Tín hiệu khởi sắc tại các dự án trọng điểm
Gần đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh liên tục có chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, doanh nghiệp thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ triển khai tại các dự án trọng điểm.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tiến độ tại các dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Hoành Sơn (Cầu cảng số 4); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Nhà máy Sản xuất Pin VinES và một số khu tái định cư trên địa bàn thị xã Kỳ Anh…
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đề nghị các doanh nghiệp, chủ đầu tư tranh thủ thời tiết thuận lợi, đôn đốc các đơn vị thi công huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế Vũng Áng
Cụ thể, Cảng tổng hợp Quốc tế Hoành Sơn do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư. Bến cảng có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 45.000 DWT, bao gồm các hạng mục chính: bến cập tàu dài 330m, bãi chứa hàng và khu hậu cần logistics. Hiện nay, công ty đã nộp hồ sơ đề xuất xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, dự kiến cầu cảng sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, thị sát tại các dự án trọng điểm khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh Báo Hà Tĩnh |
Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO) làm chủ đầu tư với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 1.330MW.
Hiện nay, tổng thầu EPC đã triển khai công tác thiết kế, mua sắm thiết bị, san lấp mặt bằng, đóng cọc khu vực nhà máy chính, xây dựng văn phòng điều hành công trường; khu nhà ở cán bộ công nhân viên và các công tác chuẩn bị khác...
Đến thời điểm này, giá trị khối lượng thực hiện công trình đạt khoảng 717,75 triệu USD (tương đương khoảng 16.622 tỷ đồng), đạt 25% kế hoạch. Dự kiến, vào quý III/2025, dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thương mại.
Tại dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES. Giai đoạn 1, nhà máy được triển khai xây dựng với quy mô 8 ha và tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà xưởng, hệ thống đường điện; đang triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị, máy móc của 3 dây chuyền sản xuất.
Dự kiến trong tháng 12/2022, nhà máy sẽ chạy thử không tải dây chuyền sản xuất (liên động) trước khi đi vào hoạt động sản xuất.
Tại một số khu tái định cư trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. Liên quan đến các khu tái định cư trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát khó khăn, tồn đọng của từng dự án. Xem xét, thực hiện các giải pháp khắc phục; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân vùng tái định cư.
Kiểm tra, nghe đại diện các đơn vị báo cáo tiến độ thực hiện và một số khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho rằng, đây là các dự án quan trọng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 tranh thủ thời tiết thuận lợi, đôn đốc các đơn vị huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân công để sớm hoàn thành các hạng mục theo tiến độ.
Soi tiến độ hàng loạt dự án “treo”
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, trong số 244 dự án chậm tiến độ tại tỉnh này, có 131 dự án do UBND tỉnh chấp thuận; 59 dự án do khu kinh tế, khu công nghiệp chấp thuận; 54 dự án do UBND huyện chấp thuận.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra 99 dự án, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt đối với 42 dự án với tổng số tiền 1.667,5 triệu đồng; thu hồi, chấm dứt hoạt động 10 dự án; chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đối với 15 dự án; cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 14 dự án; giao đất, cho thuê đất đối với 19 dự án…
Tuy nhiên, theo phản ánh thì, tiến độ xử lý các dự án này chưa đáp ứng yêu cầu, một số dự án chậm tiến độ, nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Tại các kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, cử tri bày tỏ ý kiến, kiến nghị đến tình trạng đất “treo”, chủ đầu tư chây ì, câu giờ, thậm chí không minh bạch trong chuyển nhượng…
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, quan điểm của địa phương là dành đất có lợi thế đưa ra đấu giá để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, phát triển, tạo công ăn việc làm, phát triển tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tác giả: Việt Hương
Nguồn tin: Báo Đầu Tư