Từ chất lượng nguồn nhân lực
Cách nay chưa lâu, dải cát trắng ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà còn là vùng hoang hóa, không một tán cây xanh. Gần đây, nhờ dự án “trồng rau củ quả công nghệ cao trên nền đất hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đã khiến vùng cát trắng này hồi sinh. Trong cái nắng miền trung chói rát, kỹ sư, đảng viên trẻ Nguyễn Hữu Ngọc, điều phối viên dự án, cầm nhiệt kế đặt trên nền cát bên ngoài khu vườn, đọc to con số 550C. Dẫn chúng tôi đi sâu vào từng khu vườn chuyên canh dưa, bí đao, củ cải, cà chua, măng tây… cho năng suất cao, anh giới thiệu rành mạch về từng giống cây, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Theo đó, với công nghệ và giống mới được áp dụng, 34 loại rau củ quả chất lượng cao đã được trồng thử nghiệm thành công trên nền cát bạc màu hoang hóa nơi đây. Thu nhập đạt trên dưới 200 triệu đồng/ha. Sản phẩm đang được một số siêu thị ở Hà Nội và Ðà Nẵng giới thiệu, đặt hàng. Hiện, dự án được triển khai thêm 30 ha tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và cho kết quả tốt với 32 loại rau, củ, quả và sẽ được trồng trên diện tích hơn 200 ha tại các vùng cát bạc màu, hoang hóa ven biển Hà Tĩnh. Thành công của dự án mở hướng đột phá để tỉnh chinh phục hàng nghìn ha đất cát ven biển hoang hóa đã hàng chục năm. Ðồng chí Ðặng Ngọc Sơn, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mũi “tấn công” này của tỉnh thắng lợi là nhờ 12 nhà khoa học, kỹ sư trẻ đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ, triển khai thành công Dự án. Một số người trong “mũi xung kích” trên được quy hoạch là cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, triển khai các đề án mũi nhọn. Toàn tỉnh đã phát triển, mở rộng được 2.753 mô hình sản xuất nông nghiệp có doanh thu từ 100 triệu đến 30 tỷ đồng/năm. Kinh tế biển, đã và đang trở thành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh. Ðồng chí Hà Văn Châu, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, trao đổi nhiều về những giải pháp thu hút nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ khai thác tiềm năng kinh tế vùng biển và rừng trên địa bàn. Trước hết, huyện Nghi Xuân tập trung nâng tỷ lệ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, từ hơn 70% lên 98% như hiện nay. Do coi trọng đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ đại học trong lĩnh vực nông nghiệp, tại nhiều xã, đội ngũ cán bộ, công chức đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Ba năm qua, huyện Nghi Xuân đã hình thành, phát triển mới 72 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, mở rộng thêm 300 ha nuôi trồng thủy sản. Với 38 tổ hợp, HTX nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đều có yếu tố tập hợp, thu hút được nhân lực chuyên ngành chất lượng cao.
Ðức Thọ là huyện thuần nông. Bí thư Huyện ủy Võ Công Hàm khái quát bài học “5 chữ T” trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, trong đó có “2 chữ T” là khái quát về tài năng của cán bộ chủ chốt cơ sở và nguồn sinh lực từ trí tuệ. Xã Liên Minh, huyện Ðức Thọ, dân cư hầu hết là đồng bào có đạo. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhiều năm mất ổn định, đời sống, thu nhập của nông dân ở mức thấp. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðức Thọ Trần Hoài Ðức là cán bộ trẻ được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Liên Minh. Ở vị trí này, anh luôn coi trọng đổi mới tác phong công tác, phát huy sức mạnh tập thể trong lãnh đạo, triển khai chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xây dựng và triển khai thành lập trang trại, khu chăn nuôi mới, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, lợn siêu nạc, hươu lấy lộc… phá thế canh tác thuần nông trên đồng ruộng của xã. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Trần Hoài Ðức cũng chia sẻ nhiều giải pháp vận động hiệu quả đồng bào công giáo, tạo nên sự bứt phá của xã từ tốp cuối vươn lên tốp đầu của huyện trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 – 2015 xác định cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xây dựng chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ các cấp, coi trọng thu hút sinh viên giỏi về địa phương. Theo đó, đã có hơn một nghìn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các trường đại học về làm việc tại địa phương, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, nhất là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh có chính sách, chủ động thu hút hàng trăm cán bộ là chuyên gia, nhà khoa học có học vị, học hàm trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo về công tác. Hà Tĩnh nằm trong số 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước về giáo dục – đào tạo. Không chỉ tăng về quy mô, chất lượng đào tạo, trong lĩnh vực này, tỉnh Hà Tĩnh khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, kém chất lượng, tiến tới cơ cấu đào tạo ngành nghề hợp lý, đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương tập trung chuyển mạnh tác phong công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và xã từ “nặng” về thực thi quản lý hành chính sang xây dựng và triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là nhân lực quản lý cũng cho phép tỉnh tiến hành chương trình sáp nhập, mở rộng quy mô của thôn. Theo đó từ 2.800 thôn trong toàn tỉnh, sau sáp nhập, nay chỉ còn 2.200 thôn. Chương trình này đã giảm được 1.400 cán bộ ở thôn cùng 30 tỷ đồng chi phí hành chính trong toàn tỉnh mỗi năm. Ðây cũng là nhân tố quan trọng để tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ “hồng và chuyên”
Có thể thấy rằng, để có nguồn nhân lực tốt, trước hết là nhân lực lãnh đạo, quản lý các cấp, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ của Hà Tĩnh được tiến hành “chính quy”, giải quyết tốt mối quan hệ “tĩnh và động”, thực hiện kiên trì trong nhiều năm. Gần đây các cấp ủy đảng ở tỉnh đã tiến hành bổ sung quy hoạch những nhân tố mới, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo. Quá trình này gắn chặt với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Theo đó, Hà Tĩnh đã đưa ra khỏi danh sách hàng chục cán bộ trong quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp huyện. Vấn đề này được tiến hành thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng và quần chúng, phát hiện và kết luận kịp thời những sai phạm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cơ sở. Ðây là cơ hội để từng đảng bộ nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh thành lập ba đoàn công tác về 12 huyện, thị xã rà soát, bổ sung quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội Ðảng các cấp. Những trường hợp thường xảy ra như quá tuổi, nợ bằng cấp, chứng chỉ… được xử lý dứt điểm. Các đoàn công tác đã giúp Thường vụ Tỉnh ủy chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục sự thiên lệch, khép kín trong quy hoạch cán bộ lâu nay.
Ðồng chí Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết công tác chuẩn bị đại hội các cấp ở Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, đang được tiến hành tích cực. Theo đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo từng bước được kiện toàn, quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng toàn diện. Cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2020 theo quy hoạch có tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đạt hơn 20%.
Hiện, có tới 80% dân số của tỉnh sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ðể đẩy mạnh các chương trình kinh tế – xã hội ở địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, khai thác thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển và rừng của Hà Tĩnh cần có đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong công tác này, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì việc thu hút cán bộ có trình độ cao, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp về tỉnh còn những hạn chế bất cập, trước hết là về chính sách đãi ngộ và sử dụng. Ở cấp cơ sở, sự thiếu tin tưởng lớp trẻ vẫn còn nặng nề trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo và nhân dân. Vì thế nhiều cán bộ, tri thức trẻ về địa phương chưa thể phát huy năng lực chuyên môn.
Thực hiện CNH, HÐH Hà Tĩnh đứng trước yêu cầu cao về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, vùng kinh tế. Trong đó, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cơ sở. Ðây chính là “đòn bẩy” để tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.