|
Theo Khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong khi đó, theo Điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã dược cấp giấy phép hoạt động cấp.
Trạm Y tế chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà. Sau đó, người lao động cần nộp Giấy này cho Trung tâm y tế huyện để cấp Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Khi đã có được Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm y tế để có được Giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19/Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp Giấy và sẽ đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.
Không chỉ bị mất khoản tiền trợ cấp theo chế độ ốm đau, F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điểm a Khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Covid-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Như vậy, người nhiễm Covid-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị