Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục Hương Khê: Vất vả sự học ở trường vùng cao

Từng tốp học sinh đang gò lưng đẩy xe đạp vượt “đèo Ha Lin”, mồ hôi ứa chảy trong mây mù, giá lạnh của mùa đông nơi rừng núi. Đèo Ha Lin – không biết ai đặt ra cái tên này, chỉ nghe nói là cách nói lệch đi, kiểu ví von của cái tên đèo Hương Liên như đèo Pha Đin ở Tây Bắc nước ta. Đó là cái tên của đoạn đường dốc, cua qua núi Áp Táu- ngọn núi ngăn cách giữa 2 xã Hương Liên và Hương Lâm của huyện Hương Khê. Trước kia con đường từ Hương Lâm vào Hương Liên đoạn qua núi Áp Táu đi dưới chân núi men theo bờ Vực Chình, đoạn vực xoáy của khúc cua Rào Say. Đường chỉ dành cho phương tiện thô sơ và người đi bộ. Qua thời gian sử dụng và các trận lũ lụt hàng năm con đường đã hư hỏng, về mùa mưa bão đá sập xuống và sạt lở thường xuyên gây cô lập xã Hương Liên với bên ngoài. Dự án đường đèo qua núi được triển khai trở lại, khi nó gần được thông xe thì cũng với thời điểm con đường men bờ Rào Say bên tà dương bị đá từ núi Áp Táu sập xuống chèn lấp hoàn toàn, phía tà âm cũng nằm dưới đáy Vực Chình xanh biếc sau trận lũ.

Con đường tới trường của các em thật nhiều gian nan.
             Chiếc xe “Giấc mơ” đang số 1 ì ì lên cua “Chạc quẹc”- cua dốc khuỷu tay thứ 3 của đèo Ha Lin thì: “Chú ơi, cho cháu về với”! một tốp chừng mươi đứa lứa tuổi học trò, với khoảng 4-5 chiếc xe đạp đang bộ hành qua cua vượt đèo. Xe vừa dừng, “Chú cho 2 đứa về với nhé nhà hắn ngái nhít (xa nhất) đó”, “Không có mũ bảo hiểm cũng nỏ can chi”. Lên đến cua “Mũi tru” vì cua ngoặt vả lại chở 2 đứa nhỏ xe chạy rất chậm, tôi nghe thoang thoảng tiếng 2 hành khách ngồi sau xe trao đổi: “Chú ni nhát gan, hay xe yếu chơ chạy chậm rì, bọn xô xe đạp lên đèo cũng đi sau ta đó rồi”, “Nhát gan ri xe chạy chậm nhưng ta đỡ rét”. Lên đỉnh đèo, nhìn cánh đồi phía trước dưới núi Áp Táu đã được phát dọn chỉ còn một số bờ bụi lẻ loi. “Họ phát dọn đồi trồng gì thế các cháu ?”, “Trồng keo lai chú ạ”, “Nhà các cháu có làm đây không?”, “Nhà bầy em không có ở đây chú ạ”. Mới có vài tháng không vào vùng Lâm – Liên mà cảnh rừng núi đã đổi thay thật nhanh. Bây giờ mới biết thế nào là phủ xanh đất trống đồi trọc; là chuyển “rừng nghèo” thành rừng sản xuất; các cánh rừng dọc đường sẽ trở thành rừng keo lai trong ít năm nữa.
Xe đang xuống đèo, có tiếng khách đi nhờ nói to: “Răng chú không âm côn mà xuống cho khỏi tốn xăng”, “Đi rứa nguy hiểm lắm”, “Chú nhát gan, mấy anh trong làng cháu chở -Đụt(*)– ra, khi về cho cháu đi nhờ toàn chạy rứa căn chi mô”. Trên đọan xuống đèo tìm hiểu mới biết là các cháu học sinh này cứ hơn 5 giờ sáng tí là lội sương lên đường; đi bộ ra đường chính nhờ xe bạn và thỉnh thoảng vẫn được người đi đường cho quá giang xe máy về đến trung tâm xã, đỡ cho bạn mà cũng nhanh cho mình. Đến ngã ba đường vào bản Rào Tre và đường về trung tâm xã; rẽ trái về đến trường tiểu học Hương Liên, tôi hỏi khoảng cách từ trường tiểu học đến nhà các cháu. Qua trường khoảng vài cây số một cháu xin xuống xe nói là đi bộ một đoạn thì rẽ trái về nhà phía chân núi; cháu còn lại nói là nhà đang ngái (xa), xin cho xuống đi bộ về nhà cũng được rồi. Quyết định, đã giúp thì giúp cho trọn, cách trường tiểu học chừng 3 cây số, qua mấy lối rẽ đến gần vườn keo ở chân đồi. “Nhà cháu đây”! thấy có xe máy dừng trước cửa, bóng một người phụ nữ đi ra. Xe vừa dừng, khách đi nhờ xe ôm cặp nhảy xuống cảm ơn và chạy vào sân. “Mi có chuyện chi mà có người chở đến tận nhà rứa hi?”, “Con xin chú đi nhờ từ ngoài áp táu về đến đường quan, con nói được rồi mà chú chở về đây luôn”, “Mi nói láo chơ mầm chi có, đập chắc à?”. Ngõ hẹp, đang loay hoay quay xe máy thì bà mẹ chạy ra để kiểm nghiệm nội dung con mình vừa nói. Khi xác nhận được việc con mình nói là thật bà mẹ vui vẻ cố nài nỉ: “Mời chú vô nhà uống nác chè xeng (xanh) mới om vừa chín”. Bát nước chè xanh và mấy câu hỏi thăm mà thật ấm tình người sơn cước trong căn nhà chỉ có 2 phía vách kẹp ván.
Từ Thị Trấn Hương Khê vào xã Hương Liên khoảng 30km, con đường ấy lại xa hơn, vất vả hơn khi phải qua 2 đèo dốc là dốc Mục Bài từ xã Hương Xuân vào vùng trong  Lâm- Liên và đèo Áp Táu từ Hương Lâm vào xã Hương Liên; dốc Mục Bài nơi đã cướp đi nhiều sinh mạng với những bát hương nghi nhút khói và cồn đá của người qua đường bỏ vào an ủi cho những khách bộ hành xấu số. Với 678 hộ, 2471 nhân khẩu là xã có bản Rào Tre- bản dân tộc thiểu số duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 1993 trường PTCS Hương Liên giải thể do quy mô quá nhỏ. Học sinh xã Hương Liên học lên THCS có em ra học tại trường Phổ thông DTNT Hương Khê, số còn lại ra học tại trường THCS Hương Lâm. Quảng đường từ trung tâm xã Hương Liên đến trường THCS Hương Lâm chưa đến 10km, nhưng một số học sinh đến trường học phải đến khoảng 15km lại phải qua gần 2km của đèo Ha Lin … Thật cảm lòng với các em qua những ngày hè nóng nực; xối xả của những trận mưa rừng, buốt rét của mưa phùn những ngày đông; mất hết tầm nhìn mỗi khi qua đèo sương mù vây tỏa.
Thầy Thái Văn Huy, hiệu trưởng trường THCS Hương Lâm cho biết số học sinh là con em Hương Liên học tại trường năm học 2013-2014 có 118 em, trong đó lớp 6: 30, lớp 7: 35. lớp 8: 26, lớp 9: 27. Trong số học sinh này có 57% thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, trong đó: 42 em (35.6%) thuộc hộ cận nghèo, 26 em (22,0%) thuộc hộ nghèo. Theo tìm hiểu của nhà trường thì vẫn có học sinh chưa có xe đạp, nhiều em có xe đạp nhưng rất “cà tàng”. Các em thường phối hợp đi xe chung và một số em chủ yếu đi nhờ xe bạn hoặc xin đi nhờ dọc đường. Thầy hiệu trưởng chia sẻ: “Dân nghèo, trường nghèo, nhiều lúc thấy thật thương nhưng cũng khó giúp đỡ được; trường không có bán trú cho học sinh ở, xã Hương Liên cũng không xây bán trú ở đây cho các cháu, nhà trường, nhà nước thì không có kinh phí xây dựng nhà bán trú cho học sinh”. Thầy hiệu trưởng day dứt: “Mỗi tuần 3 trưa các cháu ở lại để học chiều hoặc sinh hoạt khác nhìn cái ăn, nơi ở của các cháu mà thương; cái bánh mì không, gói mì tôm khô, nắm cơm trong túi bóng với bột xúp qua bữa, co ro ở phòng học trong giá lạnh” … Thầy tâm sự: “Sáng mai ăn chi, mặc mong manh rứa mà đạp chừng đó cây số, vượt đèo dưới mưa rét đến trường còn sức mô nữa mà học tốt; trưa ăn tí chút, khó khăn rứa mà duy trì đến lớp là chúng tôi mừng lắm rồi”.
Hương Lâm và Hương Liên là 2 xã nghèo nhất, xa nhất và tách biệt nhất của huyện; trên 95% thu nhập của người dân phụ thuộc vào khai thác các sản vật từ rừng. Rừng đã lùi xa và không chỉ là rừng nghèo mà đã cạn kiệt. Do vậy các nguồn đóng góp tự nguyện để phục vụ cho nâng cấp CSVC và mua sắm trang thiết bị dạy học của nhà trường vận động không đạt hiệu quả. Ngân sách địa phương ít ỏi không thể hỗ trợ CSVC các trường học, do vậy mà trăm bề thứ thiếu.
Trường tiểu học Hương Liên có 10 lớp, với gần 250 học trò; 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng số người thuộc xã và vùng lân cận cũng chỉ được 60%. Trường không có nhà công vụ cho cán bộ giáo viên, thầy hiệu trưởng nhà ở xã Hương Trạch (giáp Quảng Bình), từ nhà đến trường trên 40km. Cứ mờ sáng là đi, trưa ở lại bán trú cùng mấy đồng nghiệp, tối về, như rứa mỗi tháng cũng thong dong trên đường nhà-trường hơn 1500km. Trường tiểu học Hương Lâm với 24 lớp, 536 học sinh rải rác ở 4 điểm trường cũng có 24 (50%) cán bộ, giáo viên, nhân viên từ vùng ngoài vào công tác theo diện nghĩa vụ. Trường THCS Hương Lâm có 17 lớp với 570 học sinh, toàn trường có 50 CBQL, GV, NV thì trong đó có 36 (72%) là giáo viên vùng ngoài vào theo điều động nghĩa vụ.
Xã Hương Lâm có nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên 2 trường tiểu học và THCS cùng công chức xã nhưng không đầy đủ và đang xuống cấp, các vật dụng thiếu thốn, giáo viên bán trú buổi trưa chủ yếu tá túc tại nhà một số giáo viên trong trường. Hai trường tiểu học và 1 trường THCS của 2 xã có 07 CBQL thì có 06 người từ vùng ngoài vào đây công tác. Một thầy giáo ở trường tiểu học Hương Lâm tâm sự: “Cũng hiểu cho thầy hiệu trưởng, riêng tiền bảo vệ ở 4 điểm trường mỗi năm cũng hết vài mươi triệu rồi, chia đâu ra tiền mà hỗ trợ hay bồi dưỡng gì được cho anh em ngày lễ, tết”.
Nhìn những tốp học sinh đẩy xe vượt đèo trong mây núi kín mặt; những tấm áo mong manh dưới sương muối mịt mù, mưa phùn và cái rét cứa da cắt thịt. Đọc con số tỉ lệ giáo viên hằng năm từ vùng ngoài lên vùng cao thực hiện nghĩa vụ; tính quãng đường bình quân mỗi ngày mà họ phải đi qua, với đường nhiều cua, đèo dốc; cảnh trời mưa phùn, khói núi, mây mù của núi rừng Trường Sơn trong cái rét giá ở những ngày tháng này có lẽ sự học ở các trường vùng cao vẫn còn nhiều boăn khoăn trăn trở.
Lê Hữu Tân

(*) Nhánh, rễ các loại cây có thể tận thu sử dụng được
(**) Cách nói tên một lãnh đạo chỉ về loại xe máy Trung Quốc
– Bầy em: cách nói chỉ nhà mình của người Hương Liên
– Chạc quẹc: một loài cây dây leo, thân bẹp, có hoa màu tím vàng
– Mũi tru: Một loài cây thân leo, hoa có nụ màu tím, cánh vàng, mọc thành bụi, thân cây
thường dùng làm dây kéo gỗ.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP