Trong nước

Giá điện có thể tăng thêm 9,5% trong tháng này?

Đề xuất tăng giá bán điện của EVN được đưa ra giữa bối cảnh vào hồi tháng 7, giá than bán cho điện đã tăng thêm 74.000 đồng/tấn trong khi lạm phát cả nước đã xuống thấp nhất 10 năm.

Giá điện dự kiến sẽ tăng sau 16 tháng “bất động”

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất tăng giá điện và đang được Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) xem xét. Trao đổi với PV , ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đến nay vẫn chưa có phương án nào được duyệt và Tập đoàn sẽ có thông tin cụ thể nếu phương án tăng giá được thông qua.

Theo kế hoạch trước đó, EVN dự kiến sẽ nâng giá điện lên lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/kWh.

Trong khi đó, theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương. Và Bộ Công Thương phải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc.

Mức tăng này nằm trong khung giá đã được phê duyệt cho giai đoạn 2013-2015 (từ 1.437 đồng đến 1.835 đồng). Đến nay, giá điện đã không tăng trong vòng 16 tháng. Lần tăng giá điện gần nhất cho đến nay là vào ngày 1/8/2013 với mức tăng thêm 71,85 đồng.

Ngày 21/7/2014 vừa rồi, giá bán than cho các nhà máy điện tăng thêm 74.000 đồng/tấn (tăng xấp xỉ 5%). Theo phản hồi của EVN thì điều này đã gây sức ép không nhỏ cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện nói riêng và của Tập đoàn này nói chung.

Ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1) cho biết, hiện nay giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện là 1.484.000 đồng/tấn. Với giá than tăng  thêm 74.000 đồng/tấn, thì mỗi năm, chỉ tính riêng chi phí mua nguyên liệu đầu vào là than, đảm bảo cho các nhà máy hoạt động bình thường, GENCO 1 cần có thêm 370 tỷ đồng.

GENCO 1 đang quản lý cụm Nhiệt điện Uông Bí (gồm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Uông Bí mở rộng và Uông Bí mở rộng 2) công suất 730 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2) công suất 1.200 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than.

Tương tự, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc GENCO 2 cũng cho biết, GENCO 2 đang quản lý 2 đơn vị nhiệt điện lớn là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (công suất 1.040 MW) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (công suất 1.200 MW) – đây là 2 công ty sản xuất điện lớn (khoảng 6 tỷ kWh điện/năm) chiếm khoảng 5% sản lượng điện toàn hệ thống. Mức tiêu thụ than của 2 đơn vị này vào khoảng 7 triệu tấn/năm. Với giá bán than tăng  thêm 74.000 đồng/tấn, hàng năm, GENCO 2 cần thêm khoảng 500 tỷ đồng để mua than sản xuất điện.

Theo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nếu được phê duyệt, EVN có thể hạch toán toàn bộ số lỗ lũy kế 8.800 tỷ đồng (tính đến 31/12/2013) vào năm 2015, do vậy, cải thiện được năng lực tài chính công ty. Một mặt, điều này sẽ giúp EVN và các công ty thành viên đủ điều kiện để vay nợ ngân hàng phát triển thêm các dự án. Mặt khác, kỳ vọng EVN có thể tăng giá điện cho các nhà máy sản xuất điện như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH).

Theo nhận định của Bản Việt, đề xuất này là khả thi vì cản trở lớn nhất cho việc tăng giá điện là quan ngại về lạm phát (CPI). Tuy nhiên, CPI năm 2014 dự kiến sẽ chỉ là 2% – mức thấp nhất trong 10 năm và dự kiến năm sau cũng sẽ thấp.

Bản Việt ước tính nếu giá điện tăng 9,5% thì lạm phát tăng ít hơn 1%, và lạm phát 2015 dự kiến sẽ ở mức thấp, khoảng 3-4%.

Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP