Khách du lịch tham quan chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). |
Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, một trong 21 thắng cảnh nước Nam xưa. Chùa nằm ở độ cao 650 m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh. Năm 1990 di tích được công nhận di tích, danh thắng quốc gia. Hằng năm, Khu du lịch chùa Hương Tích thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách thập phương đến chiêm bái, lễ Phật và tham quan danh thắng. Theo Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích Nguyễn Duy Vỵ: Khu du lịch chùa Hương Tích được quy hoạch với diện tích 1.900 ha, trải rộng đến địa phận huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh. Hiện, trong không gian quy hoạch Khu du lịch chùa Hương Tích đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3623/QĐ-UBND ngày 18-9-2015 có nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý như: BQL Khu du lịch chùa Hương Tích, BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, Ban đại diện Phật giáo (nhà sư trụ trì), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Hồng Lĩnh (đơn vị vận hành hệ thống cáp treo)… Việc có nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý, vận hành đã gây ra những khó khăn, chồng chéo trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, thu hút khách du lịch…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2002 đến 2017, BQL khu du lịch chùa Hương Tích là đơn vị được phép tổ chức vận hành, khai thác các dịch vụ trong khuôn khổ khu du lịch. Mặc dù được khai thác khá nhiều dịch vụ (thu phí tham quan danh thắng chùa Hương Tích, điều hành hoạt động tổ xe tự quản, tổ chức trông giữ và thu phí các loại phương tiện, quản lý hoạt động toàn bộ hệ thống dịch vụ, quán hàng trong khu du lịch thắng cảnh…) với mức thu tương đối cao, tuy nhiên do những yếu kém trong quản lý, điều hành cho nên chất lượng các dịch vụ thấp, không gây được ấn tượng và thu hút được du khách. Theo chia sẻ của Trưởng BQL khu du lịch chùa Hương Tích, trong Quyết định thành lập của tỉnh Hà Tĩnh, chức năng, nhiệm vụ chính của BQL là quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa chùa Hương Tích. Tại thời điểm mới ra đời (năm 2009), lượng du khách còn ít. Đến nay, khi lượng khách ngày một tăng, nhu cầu về du lịch, dịch vụ, thương mại đòi hỏi ngày càng cao thì mô hình tổ chức quản lý cũng như trình độ vận hành của những người được giao việc từ đó đến nay khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Nhằm hướng đến sự thay đổi, đầu năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương giao lại việc vận hành, khai thác các dịch vụ tại Khu du lịch cho đơn vị đầu tư, khai thác hệ thống cáp treo tại khu du lịch đó là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Hồng Lĩnh. Những tưởng khi đã giao quyền vận hành, khai thác cho doanh nghiệp thì chất lượng các dịch vụ, đặc biệt việc quản lý tài chính sẽ được quản lý chặt chẽ để tạo nguồn tái đầu tư hệ thống hạ tầng trong khu du lịch. Thế nhưng, khác với kỳ vọng đó, sau khi chuyển đổi mô hình vận hành, chất lượng các dịch vụ tại đây vẫn không được cải thiện, kết quả thu phí và lệ phí hằng năm chỉ đủ chi thường xuyên. Qua hai năm chuyển giao khu du lịch chùa Hương Tích cho doanh nghiệp khai thác, không có bất cứ hạng mục nào trong khu du lịch được đầu tư, cải tạo từ nguồn vốn khai thác dịch vụ tại đây.
Theo chia sẻ của nhiều người trong cuộc, bên cạnh sự hấp dẫn của Khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng quốc gia “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, trải qua quá trình phát triển, khu du lịch chùa Hương Tích đã tích lũy được cơ ngơi, hệ thống hạ tầng khá phong phú. Ngoài khu vực vùng lõi của di sản, bao gồm hệ thống nhà chùa, am, miếu, điện… với vẻ trầm tích cổ kính được lưu truyền hàng nghìn năm thì mỗi năm, chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân còn đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục quan trọng với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, việc “ủy quyền” cho doanh nghiệp khai thác các dịch vụ tại đây với kết quả thu không bù chi như báo cáo của doanh nghiệp là điều khó chấp nhận.
Trước những thông tin của dư luận, đặc biệt là kết quả vận hành quản lý sau hai năm trao quyền cho doanh nghiệp khai thác các dịch vụ tại khu du lịch chùa Hương Tích, đầu năm 2020, huyện Can Lộc quyết định chấm dứt việc trao quyền khai thác, vận hành các dịch vụ tại đây. Trong khi chưa tìm được mô hình, cơ chế vận hành phù hợp, huyện sẽ giao BQL khu du lịch chùa Hương Tích điều hành, quản lý và khai thác các dịch vụ tại đây. Rõ ràng phương án quay về với mô hình cũ vốn tồn tại nhiều hạn chế là quyết định “cực chẳng đã” mà huyện Can Lộc phải lựa chọn. Theo phản ánh của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển du lịch Hồng Lĩnh Đỗ Trọng Khoa, sự yếu kém trong công tác quản lý vận hành ở khu du lịch chùa Hương Tích thể hiện ở chỗ, 10 năm qua địa phương vẫn loay hoay đi tìm mô hình điều hành, quản lý phù hợp. Sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong vận hành cũng khiến vai trò của BQL khu du lịch bị hạn hẹp, tính tự chủ không cao, lúng túng, thiếu nhuần nhuyễn trong việc phối hợp xử lý các tình huống cụ thể.
Khác với các khu du lịch danh thắng khác, hệ thống hạ tầng ở khu du lịch chùa Hương Tích không phải do một đơn vị đầu tư, xây dựng. Vì vậy, việc định giá tài sản do Nhà nước đầu tư tại đây để mời gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa trong vấn đề khai thác, phát huy giá trị di sản tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) gặp khó khăn nhất định. Cùng với đó, do đặc thù phát triển của chùa Hương Tích, vấn đề phân định giữa khách hành hương và khách du lịch khi về với khu du lịch chùa Hương Tích cũng ở mức độ tương đối. Vì vậy, nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng cơ chế, mô hình vận hành quản lý phù hợp tại Khu du lịch chùa Hương Tích nhằm phát huy giá trị di sản không chỉ là yêu cầu bức thiết đối với riêng huyện Can Lộc, mà cũng là trách nhiệm chung của các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
BÀI VÀ ẢNH: NGÔ TUẤN
Nguồn tin: Báo Nhân Dân