Những cảnh báo của các cơ quan báo chí, chủ đầu tư vẫn làm ngơ?
Như Nhadautu.vn đã phán ánh bằng nhiều bài viết về bất cập tại Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang do ông Nguyễn Bá Đức - Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Trưởng ban quản lý dự án NN-PTNT trực thuộc UBND tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án này để xảy ra nhiều hệ lụy bởi những người có trách nhiệm xem thường các cơ sở khoa học, bỏ qua quy luật tự nhiên như tầng địa chất khi thi công bị sụt lún, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Lòng kênh nhiều đoạn tại dự án kênh thủy lợi Ngàn Trươi bị hư hỏng |
Nguy hại hơn, các dòng chảy từ thượng nguồn đổ về bị ách tắc gây ngập úng nhiều vùng dân cư, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống dân cư sống trong vùng. Chưa kể đến việc toàn bộ hệ thống giao thông dân sinh qua lại đều bị chia cắt, nhiều tuyến đường dân sinh bị phá vỡ do một số nhà thầu mượn để làm đường công vụ thi công xong không tu sửa hoàn trả lại nguyên trạng lại cho dân. Nhiều trường hợp người và gia súc qua lại trên kênh bị trượt ngã do không có lan can bảo hiểm, phải dùng dây kéo mới đưa lên được, bởi cả tuyến kênh đều đổ bê tông mái trong, còn mái ngoài dựng đứng, đắp bằng đất, do thiết kế kênh đắp nổi chạy trên ruộng lầy.
Thiết kế, thi công này đã lấy mất hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp của nông dân, gây thiệt hại khôn lường mỗi khi mưa to, gió lớn mái kênh bị nước cuốn trôi, san lấp nhiều diện tích ruồng đồng của dân. Hơn nữa mái taluy của kênh cao từ 4-5 mét, lan can bảo vệ 2 bên không có khiến nhân dân trong vùng lo lắng về nguy cơ vỡ kênh mỗi khi có mưa lớn lũ lụt dồn về. Nếu vỡ kênh thì khả năng người, tài sản của dân cư sống hai bên tuyến kênh sẽ bị cuốn trôi, thiệt hại khôn lường sẽ xảy ra.
Đất sụt lún nhiều đoạn 2 bên đường dọc tuyến kênh |
Những dự đoán trên đã xảy ra và được các cơ quan báo chí phán ánh, nhưng ông Nguyễn Bá Đức, đại diện phía chủ đầu tư lại luôn cố tình tránh báo chí, khi các phóng viên gọi điện thoại đến cũng không nghe.
Sau hơn 5 năm thi công hệ thống kênh dẫn, đầu năm 2018 công trình được coi là đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng thông dòng. Tuy nhiên, khi công trình chưa được đưa vào vận hành chính thức thì tháng 7/2018, đã có những sạt lở nghiêm trọng tại đoạn kênh K1+008 đến K1+033 và đoạn kênh từ K2+122 đến K2+292, bê tông đứt gãy ngỗn ngang, toàn bộ hệ thống các tấm bê tông dày 30cm giữa đáy kênh và hai bên thành kênh bị sụp đổ tan vụn. Tổng chiều dài hư hỏng khoảng 200m trên công trình vừa xây lắp xong.
Sau sự cố xảy ra phía chủ đầu tư phải thừa nhận do tầng địa chất mái núi bị thẩm thấu từ một đập nước bên kia mái núi thẩm thấu qua, dẫn đến mái taluy và đáy kênh bị đổ vỡ, gây ảnh hưởng lớn đối với công trình khi chưa đưa vào sử dụng.
Tiếp đến, cuối tháng 5 vừa qua, sự cố sạt lở nghiêm trọng kênh dẫn lại diễn ra tại địa phận xã Đức Lạc đoạn K13-700, rồi cả 2 mái kênh đoạn đi qua thôn Yên Thắng và Thượng Tiến, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ bị sạt lở kéo dài hơn 100m. Đất từ mái kênh, bờ taluy đổ xuống, bị nước cuốn trôi xuống đồng ruộng nông dân, để lộ những hố sâu hoắm, mặt kênh bê tông còn lại nằm chênh vênh, chỉ cần xảy ra trận mưa lớn nữa là tất cả sẽ bị đổ sập bởi toàn bộ đất đắp hai bên đã bị nước cuốn trôi để lộ “hàm ếch”.
|
Đây không phải là điểm sạt lở duy nhất mà cách đó 200m, bờ kênh phía đối diện cũng bị sạt lở kéo dài khoảng 20m. Một cán bộ Ban quản lý dự án lý giải: “Nguyên dân là do quá trình vận hành chưa nhịp nhàng dẫn đến nước tràn lên mặt kênh làm lở mái kênh”.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Chỉ huy công trường thuộc Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Hải Phòng lại đổ toàn bộ sự cố cho chủ đầu tư: "Nguyên nhân để xảy ra sạt lở là do trong quá trình tích nước để tưới, khi nước tràn qua kênh đã gây sạt lở. Nhà thi công khẳng định, lỗi này thuộc về ban quản lý công trình (chủ đầu tư)".
Còn đại diện phía chủ đầu tư là ông Nguyễn Trọng Tâm, cán bộ kỹ thuật thuộc Ban quản lý dự án thì giải thích: "Sự cố xảy ra là do trong lúc vận hành điều tiết nước chưa đồng bộ. Khi nước trong lòng kênh dâng cao, cống thoát lại bị đóng dẫn đến việc nước tràn qua mặt kênh, gây sạt lở hai bên thân kênh".
Người trong cuộc nói gì?
Ông Đào Văn Tinh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hội KH-KT Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Do địa hình địa lý, thời tiết khắc nghiệt, phức tạp, ngành thủy lợi Hà Tĩnh trước đây đã kết hợp với các chuyên gia đầu ngành Bộ NN-PTNT đưa ra 3 phương án để chọn 1 phương án khả thi nhất. Dự án được lựa chọn, ngoài việc hội tụ đủ các yếu tố về ý tưởng, tầm nhìn, xã hội-môi trường, kinh tế-kỹ thuật…, còn phải đề cao tính nhân văn, tính đến việc khai thác sử dụng trên mối tương quan lợi ích trước mắt và lâu dài.
Lớp bê tông bị bong tróc |
Phương án mà chúng tôi tâm đắc nhất vẫn là phương án 3, phương án này sẽ tiết kiệm kinh phí đầu tư xuống mức thấp nhất, không gây ảnh hưởng việc di dời dân, hạn chế tối thiểu lấy đất sản xuất nông nghiệp của nông dân, bởi kênh dẫn chủ yếu làm bằng hầm tuy-nen xuyên dưới đồi núi.
"Thế nhưng phương án mà chúng tôi chọn lại không được thực thi, những người có trách nhiệm lại chọn phương án 1, tức là xây dựng cả tuyến kênh dài gần 20 km chẳng khác gì một con đê biển, chặn ngang các dòng chảy tự nhiên của các khe suối từ thượng nguồn đổ về từ hàng trăm năm nay", ông Tinh nói.
Vẫn theo ông Tinh, đối với một công trình thủy lợi lớn, để an toàn cần thì biện pháp đầu tiên đặt ra là phải thoát lũ nhanh nhất, tránh ứ đọng dòng chảy khi các đợt mưa lũ dồn về. Đặc biệt đảm bảo yếu tố xã hội-môi trường, không làm đảo lộn đến cuộc sống dân cư, đảm bảo môi trường, an toàn đối với các công trình xung quanh, kể cả nhà ở khu dân cư khi thi công. Về kinh tế-kỹ thuật, thi công công trình phải đúng bản vẽ khảo sát, thiết kế, kinh tế kỷ thuật, phải đề cao tính nhân văn phù hợp với quy luật tự nhiên vốn có, hạn chế tối thiểu làm đảo lộn quy luật tự nhiên cũng như đảo lộn đời sống dân sinh trong vùng.
"Một dự án hội tụ đủ các yếu tố trên sẽ là một dự án thành công, bền vững", ông Tinh nói.
Một người dân ở xã Đức Lạc cho rằng, kênh dẫn nước đi qua xã Đức Lạc đã gây ra rất nhiềuhệ lụy như việc lấy đất hai lúa của nông dân để xây kênh dẫn nước, nhưng nông dân lại chẳng thấy nước đâu, chỉ thấy tác hại mỗi khi mưa lũ nước ứ đọng lại, gây ngập úng nhà cửa, hoa màu.
"Vừa qua kênh bị sạt lở, nước tràn kéo theo đá lấp hết ruộng đồng của người dân. Nước bị tràn từ kênh ra mà đã gây ra sự cố như thế thì thử hỏi khi lũ lụt về, dân liệu có đường chạy thoát thân?", người nông dân nói trên đặt câu hỏi.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư