Trao đổi VnExpress, ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết giá đất đã không còn "sốt" từ sau khi ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất ở huyện Vạn Ninh cùng với việc Chính phủ đã đề nghị Quốc hội lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
Sàn giao dịch bất động sản tại trung tâm huyện Vạn Ninh đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Xuân Ngọc |
Huyện Vạn Ninh có gần 40 công ty giao dịch, môi giới bất động sản được thành lập, chủ yếu là sàn của những người ngoài tỉnh đến mở. Giữa tháng 6, cảnh nhộn nhịp rao bán đất của giới cò cùng với dòng người từ các tỉnh phía Bắc, TP HCM đến huyện Vạn Ninh - nơi được kỳ vọng trở thành Đặc khu kinh tế Vân Phong - không còn rôm rả như trước.
Trên các trục đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ..., nhiều bảng áp phích quảng cáo, rao bán được tháo dỡ. Không ít sàn giao dịch, trung tâm môi giới bất động sản đóng kín cửa. Quanh các quán cà phê, dọc bờ biển Trần Hưng Đạo - được cho là nơi giới buôn bất động sản, cò đất thường tụ tập bàn tán về đất Vân Phong - bỗng vắng lặng. Quanh huyện, nhiều lô đất nền được đào bới để san lấp lấy mặt bằng ngổn ngang.
Nhiều người là dân cố cựu ở địa phương cho hay, cuộc sống bình yên của dân làng chài đã trở lại. Dòng xe cộ, nhất là ôtô biển số tỉnh khác vốn tấp nập, giờ cũng không thấy bóng.
Khu đất tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, nơi được kỳ vọng thành đặc khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Xuân Ngọc |
Tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh giờ chỉ có hơn chục lượt đến giao dịch.
Từ ngày 9/5 đến cuối tháng 5, số hồ sơ tại đây giảm gần 80%. "Nếu hơn tháng trước, chúng tôi phải làm hết công suất để đáp ứng yêu cầu của người dân, thì nay tần suất công việc trở lại bình thường", ông Lâm Tuấn Anh - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Vạn Ninh nói.
Theo đánh giá của giám đốc một sàn giao dịch địa ốc tại đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang mong muốn tháo chạy khỏi Vân Phong. Nhiều người phía Bắc vào chi tiền tỷ để gom đất, giờ đành "chôn chân" chờ thời cơ, vì không thể giao dịch được, hoặc đang tìm cách bán tháo mong gỡ vốn.
Ông nói đã từ chối rất nhiều đơn hàng đến ký gửi mua bán đất. "Giá đất hiện rất hỗn loạn và tụt giảm nhiều, thậm chí đóng băng", ông nói và cho biết chừng 1.000 m2 ở thôn Vĩnh Yên - hơn tháng trước có giá khoảng 10 triệu đồng một m2, nay giảm gần nửa, nhưng không người mua.
Trong khi đó, giám đốc khác một trung tâm môi giới ở Vạn Ninh nhìn nhận, giờ kiếm được mối giới thiệu đến mua đất khá khó, từ đầu tháng tháng công ty hầu như không hoạt động. Trong khi hồi tháng 4, công ty ông thực hiện gần 20 lượt giao dịch đất, hồi tháng 4, chủ yếu mua rồi bán lại kiếm tiền chênh lệnh.
Tại công ty đang giữ rất nhiều hồ sơ do khách Hà Nội và TP HCM gửi bán, chủ yếu đất nông nghiệp song không thể làm được gì. Nhân viên với gần chục người, chuyên đi đi môi giới, tìm giá đất được ông cho thôi việc.
Nam thanh niên, nhân viên trong công ty này kể, anh mới nghỉ việc gần tuần, hồi Vân Phong chưa "sốt đất" làm nghề rửa xe, nay trở về với công việc cũ.
Một nhà đầu tư nữ ở Hà Nội cũng thừa nhận rằng, thấy đất Vân Phong "nóng" lên đã góp vốn với nhiều người với hàng chục tỷ đồng đến Khánh Hòa tìm mua. "Tôi còn hơn chục lô, giá giao động 3-5 tỷ đồng đang không thể bán được", chị nói.
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 6 Chương 85 Điều. Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết. Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã đồng ý lùi thông qua Luật Đặc khu. Thời gian thông qua dự án Luật này được đề xuất điều chỉnh từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng.
Tác giả: Xuân Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress