Giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, bằng 37,64% kế hoạch Quốc hội giao và 38,77% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Gia Khoa |
51 bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 35% kế hoạch
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, bằng 37,64% so với kế hoạch Quốc hội giao và 38,77% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2017 đạt 33,42% kế hoạch Quốc hội giao và 38,66% kế hoạch Thủ tướng giao).
Trong đó, vốn trong nước là 136.879 tỷ đồng, đạt 40,29% kế hoạch Quốc hội giao và 41,09% kế hoạch Thủ tướng giao. Vốn ngoài nước là 13.575 tỷ đồng, đạt 22,63% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính nhận xét, số liệu giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương 7 tháng năm 2018 đạt xấp xỉ tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Có 5 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch, trong đó tỉnh Quảng Ninh giải ngân đạt 84,55% kế hoạch, tỉnh Hải Dương đạt 79,53%, tỉnh Nam Định đạt 74,85%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp. Cụ thể 31/56 bộ, ngành và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 35% kế hoạch năm. Trong đó, có 11 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Một số bộ, ngành chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân
Nêu nguyên nhân chậm giải ngân vốn NSNN, Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, một số bộ, ngành, địa phương bắt đầu được bố trí nhiều dự án khởi công mới. Đối với các dự án này, các chủ đầu tư phải tổ chức hoàn thành nhiều thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng như thuê tư vấn lập thiết kế, dự toán; trình cơ quan chuyên môn… trước khi triển khai được các bước tiếp theo. Hiện nay, một số dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công nên tỷ lệ giải ngân rất thấp do chưa có khối lượng thi công xây lắp. Báo cáo của một số địa phương như Hà Tĩnh, Cà Mau, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bình Phước cho thấy, thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới tính từ khi được bố trí vốn đến khi ký hợp đồng thi công cần hơn 3 tháng chuẩn bị.
Cũng theo Bộ Tài chính, một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế hoặc gặp vướng mắc trong quá trình thi công; một số dự án hoàn thành đang trong giai đoạn kiểm toán quyết toán các gói thầu, sau khi có số liệu chính xác từ đơn vị kiểm toán độc lập mới tiến hành thủ tục thanh toán.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa tích cực triển khai các thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán, đặc biệt đối với các dự án hoàn thành, kết thúc năm 2018. Một số dự án của các bộ, ngành còn đang gặp vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại Bộ Xây dựng. Một số dự án của địa phương gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ Tài chính cho biết, năm 2018 vốn TPCP bố trí cho các bộ, ngành, địa phương phần lớn đều là bố trí cho các dự án khởi công mới. Do các dự án đều được phê duyệt cùng thời gian vào tháng 10/2017 nên hầu hết đều đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công sau đó mới tổ chức đấu thầu xây lắp, nên sẽ chủ yếu giải ngân vào đầu quý IV năm 2018.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công do cả chính sách và thực thi, trong đó vấn đề thực thi là yếu tố quan trọng vì cùng một mặt bằng chính sách nhưng tiến độ giải ngân giữa nhiều bộ, ngành, địa phương chênh lệch rất lớn.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng nêu rõ, các bộ trưởng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề giải ngân trong lĩnh vực bộ mình quản lý, cần đi vào chiều sâu quản trị, trong đó có tổ chức, năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý dự án, không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm và các khâu trung gian không cần thiết. Vấn đề này có nguyên nhân từ thể chế, do đó, Thủ tướng cho biết, trong tháng 8, Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các dự án luật khác. Trong số những nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng đã phân công Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc việc đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây đã khẳng định rằng những vấn đề vướng mắc ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nếu do Luật Đầu tư công thì trong lần sửa đổi Luật này sẽ phải khắc phục triệt để.
Tác giả: Nguyệt Minh
Nguồn tin: Báo Đấu thầu