Chính phủ và Bộ Công Thương vừa đồng ý cho Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng giá bán than cho ngành điện để bằng 100% giá thành sản xuất năm 2011 và tương đương 84% giá thành sản xuất năm 2013.Chi phí nhiệt điện tăng đáng kểTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong quý I/2013, EVN đã đưa vào vận hành tổ máy Thủy điện Bản Chát với công suất 110 MW, hoàn thành đốt lò lần đầu bằng dầu tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Trong quý I, EVN đã đóng điện 8 công trình gồm: các đường dây 220 KV Vũng Áng – Hà Tĩnh, Sơn La – Huội Quảng, Huội Quảng – Bản Chát, Vân Trì – Sóc Sơn, nâng khả năng tải đường dây 220 KV Phả Lại – Hải Dương, Phả Lại – Phố Nối, đường dây đấu nối Nhà máy Thủy điện Srepok 4A, trạm 220 KV Đô Lương và nâng công suất trạm biến áp 220 KV Phan Thiết.EVN đánh giá đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường nguồn cung cấp điện từ mùa khô 2013.Tuy nhiên, có một nghịch lý trong cung cấp điện là dù đã liên tục đầu tư nhà máy mới để tăng nguồn điện, đồng thời tình hình suy thoái kinh tế kéo dài, sức mua giảm sút khiến hàng tồn kho tăng kéo theo nhu cầu sử dụng điện của một số hộ tiêu thụ điện lớn (thép, xi măng…) đã giảm đáng kể nhưng ngành điện vẫn dự báo khả năng thiếu điện trong mùa khô.Theo EVN, yếu tố bất lợi cho giá điện là tình hình khô hạn diễn biến phức tạp ngay từ những tháng đầu năm khiến sản lượng thủy điện năm nay dự kiến thiếu hụt khoảng 1,4 tỉ KWh và có nguy cơ phải bù vào bằng nguồn điện chạy dầu. Nhiều khả năng EVN phải huy động 1,8 – 2,4 tỉ KWh điện chạy dầu để bảo đảm điện cho miền Nam, trong đó riêng mùa khô là trên 1,1 tỉ KWh. Đưa nguồn nhiệt điện vào khi giá dầu FO 17.650 đồng/kg sẽ khiến giá thành 1 KWh điện lên tới 4.500-4.800 đồng, trong khi giá điện trung bình hiện nay chỉ trên 1.400 đồng/KWh.Ngoài ra, sau khi Thủ tướng phê duyệt, giá bán than cho ngành điện sẽ tăng thêm khoảng 27%-29% so với năm 2011, đẩy đầu vào của ngành điện tăng lên do chi phí cho than chiếm phần lớn giá thành của nhóm nhiệt điện này.Như vậy, dù chưa công bố mức tăng cụ thể nhưng nếu nhiều yếu tố đầu vào tăng cùng lúc như phân tích ở trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành điện.Nhận định về khả năng tăng giá điện, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Theo kế hoạch đề ra từ cuối năm 2012, nếu chưa kể biến động giá than, EVN đã dự kiến tăng giá điện khoảng 7% trong năm nay. Nay giá than tăng thêm đến 30% thì chắc chắn giá điện sẽ còn tăng cao hơn dự kiến”.Tránh tăng giá điện liên tiếp vào cuối nămCho đến đầu tháng 5/2013, khoảng gần 5 tháng sau khi EVN cho tăng giá điện lần gần đây nhất (ngày 22/12/2012), tập đoàn này vẫn chưa công bố phương án cụ thể lần tăng giá điện tiếp theo. Các chuyên gia kinh tế đánh giá nhiều khả năng các đợt tăng giá điện sẽ dồn vào cuối năm và gây ra những cú sốc không đáng có cho nền kinh tế.TS Lê Đăng Doanh nhận định EVN sớm muộn cũng đòi tăng giá điện vì tập đoàn này khó lòng xử lý, cân đối được khoản tăng giá than mà Chính phủ vừa cho phép. “Nếu “dồn toa” tăng giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu vào cuối năm sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh, hoàn toàn không có lợi cho nền kinh tế” – TS Lê Đăng Doanh lo ngại.Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng giá điện trong bối cảnh giá bán than cho ngành điện đã được phê duyệt tăng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo ông Long, điện là mặt hàng thiết yếu nên Chính phủ cần cân nhắc phê duyệt phương án điều chỉnh giá thích hợp. “Không nên thấy CPI đang ở mức khá thấp mà cho phép tăng giá điện, vì điện và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng giá sẽ đẩy yếu tố đầu vào tăng khiến doanh nghiệp thêm khó” – ông Long phân tích.
EVN chưa có phương án điều chỉnh giá điệnTrao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quan hệ Cộng đồng EVN cho biết việc tăng giá bán than đã được Chính phủ cho phép nên tập đoàn phải chấp nhận mua với giá cao hơn để bảo đảm nguồn phát nhiệt điện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, EVN vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán lẻ điện.