Đài Bắc, Đài Loan (Ảnh minh họa: Youtube) |
Theo SCMP, đảo Đài Loan đang đối mặt với việc “chảy máu chất xám” sang đại lục. Vì vậy, chính quyền hòn đảo đề xuất một dự luật nhằm tạo nên những cơ chế dễ dàng hơn cho sinh viên và công nhân lành nghề có thể sinh sống và làm việc tại đây.
Dự luật này chuẩn bị được trình lên cơ quan lập pháp Đài Loan và tiến hành biểu quyết trong tháng tới. Nếu được thông qua nó sẽ đi vào hiệu lực vào đầu năm tới.
Từ năm 2014 tới nay, các công ty Trung Quốc đã có những chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài trong các ngành nghề từ Đài Loan chuyển qua đại lục làm việc, nhất là trong ngành sản xuất chíp điện tử - ngành thế mạnh của hòn đảo. Đây là một phần chủ chốt trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền công nghiệp Trung Quốc phát triển nhanh chóng, giảm thiểu sự phụ thuộc của nước này vào các công ty nước ngoài cho các sản phẩm liên quan tới điện tử, vốn được sử dụng để chế tạo từ điện thoại thông minh cho tới vệ tinh quân sự.
Các công ty Trung Quốc đưa ra những khoản tiền lương hấp dẫn, chế độ nhà ở, đãi ngộ mà các công ty Đài Loan không có đủ tiềm lực để có thể tham gia vào cuộc đua này. Chính vì vậy, làn sóng các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu Đài Loan chuyển qua đại lục làm việc đã dần hình thành. Không chỉ quan ngại về việc mất đi lợi thế cạnh tranh và rò rỉ công nghệ, Đài Loan còn phải đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự chủ lực trong tương lai.
Ngoài giải quyết vấn đề nhà khoa học, kỹ sư bậc cao bị thu hút bởi chế độ đãi ngộ "hấp dẫn" từ phía Trung Quốc, dự luật này còn nhằm giúp Đài Loan đối phó với tình trạng dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.
Theo số liệu thống kê của cơ quan hành pháp hòn đảo, các ngành công nghiệp chủ chốt của Đài Loan, bao gồm ngành xuất khẩu linh kiện điện tử, đang thiếu khoảng 218.000 công nhân. Nếu dân số hòn đảo tiếp tục giảm vào năm 2021 như dự đoán, số lượng người trong tuổi lao động của Đài Loan sẽ còn tiếp tục giảm tiếp.
“Cho đến năm 2026, 20% dân số Đài Loan sẽ lớn hơn 65 tuổi và trong những năm sau đó, sự thiếu hụt lao động sẽ trở nên nghiêm trọng. Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2065, dân số Đài Loan sẽ rơi xuống mức 16-18,8 triệu, so với con số 23,57 triệu năm 2018”, người đứng đầu Hội đồng Phát triển Đài Loan Chen Mei-ling cho hay.
Những số liệu trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật nhằm thu hút thêm những người ở lứa tuổi lao động tới Đài Loan học tập và làm việc.
Nới lỏng quy chế
Theo đó, những người có tài năng đặc biệt sẽ được quyền nộp hồ sơ xin cấp quyền thường trú dài hạn ở hòn đảo sau khi làm việc ở đây 3 năm. Các chuyên gia nước ngoài sẽ được ưu đãi tương tự trong điều kiện làm việc 5 năm và với các kỹ thuật viên tầm trung hay công nhân lành nghề, điều kiện là 7 năm. Các sinh viên tốt nghiệp và làm việc ở Đài Loan từ 5-7 năm sẽ đủ tiêu chí để đăng ký.
Dù các quốc gia Đông Nam Á là mục tiêu mà Đài Loan hướng tới, nhưng dự luật sẽ không giới hạn các sinh viên và chuyên gia đến từ các nước nằm ngoài khối ASEAN.
Nhìn chung, dự luật trên rất được lòng các lãnh đạo trong ngành công nghiệp Đài Loan. Họ cho rằng đây là động thái cần thiết để bổ sung thêm nguồn lao động cho hòn đảo trong bối cảnh các công ty đại lục đang lôi kéo làn sóng nhân tài sang đại lục.
Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng việc Đài Loan sửa luật như vậy sẽ không tạo nên sự kích thích trong việc khuyến khích những người có quyền thường trú dài hạn mua trái phiếu và có thể làm ảnh hưởng tới nguồn đầu tư từ bên ngoài hòn đảo.
Các ý kiến này cho rằng các lãnh đạo Đài Loan nên học tập Singapore và Mỹ, các nước cho phép người nộp hồ sơ xin cấp quyền công dân phải có một khoản đầu tư nhất định vào các quốc gia này.
Dự luật trên được đề xuất trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan và đại lục đang leo thang kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nhậm chức năm 2016. Trong khi bà Thái là người có quan điểm phản đối chính sách “Một Trung Quốc”, thì phía Bắc Kinh lại giữ vững quan điểm rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không loại trừ khả năng có thể sử dụng vũ lực để gây áp lực lên hòn đảo.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí