Giáo dục

Có nên đưa điều khoản “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào luật?

Phát biểu về việc có nên đưa điều khoản “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào luật Giáo dục sửa đổi hay không, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) chia sẻ: "Việc đưa quy định này vào luật sẽ làm tổn thương các nhà giáo".

Luật sư Trương Thị Hòa

Ngày 2/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) với những ý kiến đóng góp rất thiết thực.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, cần suy nghĩ, cân nhắc việc đưa khoản “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào Điều 69 quy định về các hành vi nhà giáo không được làm.

Theo quan điểm của bà Hoà, việc giáo viên ép học sinh học thêm chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", không nên đưa vào luật những hiện tượng không phổ biến.

"Nhắc đến vấn đề dạy thêm học thêm, nhiều giáo viên rất ngậm ngùi về nghề. Chúng ta cần cân nhắc điều này bởi những quy định trong Luật sẽ góp phần tạo nên hình ảnh, vị thế nhà giáo. Việc đưa quy định này vào luật sẽ làm tổn thương các nhà giáo", bà Hòa nói. Đồng thời bà Hòa đề xuất đưa mục “nhà giáo nêu gương tốt cho người học” thành một mục riêng để nâng cao vị thế nhà giáo.

Bên cạnh đó, bà Hòa đặt vấn đề, trong dự án Luật Giáo dục có nêu về giải thể nhà trường, vậy liệu có tình trạng “phá sản nhà trường” hay không, đặc biệt là đối với các trường tư? Theo bà Hòa, dù có là trường tư tự chủ thì hoàn toàn không nên có chuyện “phá sản” trong giáo dục.

GS Phạm Phụ

Với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục, GS Phạm Phụ đề xuất cần đẩy mạnh phát triển giáo dục tư thục, đặc biệt là ĐH tư thục, sau đó là các trường tư thục bậc THPT theo đúng xu thế của các nước phát triển. GS Phạm Phụ khẳng định: “Việt Nam chưa có giáo dục phi lợi nhuận đúng nghĩa”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho rằng, quy định hiện nay về sĩ số lớp ở các bậc học như tiểu học không quá 35, THCS không quá 45 học sinh thế nhưng lại không có cơ chế gì để đảm bảo các Nghị định này được thực hiện. Trừ một vài huyện vùng ven còn lại sĩ số ở TPHCM rất cao, tiểu học có nơi đến 60 học sinh/lớp.

“Với điều kiện như vậy cần phải có cơ chế với bao nhiêu học sinh thì ngân sách sẽ đầu tư, xây dựng trường lớp như thế nào. Điều này cần đưa vào luật để không ảnh hưởng đến quyền học tập đạt chuẩn chất lượng của học sinh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cũng góp ý, Luật Giáo dục chỉ nên quy định hai loại hình trường chính là công lập (có vốn đầu tư nhà nước) và ngoài công lập (vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân). Trong đó loại hình ngoài công lập bao gồm các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Cách phân chia theo loại hình đầu tư như vậy sẽ thuận tiện hơn trong công tác quản lý.

Tác giả: Bạch Dương

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP