Trong nước

Đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán, thống nhất giờ làm việc trong toàn quốc

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 được Bộ LĐ-TB&XH ban hành tối 28/4/2019 đang mở ra nhiều nội dung mới nhằm lấy ý kiến dư luận xã hội, trong đó có việc đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán và thống nhất giờ làm việc trong toàn quốc.

Nghiên cứu không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán

Việc quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ ngày 1/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam còn dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2019 của Chính phủ giao “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”.

Trên cơ sở đó, nội dung dự thảo Tờ trình sửa đổi Luật Lao động đã đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.

Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù".

Tuy nhiên, quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với Phương án 1.

Đề xuất thống nhất phương án về giờ làm việc

Nội dung dự thảo Tờ trình cũng đề cập về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

Theo đó, ở Việt Nam, việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp vẫn do chủ sử dụng lao động thực hiện. Giờ làm việc của cơ quan hành chính do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang làm vẫn xảy ra một số tồn tại.

Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông). Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.

Thực tế này chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương và không phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và NLĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 02 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như sau:

Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đề xuất trên nhằm giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

Tác giả: Hoàng Mạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP