Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Vì sao bệnh binh 35 năm không được hưởng chế độ?

Trong quá trình ông Phan Thanh Nhì bị chấn thương, đồng đội và những người chứng kiến lúc đó đã sẵn sàng làm chứng và nguyện vọng của họ đều mong cho ông Nhì được hưởng chế độ xứng đáng. Tuy nhiên, hàng chục năm đi làm làm lại thủ tục, các cơ quan chức năng chỉ trả lời không tìm thấy hồ sơ lưu trữ về trường hợp của ông Nhì.

Lời của nhân chứng

Theo hồ sơ, tư liệu xin hồi phục chế độ Bệnh binh mà PV Dân trí tiếp cận được của ông Phan Thanh Nhì (SN 1948, trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thì quá trình ông Nhì bị chấn thương, 2 đồng đội, 2 dân quân, du kích địa phương và 1 cán bộ thuộc Đoàn an dưỡng 200 (Quân khu 4) đều xác minh đúng hoàn toàn là sự thật.

Cụ thể vào lúc 15h ngày 7/8/1972, bom Mỹ dội xuống đài quan sát ở bến phà Phương Tích (xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An), lúc đó ông Nhì và 2 đồng đội đang làm nhiệm vụ là ông Nguyễn Xuân Huệ (SN 1950) và ông Nguyễn Huy Đệ (SN 1952, cùng trú tại thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh). Cả 3 người đều bị thương nhưng, ông Nhì sức ép của quả bom hất ra xa.

Tờ khai người làm chứng của ông Nguyễn Xuân Huệ - đồng đội từng bị thương cùng ông Nhì trong lúc làm nhiệm vụ.

Trong tờ khai người làm chứng vào ngày 4/9/2003, ông Nguyễn Xuân Huệ (Bệnh binh mất sức 61%) xác nhận, ông Nhì là quân nhân cùng đơn vị, biết rõ ông Nhì bị chấn thương do sức ép bom Mỹ như sau: “Trong trường hợp quan sát bom và tiêu bom nổ chậm, bị máy bay Mỹ đánh vào bến phà, ông Nhì bị vết thương xuyên qua mu bàn chân, cơ thể bật vào vách đá gây sức ép lên toàn cơ thể. Sau đó được điều trị tại Bệnh viện Quân khu 4 từ ngày 7/8/1972-15/9/1972”.

Còn bà Đậu Thị Hồng (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng xác nhận, năm 1972 bà là du kích địa phương, lúc đó ông Nhì là bộ đội đóng quân tại địa bàn, khi đang làm nhiệm vụ ông Nhì bị thương, bà cùng một số người dân địa phương đưa ông Nhì về trạm cấp cứu.

Một cán bộ từng công tác tại Đoàn an dưỡng 200 hồi đó là ông Đặng Bá Thừa (SN 1941, là Trung tá quân đội về hưu, nguyên Trung đoàn phó, Sư đoàn 348, Quân khu 4) cho biết rõ, ông Nhì từng là chiến sĩ ở đơn vị chiến đấu, do bị tổn thương sức khỏe không đủ sức chiến đấu nên ông Nhì được chuyển về Đoàn an dưỡng 200 đến tháng 8/1975 ông Nhì được xuất ngũ trở về địa phương.

Ông Đặng Bá Thừa mong muốn ông Nhì được giúp đỡ làm lại chế độ.

“Tôi là cán bộ Đoàn an dưỡng 200, Quân khu 4 trước đây, làm bằng chứng cho ông Phan Thanh Nhì về vấn đề thực tế. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu hồi phục lại chế độ Bệnh binh cho ông kẻo ông chịu thiệt thòi quyền lợi” – ông Thừa tha thiết mong cho ông Nhì được hồi phục chế độ trong lời khai người làm chứng tháng 9/2003.

Vì không tìm thấy hồ sơ?

Theo trình bày của ông Nhì, ngày 18/8/1975, ông được xuất ngũ trở về địa phương, trước khi ra quân Hội đồng Y khoa giám định mất sức 50%, về địa phương giảm công tác nặng. Năm 1983 ông được cấp Sổ Bệnh binh, tuy nhiên thời điểm đó đang trong thời kỳ bao cấp nên tất cả số tiền trợ cấp hàng tháng đều quy đổi bằng lương thực. Khi xóa bỏ chế độ bao cấp, trợ cấp bằng tiền mặt thì cơ quan chức năng chuyển đổi hồ sơ và ông không còn được hưởng bất cứ quyền lợi gì.

Sổ Bệnh binh được cấp từ năm 1983 đang được ông Nhì lưu giữ.

Quá trình làm đơn thư khiếu nại xin phục hồi chế độ, ông Nhì đã được Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh trả lời theo văn bản số 180/SLĐ – TBXH-NCC ngày 16/8/2017 như sau: Việc ông Nhì xin cấp lại chế độ bệnh binh không được hưởng từ năm 1983, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã kiểm tra không có tên ông Phan Thanh Nhì trong danh sách chi trả trợ cấp bệnh binh năm 1990 do UBND xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà) chi trả sau khi tách tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Văn bản của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trả lời về khiếu nại xin cấp lại chế độ Bệnh binh của ông Nhì.

Do đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH Nghệ An (là cơ quan quản lý hồ sơ của Nghệ Tĩnh năm 1990 trở về trước) kiểm tra hồ sơ của ông Nhì.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã trả lời là chưa tìm thấy hồ sơ Bệnh binh của ông Phan Thanh Nhì đồng thời đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh liên hệ với Cục Người có công, Cục chính sách – Bộ quốc phòng để được tra cứu trích lục hồ sơ.

Ông Nhì cho rằng những trả lời trên của cơ quan chức năng chưa thỏa đáng.

“Hàng chục năm đi đòi hỏi quyền lợi tôi chỉ nhận được câu trả lời như vậy thôi, chẳng lẽ những cống hiến, nhân chứng và Sổ Bệnh binh mà cơ quan chức năng đã từng cấp cho tôi đều là vô nghĩa? Hay hồ sơ của tôi bị họ làm thất lạc rồi tôi phải tự chịu thiệt thòi cho bản thân?” – ông Nhì chua chát nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Tác giả: Tiến Hiệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP