẻ “số phận” đó chí ít lại đúng với Hà Tĩnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải. Trong tiềm năng, lợi thế to lớn của một tỉnh có bờ biển dài 137 km, Hà Tĩnh may mắn được thiên nhiên ban tặng nhiều cửa sông, bãi triều…, đặc biệt là vùng biển và ven biển Vũng Áng – Sơn Dương (Kỳ Anh) – nay đã trở thành Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, với cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tàu 20 vạn tấn.

Mục tiêu phấn đấu trong chiến lược biển đến năm 2020, Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, một trung tâm kinh tế khu vực Bắc Trung bộ với kinh tế biển đóng góp trên 55% GDP… Gần nửa chặng đường thực hiện (từ năm 2007), bức tranh kinh tế biển nhìn từ một số ngành, nghề được Hà Tĩnh ưu tiên phát triển vẫn xen lẫn 2 gam màu đối lập. Kỳ 1: Đột phá Vũng Áng – Sơn Dương

Kinh tế biển Hà Tĩnh - nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên
Tàu vào nhận quặng tại cảng Vũng Áng.

KKT Vũng Áng có chiều dài bờ biển hơn 40 km, hiện là một trong 5 KKT trọng điểm của cả nước với tổng diện tích tự nhiên 22.781 ha, có không gian kinh tế riêng biệt, đang hứa hẹn sẽ làm nên nhiều điều khác biệt mà không mấy địa phương trong và ngoài nước có được. Với định hướng xây dựng, phát triển để trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, trung tâm nhiệt điện, lọc hóa dầu…, KKT Vũng Áng đang là điểm nhấn của trung tâm kinh tế Bắc Trung bộ.

Lợi thế về giao thông, đó là điểm đầu của QL 12 đi Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; cách cửa khẩu Cha Lo sang nước Lào 140 km và cách cửa khẩu Thà Khẹc sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan 270 km; kết nối thuận lợi đường hàng không với sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Vinh (Nghệ An) khoảng 100 km; 30 km QL 1A chạy dọc theo KKT đang được nâng cấp thành 4 làn xe (hoàn thành trong năm 2014), càng tạo cho KKT này thêm sức hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tính đến tháng 9/2013, KKT Vũng Áng đã có trên 220 doanh nghiệp và nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 16 tỷ USD; vốn đăng ký đầu tư trong KKT này hiện tại gần 25 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai đúng tiến độ, như: cảng thương mại tổng hợp có 2 cầu cảng công suất 1,32 triệu tấn/năm, tổng kho xăng dầu, dầu khí quy mô 110 nghìn m3 xăng dầu và 1.700 m3 khí hóa lỏng đã đi vào khai thác, sử dụng; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW chuẩn bị phát điện; Khu liên hợp luyện cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn FORMOSA đầu tư có tổng mức giai đoạn 1 là 10 tỷ USD đang triển khai đồng bộ các hạng mục để cuối năm 2015 có sản phẩm thép ra lò; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1.200 MW, vốn đăng ký 2,5 tỷ USD, dự kiến, khởi công trong năm 2014 và nhiều dự án công nghiệp phụ trợ khác cũng đang được thực hiện.

Tuy KKT Vũng Áng mới ra đời được hơn 7 năm và đang trong giai đoạn thu hút đầu tư, nhưng năm 2013 đã đóng góp cho ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, góp phần đưa Hà Tĩnh vươn lên trở thành tỉnh có số thu ngân sách dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và gia nhập CLB các tỉnh có số thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng/năm. KKT Vũng Áng sẽ là điểm đột phá về kinh tế của tỉnh nhà và khu vực trong tương lai gần.

“Ngành kinh tế Hàng hải Hà Tĩnh tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng phát triển mạnh mẽ, đang và sẽ góp phần quan trọng đưa kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh chóng…”, ông Trương Minh Tuấn – Phó Giám đốc phụ trách Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, nhận định.

Cơ sở để ông Tuấn nói chắc được thế là bởi số lượt tàu, số hàng hóa thông qua 2 cảng của Hà Tĩnh (Vũng Áng và Xuân Hải) tăng nhanh qua từng năm. Nếu năm 2001, năm đầu tiên bến số 1 cảng Vũng Áng đưa vào khai thác, có 74 lượt tàu với 39.193 tấn hàng hóa thông qua, thì 10 tháng của năm 2013, các con số trên lần lượt là 1.338 lượt tàu và 2,448 triệu tấn hàng hóa qua cảng và ước tính hết năm 2013, số hàng ước thông qua bến số 1 và 2 sẽ đạt 3 triệu tấn, vượt hơn 2 lần công suất thiết kế (1,32 triệu tấn) tại cảng Vũng Áng. Điều đáng nói, theo Giám đốc Công ty CP cảng Vũng Áng Việt – Lào Dương Thế Cường: Vũng Áng đã khai thông nguồn hàng từ nước bạn Lào về, dự kiến, đạt 1 triệu tấn/năm vào 2015. Và trên cơ sở đó, đang từng bước khơi thông tiếp nguồn hàng Đông Bắc Thái Lan. Bên cạnh đó, bến số 3 và 4 cảng Vũng Áng đang được ngành GTVT chuẩn bị nguồn vốn để có thể khởi công trong thời gian sớm nhất.

Hệ thống cảng biển Hà Tĩnh tuy còn khá non trẻ nhưng đã có tên trên bản đồ hàng hải quốc tế khi Tập đoàn FORMOSA khởi công đầu tư tại Sơn Dương một loạt bến cảng chuyên dùng đón tàu hàng chục vạn tấn vào cuối năm 2015.

Nói như thế không có nghĩa kinh tế hàng hải Hà Tĩnh đã phát triển toàn diện, vững chắc, ngược lại, còn khá nhiều việc phải bàn. Bến bãi container thiếu; chưa có đường sắt kết nối về cảng; hạ tầng cảng biển, dịch vụ hậu cảng như: trang thiết bị bốc xếp, cung ứng tàu biển, logictic; đầu tư xây dựng cầu cảng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… là những khó khăn, bất cập đã và đang bộc lộ ngay chính tại cảng Vũng Áng. Đó là chưa kể một số cảng ở Xuân Hải, Hộ Độ nhỏ bé, lạc hậu và không phát huy hiệu quả; các cửa lạch: Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng không còn mấy tác dụng do bị bồi lấp nhưng không được nạo vét thường xuyên.

Kinh tế biển Hà Tĩnh - nhìn từ những ngành, nghề ưu tiên
Từng dòng xe vận chuyển hàng vào cảng.

Kinh tế hàng hải trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua được ví như “chạy một chân”. Ngoài cảng biển phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển gần như “bất động”, thậm chí phát triển âm. Công ty Vận tải biển và Thương mại Hà Tĩnh từng có đội tàu viễn dương hùng mạnh so với toàn quốc… đến nay chỉ còn trong ký ức của nhiều người do chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Ước muốn có một đội tàu trọng tải 10-20 nghìn tấn để xuyên đại dương đến Âu, Mỹ của anh bạn từng là thuyền trưởng tàu viễn dương không biết bao giờ trở thành hiện thực! Nhà máy Đóng tàu Bến Thủy với bề dày truyền thống, có lúc thu hút gần 1.000 công nhân cũng “mòn” dần do quản lý lỏng lẻo để đến nay chỉ còn “cái xác không hồn”, khi tàu đóng ra không bàn giao được. Một dự án đầu tư “khủng” về đóng tàu và sửa chữa tàu biển ở khu vực Vũng Áng cũng chưa thành hiện thực do sự đổ bể của Tập đoàn Vinashin.

Kinh tế hàng hải Hà Tĩnh sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn nếu được sải những bước dài bằng cả “hai chân” trong thời gian tới.

(Còn nữa)

Trọng Tuệ

(Baohatinh.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP