Phương pháp đấu tranh hợp lý, khoa học
Vận động tội phạm mang trọng án ra đầu thú là một hành trình đầy cam go, song kết quả sẽ giảm bớt sức người, sức của trong công tác điều tra phá án. Tuy nhiên, công tác vận động tội phạm trọng án ra đầu thú đòi hỏi trinh sát phải kiên trì, khéo léo đưa ra những lý lẽ thuyết phục để tạo lòng tin của chính đối tượng, cũng như gia đình, người thân của đối tượng để họ cùng hợp tác kêu gọi đối tượng “quay đầu” trình diện, chịu hình phạt theo quy định pháp luật...
Có thể nói vụ trọng án về giang hồ Quân “xa lộ” đến thời điểm này, cơ quan công an, trong đó có phòng 7, cục Cảnh sát Hình sự đã phá án thành công, nhanh chóng bởi phương pháp đấu tranh hợp lý, khoa học. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết tất cả đối tượng liên quan đến vụ án đã bị bắt và ra đầu thú.
Chiến công bao giờ cũng là của tập thể, tuy nhiên đằng sau đó có những sự hy sinh thầm lặng của lực lượng cảnh sát hình sự (CSHS). Trong vụ trọng án này là sự tham gia của cục Hình sự, bộ Công an và chiến sĩ CSHS. Sau khi gây án các đối tượng cầm đầu, tổ chức, gây án và liên quan đều đã sa lưới. Thậm chí, khi hàng loạt đối tượng tham gia truy sát Quân “khùng” ra đầu thú, nhiều tờ báo, trang mạng đã nói “vì chúng sợ đàn em của Quân “khùng” trả thù nên mới đầu thú”.
Nếu nói như vậy, rõ ràng đã phủ nhận mọi thành quả đấu tranh của lực lượng công an, phủ nhận sự gian khổ đấu tranh trên “mặt trận không tiếng súng” của lực lượng trinh sát hình sự. Rất ít người biết rằng, có được thành công của vụ án, đằng sau đó là cả một quá trình đấu tranh cân não và sự hoạt động thầm lặng của trinh sát hình sự.
Chia sẻ về quá trình các đối tượng trên ra đầu thú, ông Nguyễn Tiến Dũng, sĩ quan phòng 7, cục Cảnh sát Hình sự cho biết: “Để bắt hết tất cả những đối tượng tham gia, liên quan đến việc truy sát Quân “xa lộ” trong thời gian ngắn và đồng loạt có thể cơ quan công an sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Ngoài ra phải huy động, tung lực lượng dày và đồng loạt nên sẽ tốn kém ngân sách Nhà nước”.
Điều chưa biết về hành trình phá vụ án Quân “xa lộ”. Ảnh minh họa |
“Tuy nhiên sau khi xác định được nhân thân các đối tượng, bằng biện pháp nghiệp vụ sắc bén, sự khôn khéo, mềm mỏng trong việc tuyên truyền, vận động nên trong 2 ngày 9 và 10/11 đã có 6 đối tượng trực tiếp tham gia truy sát Quân “xa lộ” chủ động liên hệ cơ quan công an để đầu thú”, ông Dũng nói.
Rõ ràng đây là một thành công trong công tác đấu tranh bắt giữ tội phạm, đưa đến kết quả ngoài mong đợi chỉ trong thời gian cực ngắn. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một quá trình đấu trí căng thẳng của cục C02, là việc phân tích chi tiết tâm lý từng đối tượng nghi phạm và bên cạnh đó là một hệ thần kinh thép và những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ trinh sát, khi đối mặt với những tên tội phạm giết người.
Theo ông Dũng, các đối tượng ra đầu thú đều là những tên tội phạm trọng án giết người. Đa số chúng là thành phần có nhiều tiền án, tiền sự và sử dụng ma túy, thậm chí có đối tượng không còn gì để mất. Khi chúng quyết định ra đầu thú là cả một vấn đề, đó là gia đình, người thân, vợ con, cha mẹ nên diễn biến tâm lý chúng vô cùng phức tạp và thay đổi liên tục.
Trinh sát hình sự một mình giáp mặt các nghi phạm
Sau khi vận động được gia đình, người thân khuyên nhủ các đối tượng ra đầu thú. Chiều tối mùng 9/11, 5 đối tượng tham gia trúy sát Quân “khùng” đồng loạt liên hệ trinh sát hình sự xin ra đầu thú. Thời điểm này, nếu huy động các đơn vị hỗ trợ sẽ gây ồn ào và đánh động dư luận cũng như các đối tượng khác còn đang lẩn trốn. Mặt khác, khi thấy có động lực lượng công an, có thể các đối tượng sẽ bị tâm lý, thay đổi ý định và làm liều. Từ đó trinh sát đã xin ý kiến cấp trên và quyết định hành động một mình. Khi những đối tượng lộ diện, dường như chúng vẫn còn có sự ngoan cố và một chút luyến tiếc, chúng chưa hẳn đã sẵn sàng đến cơ quan công an trình diện. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ đấu tranh vào tâm lý tội phạm, chỉ những câu nói, những lời trò chuyện đánh vào thiện tâm con người và khơi dậy tình cảm, mối quan hệ gia đình. Các đối tượng hoàn toàn cúi đầu, lên xe về cơ quan công an.
Lãnh đạo phòng 7, C02 cho biết: “Trinh sát của chúng tôi phải đối mặt với 4 tên tội phạm nguy hiểm trên ô tô. Để đấu tranh với chúng, ngoài nghiệp vụ sắc bén, trinh sát của chúng tôi phải liên tục đọc suy nghĩ, diễn biến tâm lý từng đối tượng và đưa ra phương pháp đấu tranh hợp lý”. Đặc biệt trong số những đối tượng ra đầu thú, có Hồ Thanh Phương (còn gọi là Sử, SN 1986) được xác định là đối tượng cầm đầu nhóm đàn em truy sát Quân “khùng”, Sử là đối tượng “không còn gì để mất”, bởi đối tượng này đang nhiễm HIV giai đoạn cuối. Trong quá trình áp giải đối tượng này về trụ sở công an, Sử đã có những biểu hiện thay đổi tâm lý.
Để khống chế đối tượng cầm đầu này, trinh sát đã phải còng tay hắn vào tay trinh sát trong suốt quá trình di chuyển. Trinh sát hình sự đã đặt cược mạng sống của mình lên đại cục, bất chấp nguy hiểm khi tiếp xúc với đối tượng “giai đoạn cuối” mà không có biện pháp bảo vệ. Sau khi bàn giao xong các đối tượng, trinh sát hình sự lặng lẽ đi tiêm ngừa 2 mũi điều trị phơi nhiễm HIV, rồi lại tiếp tục đánh án..
Tác giả: HOÀNG VIÊT
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật