Cô kính mến!
Anh trai của cháu không may bị thương cột sống hồi anh đi nghĩa vụ ở biên giới tây nam, tàn phế từ đó. Mẹ cháu chỉ có hai anh em cháu thôi, vì ba cháu theo vợ bé hồi tụi cháu còn nhỏ xíu. Ba mẹ con sống với nhau trên đất hương hỏa của nội, vì ba vậy nên bị nội từ mặt.
Anh về nhà với cây nạng, mẹ khóc hết nước mắt cô ơi. Nhưng anh làm được hết mọi việc, còn giỏi hơn đàn ông con trai trong xóm. Anh kiếm cá kiếm lươn, ăn không hết còn bán có tiền. Anh nuôi heo nuôi gà, sửa liếp trồng tỉa, mẹ cháu còn có rau chở ra chợ bán. Anh học làm nghề gỗ rồi đóng đồ, sửa nhà, rồi dựng được nhà cho dân trong xã.
Có người mai mối cho anh một cô giáo lỡ thì đồng nghiệp với cháu. Chúng cháu cùng khóa cao đẳng, đồng hương huyện nhưng học phổ thông khác nơi, ra trường, chị ở khu vực bên kia. Chị là con một, ba của chị là liệt sĩ hồi kháng chiến chống Mỹ.
Mẹ cháu phân vân lắm. Anh cháu có vợ, mẹ mừng nhưng người ta một mẹ một con, anh phải đi qua bên đó ở. Mẹ không sợ hiu quạnh vì vợ chồng cháu ở gần, mà sợ anh đơn độc, vì cuộc đời anh cực khổ từ nhỏ rồi. Mẹ chặc lưỡi, thôi, duyên số, biết đâu anh có con, đời anh thôi hiu quạnh. Không gì bằng vợ với chồng.
Đám cưới của anh cả xã mừng. Nhưng hóa ra, người khó đẻ con là chị H. Chị hư thai liên tục, bác sĩ nói tử cung chị sao đó mà cũng vì lớn tuổi rồi, ngoài ba mươi rồi, khó. Tội nghiệp anh của cháu biết bao nhiêu. Anh gầy dựng cho nhà vợ như nhà mình, sửa nhà, xây thêm nhà, làm mộc làm hàng, trồng cây, làm ruộng… anh vẫn có tiền chứ có ăn bám lương cô giáo của vợ đâu. Anh với chị H hạnh phúc đâu chừng được 10 năm, lúc cả hai quyết tâm để có con mà muốn vậy phải có tiền cho bác sĩ hiếm muộn. Hết hy vọng cũng hết cả tiền.
Bây giờ thì anh cháu già sụp mà H cũng đã ngoài năm mươi. Vấn đề là anh cháu đang bị nhà vợ hắt hủi. Anh đâu phải trường sức như người ta, thời trẻ anh cố gắng quá nên khi xuống sức thì bệnh hoạn tùm lum. Mẹ cháu muốn đem anh về, nhưng mới mở lời là má vợ của anh nổi xung mắng thẳng vô mặt bà sui cô ơi. Không ngờ mẹ cháu lại khóc anh lần nữa, vật vã như hồi anh về với cây nạng. Làm sao giải cứu anh trai cháu đây cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Thật đáng khâm phục một con người. Có rất nhiều tấm gương về nghị lực như vậy ở đời này. Cô nghĩ, nghị lực chưa đủ, nói vậy chưa đúng hoàn toàn và chưa thấu đáo. Những người ấy còn có tài, tài hoa, có tâm hồn và dĩ nhiên, rất có tư cách. Họ quyết sống bằng danh dự, họ không muốn bị thương hại, và nhờ có tài, có chí nên họ bật lên, như một ngôi sao ở tại nơi họ sống.
Nếu không như vậy, anh trai cháu không cưới được cô giáo. Ai cũng hy vọng cho cậu ấy, đâu riêng gì mẹ con cháu. Anh là người tài, người làm nức lòng dân xã mà, cô hình dung được. Một thương binh trẻ mà đi xây nhà, làm mộc, làm nông, bắt cá bắt lươn… làm gì cũng được thì đám cưới của anh người dân địa phương phải nức lòng chứ. Nhưng trời khắc nghiệt với cậu ấy quá, giá như những đứa con giữ được thì cái kết này lại một lần nữa, làm nức lòng dân xã.
Vì sao cậu ấy có vẻ bị hắt hủi? Là vì, nói chung, con người rất nhiều mặt tầm thường chứ không nhiều cao cả như ta vẫn tưởng đâu. Nguội, chán và hết hy vọng, trong khi đó, mẹ vợ và cô vợ kia lại thấy anh tiều tụy sớm quá. Như một nghệ sĩ hay vận động viên, đã quá cố gắng khi còn trẻ để có danh hiệu, khi già thì họ kiệt lực chứ. Sống với người nổi tiếng, tưởng có thể biến sự nổi tiếng ấy thành cơm thành cá, không, con người vốn là cái thứ hay đứng núi này trông núi nọ, hay cả thèm chóng chán. Và đời sống vợ chồng mà hít thở, ăn ngủ bằng chữ “chán” thì coi như tan.
Vấn đề là họ còn dùng cậu ấy được nên chưa cho tan. Vậy thì cháu nên nói mẹ và nói với anh, hãy tùy cậu ấy đi. Nhất định cậu ấy sẽ già sụp, bệnh hoạn như thể nhà sập bìm bìm leo, mẹ và em gái nên lẳng lặng chuẩn bị tinh thần đón cậu ấy về để chăm sóc. Nên nghĩ rằng, đã biết vợ, thế nào là vợ chồng, đã biết thế nào là hạnh phúc, mười năm hạnh phúc theo lời cháu. Nên nghĩ khoan thai, đừng nghĩ chanh bị vắt bỏ, nghĩ kiểu ấy mệt đầu óc mà không giải quyết được gì. Tuổi già, đau ốm, ruột thịt vẫn hơn, một giọt màu đào, còn cô vợ kia, hết duyên và thôi nợ, không con cái nên bỏ lửng hay bỏ có pháp lý cũng như nhau thôi.
Coi như một cuộc đời dài, có vinh quang và có cả cay đắng, như mọi người, cháu nhé. Buồn nhưng dẫu sao cậu ấy, người đàn ông ấy đã sống vẻ vang, hơn rất nhiều người trong xã sống lây lất qua ngày, không đem lại cho chung quanh điều gì tốt đẹp cả, hoặc tệ hơn, sống bệ rạc với nhậu nhẹt, bài bạc để làm khổ vợ khổ con.
Tác giả: DẠ HƯƠNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam