Trong nước

Dấu ấn Việt Nam bao trùm Đối thoại Shangri-La 12

“Bài phát biểu đánh giá đúng đắn và công bằng giải pháp cho các vấn đề của thế giới và khu vực, dựa trên chuẩn mực luật quốc tế”, nhà phân tích chính trị Nga nói về bài phát biểu của Thủ tướng VN.


Khi Việt Nam lên tiếng…


Cùng với những diễn đàn quan trọng hàng đầu như Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn đối thoại khu vực ASEAN (ARF), Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương… Hội nghị An ninh châu Á, (Đối thoại quốc phòng Shangri-La), sự kiện được tổ chức hàng năm tại Singapore, ngày càng thu hút sự quan tâm của các Chính phủ, học giả nghiên cứu và dư luận khu vực cũng như toàn thế giới.


Trong những năm gần đây, Đối thoại Shangri-La, với sự tham gia của một số người đứng đầu nhà nước và Chính phủ, nhiều bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc châu Á – Thái Bình Dương, đã ngày càng thẳng thắn và cởi mở khi đề cập đến những vấn đề thời sự nóng của khu vực, đưa ra những cảnh báo và gợi ý. Đối thoại Shangri-La cũng là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao của các nước tiến hành các cuộc gặp gỡ đa phương và song phương, tăng cường hiểu biết, giảm thiểu các bất đồng, mở rộng cơ hội hợp tác về an ninh khu vực.


Tại Hội nghị Shangri-La lần thứ 12 năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu khai mạc sự kiện.


Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có trọng tâm đề cập đến xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á -Thái Bình Dương, nhấn mạnh “lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành” hay “để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia – nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương”.


Thủ tướng khẳng định “các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới… Nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Tướng Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc vẫn ra sức “thanh minh” rằng Trung Quốc không có tư tưởng bá quyền nhưng lại ngang ngược khẳng định tàu chiến Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra ở những vùng biển mà Bắc Kinh tự cho là họ “có chủ quyền”.


Bài phát biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết. “ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Tuy không trực tiếp đề cập đến một trường hợp cụ thể nào nhưng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đủ để người nghe nhận diện rõ đối tượng đang có “những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” ảnh hưởng đến hòa bình của khu vực.


… thế giới cũng phải “gật đầu”


Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu của mình, giới truyền thông, các học giả quốc tế đã gần như ngay lập tức có những bài viết và phát biểu ủng hộ mạnh mẽ bởi những điều mà Thủ tướng nói dù là với tư cách là người đại diện quan điểm cho Việt Nam phản ánh một cách rất đúng đắn và chân thực những gì cả châu Á – Thái Bình Dương đang cần vào lúc này.


Trên tờ ABS-CBNNEWS (Philippines) người ta thấy có bài viết với tiêu đề Thủ tướng Việt Nam chỉ trích những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ trong đó trích dẫn một cách rất “tâm đắc” phát biểu của Thủ tướng “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Hãng tin Reuters (Anh) có bài viết Việt Nam kêu gọi đoàn kết khu vực trước các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc còn tờ nhật báo uy tín của Mỹ, Wall Street Journal nhận định qua bài báo có tiêu đề Thủ tướng Việt Nam ủng hộ Mỹ có vai trò lớn hơn trong giải quyết xung đột khu vực. Channel NewsAsia có bài: “Thủ tướng Việt Nam kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược” còn báo chí Indonesia cũng khẳng định “Việt Nam chia sẻ tầm nhìn giải quyết thách thức địa chính trị trong khu vực”.


Bên cạnh đó, giới truyền thông của một loạt các nước châu Á khác như Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản cũng tỏ ra rất “phấn khích” với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Báo Singapore viết “Thủ tướng Việt Nam kêu gọi hoà bình và đoàn kết trong ASEAN” còn hãng tin NHK (Nhật Bản) cũng có bài Thủ tướng Việt Nam kêu gọi giải quyết tranh chấp khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Australia.


Có một điểm thú vị là cuộc hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La 12 giữa Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Australia, các Bộ trưởng đã cùng nhau đi đến một tuyên bố chung khá gần gũi với những gì Thủ tướng Việt Nam đã nói trong bài phát biểu khai mạc. Tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho bất kỳ xung đột nào dựa trên luật pháp quốc tế và phản đối bất kỳ nỗ lực nào mang tính cưỡng chế để thay đổi hiện trạng các vùng biển tranh chấp ở châu Á.


Giới học giả quốc tế “vỗ tay” nhiệt liệt


Không chỉ đánh giá cao những nội dung và cách tiếp cận vấn đề một cách “vừa đủ cương quyết, vừa đủ khôn khéo” trong bài phát biểu, giới học giả quốc tế tham dự sự kiện này còn tán thưởng rất nhiệt liệt những câu trả lời trong phần hỏi đáp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Geoffrey Till, tác giả cuốn Bành trướng hải quân ở châu Á, nhận định: Thủ tướng Việt Nam khôn ngoan khi không trả lời câu hỏi “rất hung hăng” của đại diện Trung Quốc về những trường hợp vi phạm luật quốc tế. Theo ông, câu hỏi như một cái bẫy và câu trả lời có thể dẫn hội nghị tới không khí đối đầu, căng thẳng trong các trao đổi sau đó.


“Nhìn tổng thể đó là bài diễn thuyết rất tốt. Tôi nghĩ những gì Thủ tướng Việt Nam nói là hoàn toàn đúng đắn. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất mà các nước ở Biển Đông còn mâu thuẫn về lãnh hải có thể giải quyết mâu thuẫn hiện tại. Chúng ta cần tìm cách để có một thỏa thuận nào đó”, Giáo sư Geoffrey Till nhấn mạnh.


Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, một nhân vật rất am hiểu các vấn đề quốc phòng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Thủ tướng Việt Nam gây ngạc nhiên cho nhiều người với những bình luận rất thẳng thắn ngay ở đầu bài phát biểu. Dù ông không nêu tên nước nào nhưng mọi đại biểu đều biết đó là những nước nào”. Ông Carl Thayer còn tiết lộ rằng Cao ủy của New Zealand và các quan chức Mỹ “đặc biệt hài lòng với thông báo của Thủ tướng Việt Nam về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình” vì họ “nhanh chóng ghi chú lại khi nghe điều đó”. Theo ông, các quan chức Mỹ “hài lòng về bài phát biểu và định hướng của quan hệ Việt – Mỹ”.

Giáo sư Carlyle A. Thayer và giáo sư Geoffrey Till.


Đại diện của giới học giả Nga, ông Petr Tsvetov, nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nga, cố vấn Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Nga bình luận: “Tuy ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu, bài phát biểu như đã đưa ra một phương thuốc, hay nói một cách khác là cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay.


Một điều rất đáng chú ý đó là Thủ tướng Việt Nam đã đưa ra ý tưởng mới về sự cần thiết phải nhấn mạnh lòng tin chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình dương. Tôi cảm nhận được rằng, ngài Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rất đúng đắn bản chất của các cuộc xung đột, bất đồng tại khu vực châu Á – Thái Bình dương trên cơ sở phân tích hàng loạt tranh cãi, bất đồng, xung đột, hay nói ngắn gọn là sự hoài nghi chính trị làm nảy sinh tình trạng bế tắc, dẫn đến chỗ các cuộc xung đột vì thế không thể hoà giải được. Tôi cho rằng đó là sự biến chuyển đột phá trong quan điểm, trong cách đặt vấn đề của Ngài Thủ tướng.


Bên cạnh đó, tôi thấy rằng, bài phát biểu đã đánh giá một cách kịp thời, đúng đắn và công bằng các giải pháp cho các vấn đề của thế giới cũng như của khu vực châu Á – Thái Bình dương, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các chuẩn mực luật pháp quốc tế cơ bản đã được công nhận”.


Giáo sư Kanti Bajpai của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) phát biểu: “Điều quan trọng trước hết, Thủ tướng là người đầu tiên phát biểu tại cuộc Đối thoại, nó cho thấy Việt Nam rất quan tâm và coi trọng Diễn đàn này. Điểm thứ hai là bài diễn văn đã nêu lên quan điểm về lòng tin chiến lược, tôi cho rằng điều này là quan trọng. Đã có một số diễn biến ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt về vấn đề biển Đông thu hút sự chú ý và lo lắng của dư luận và tôi cho rằng Thủ tướng đã rất đúng khi chỉ ra rằng việc xây dựng lòng tin, đặc biệt giữa các cường quốc”.


Ông Clive Coombes, Tùy viên quân sự Anh tại Singapore cho biết: “Tôi rất quan tâm đến bài phát biểu của Thủ tướng, đặc biệt liên quan đến quân sự. Tôi cảm kích khi nghe Thủ tướng nói về vấn đề hợp tác quốc tế, đặc biệt từ góc nhìn của Vương quốc Anh và và thế giới nói chung, việc Việt Nam chính thức tuyên bố về hoạt động gìn giữ hoà bình… Tôi rất vui mừng được nghe và chứng kiến Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động chung của thế giới”.


Ông Andrew Billo, Tổ chức Nghiên cứu châu Á, Mỹ: “Tôi nghĩ bài phát biểu của Thủ tướng được đánh giá cao. Theo tôi, một mặt Thủ tướng đã tập trung nhiều vào vấn đề củng cố lòng tin, việc xây dựng lòng tin và mối quan hệ hợp tác. Ông nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á, những tiến bộ mà ASEAN đã đạt được để trở thành một tổ chức có vai trò ngày càng quan trọng hơn, nhất là trong việc hợp tác với Trung Quốc.


Theo tôi, lòng tin là yếu tố trọng tâm vô cùng quan trọng để giải quyết rất nhiều vấn đề. Mặt khác, ông cũng chỉ ra những hành động đơn phương gây quan ngại trên Biển Đông. Tôi cho rằng ông đã đúng khi nhấn mạnh điều mà nhiều nước, trong đó có Việt Nam quan ngại do ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ. Một mặt ông đã mở rộng khả năng hợp tác hơn nữa, đồng thời cũng chỉ ra những thách thức hiện hữu trong khu vực”.


Theo Infonet

  Từ khóa: đối thoại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP