Theo đó, dự án có điểm đầu (Km459+505.5) tại vị trí nút giao với Quốc lộ 46 tránh thành phố Vinh thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Điểm cuối (Km479+000) tại vị trí hết phạm vi nút giao với Quốc lộ 8A, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Quy mô tuyến đường cũng được phân kỳ đầu tư trong đó giai đoạn 1 xây dựng đường cao tốc với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 06 làn xe theo tiêu chuẩn với vận tốc thiết kế 120km/giờ (các đoạn khó khăn, các vị trí cầu lớn, hầm châm chước vận tốc thiết kế 80km/giờ).
Theo đề xuất của đơn vị lập dự án, tuyến đường cao tốc đoạn Quốc lộ 46 (Nghệ An)-Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.526 tỷ đồng.
Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi ODA khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép nghiên cứu đầu tư theo phương án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) có sự hỗ trợ của Nhà nước (hình thức đối tác công-tư PPP).
Cụ thể, với phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) dự kiến với nguồn hồ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 4.144 tỷ đồng (chiếm khoảng 75%); nhà đầu tư (BOT) đầu tư khoảng 1.382 tỷ đồng (chiếm khoảng 25%).
Dự án sẽ có hiệu quả về mặt tài chính nếu được thu phí để hoàn vốn trong 24 năm 5 tháng; bắt đầu thu phí từ năm 2020 với mức thu bẳng 1.500 đồng/PCU/Km, sau đó cứ 3 năm tăng phí 12%. Trạm thu phí có một trạm đặt tại vị trí nút giao Km479+000, thu phí theo hình thức khép kín và có ít nhất một cửa thu phí tự động, các cửa còn lại thu phí theo phương thức bán tự động.
Tuy nhiên, để cân nhắc các khả năng, đơn vị đề xuất cũng nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước (vốn vay ODA) với tổng mức đầu tư cũng là 5.526 tỷ đồng.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua, dự án được khởi công vào quý 3/2017; thời gian xây dựng dự kiến 3 năm.
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án 6, dự án sau khi được đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nói chung và hai tỉnh Thanh Hóa và Nhệ An nói riêng; từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; đáp ứng yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bàn trờ thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020./.
Theo quy hoạch, mạng lưới dường bộ cao tốc Việt Nam bao gồm 22 tuyến với tông chiều dài các tuyến là 5.873Km. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến kế hoạch từ nay đến năm 2020 có thể xây dựng trên 2.500Km đường bộ cao tốc. Đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, giảm tai nạn giao thông, giảm thời gian và chi phí vận tải.
Việt Hùng