Ông Nguyễn Ánh Sáng (SN 1956, thôn Hoà Thái, xã Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh) phản ánh quá trình ông điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã mổ niệu quản lấy sỏi và đặt xông niệu quản bằng nội soi, tuy nhiên khi xuất viện thì giấy ra viện chỉ ghi thủ thuật nội soi.
Ông Sáng trình bày với PV |
Ông Sáng cho biết, ngày 4/12/2018, ông nhập viện sau đó được siêu âm, chụp XQ, bác sỹ chẩn đoán ông bị sỏi niệu quản, yêu cầu phải mổ lấy sỏi.
Chiều ngày 5/12, ông bắt đầu lên bàn mổ, tuy nhiên ca mổ đã không thành công do sỏi từ niệu quản trôi lên thận nên không thể lấy được sỏi ra ngoài. Sau đó, ê kíp khâu lại vết mổ cho bệnh nhân.
Cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ, việc không lấy được sỏi, các bác sỹ có thông báo với người nhà bệnh nhân ngay sau đó. Bệnh nhân Sáng được điều trị đến ngày 15/12 xuất viện.
Sau khi xuất viện, vợ ông Sáng lên lại bệnh viện để làm thủ tục ra viện, điều mà vợ chồng ông thắc mắc khi cầm giấy ra viện trên tay chỉ ghi một thủ thuật mổ.
Bệnh án của ông Sáng lưu giữ đầy đủ các kỹ thuật mổ trong quá trình điều trị |
“Tôi thắc mắc là dù vết mổ của tôi là vết mổ banh nhưng không hiểu sao các bác sỹ ghi vào giấy ra viện là nội soi tán sỏi ngược dòng - ông Sáng nói.
Sau khi xuất viện đến nay sức khỏe của ông Sáng đã tốt trở lại, trên phía hông trái có một vết mổ dài khoảng 4cm.
Giúp bệnh nhân giảm chi phí?
Trao đổi với VietNamNet, ông Phan Hồng Cường - Phó GĐ Bệnh viện ĐK Đức Thọ cho hay, bệnh nhân Sáng nhập viện trong tình trạng thận trái có nhiều sỏi, một viên sỏi lọt vào niệu quản làm nước tiểu ứ đọng trong thận.
Dấu vết mổ banh trên người ông Sáng |
“Chúng tôi khuyên người nhà đưa bệnh nhân lên tuyến trên vì tuyến huyện chỉ mổ được niệu quản để lấy sỏi mắc kẹt, không mổ thận để lấy toàn bộ sỏi, tuy nhiên người nhà vẫn đề nghị mổ niệu quản lấy sỏi mắc kẹt, do đó chúng tôi mới tiến hành mổ” – ông Cường nói.
Khi người nhà cam kết mổ, kíp mổ đã gây tê cho bệnh nhân nhưng khi mổ sỏi trôi ngược vào thận không lấy ra được nên đã khâu lại vết mổ để nội soi.
“Trong quá trình mổ, ê kíp đã thực hiện hai kỹ thuật gồm mổ niệu quản và nội soi. Sau phẫu thuật, chúng tôi đã ra giải thích với gia đình là sỏi trôi vào thận lấy ra không thành ” – ông Cường cho hay.
Bệnh viện ĐK huyện Đức Thọ |
Về thắc mắc của bệnh nhân vì sao ê kíp thực hiện hai kỹ thuật mổ niệu quản (mổ banh – PV) và nội soi nhưng giấy ra viện lại chỉ ghi nội soi tán sỏi ngược dòng, liệu có điều gì khuất tất?
Ông Cường cho biết, ca mổ cho bệnh nhân Sáng không thành do sỏi trôi ngược trở lại, còn toàn bộ quy trình từ mổ cho đến việc lưu giữ thông tin đều đúng quy định và đầy đủ.
Cho chúng tôi xem tập bệnh án của bệnh nhân Sáng, ông Cường nói phiếu phẫu thuật ghi rất rõ phương pháp: “mổ đường xiên lòng và nội soi đặt xông niệu quản”.
Theo ông, việc chỉ ghi một kỹ thuật mổ trong giấy ra viện là để giảm chi phí cho bệnh nhân.
Ông Cường giải thích, trong một lúc cùng sử dụng hai kỹ thuật mổ niệu quản và nội soi cho bệnh nhân Sáng. Giá cho kỹ thuật mổ niệu quản là hơn 3,9 triệu đồng; giá kỹ thuật nội soi hơn 1,2 triệu đồng.
“Do bệnh nhân không lấy sỏi ra được, nếu gánh cả hai chi phí kỹ thuật trên rất tốn kém nên chúng tôi chỉ ghi trong giấy ra viện một kỹ thuật để giúp bệnh nhân bớt chi phí” – ông Cường cho hay.
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet