|
Giao thừa là gì?
“Giao thừa” theo nghĩa đen tức là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy”, ý chỉ lúc năm cũ qua, năm mới đến.
Vì thế, người dân luôn tin rằng, cứ năm hết, tết đến thì vị thần năm nay sẽ bàn giao công việc cho vị thần năm tới. Lễ cúng giao thừa nhằm mục đích "tiễn thần cũ, đón thần mới".
Nghi lễ cúng lúc giao thừa là để đón các Thiên binh thiên tướng đi hành khiển, thị sát. Người xưa tin rằng, ở dưới dương gian không có người cai quản, nên Ngọc Hoàng đã cử 12 ông hành khiển luân phiên nhau coi sóc việc ở cõi trần.
Tại đúng thời điểm giao thừa, các quan hành khiển sẽ đi thị sát cõi trần và làm lễ bàn giao. Việc bàn giao đó diễn ra vô cùng chóng vánh, khẩn cấp nên đôi khi, các vị quan không thể vào nhà mà chỉ ở ngoài trời, chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Chính vì thế, nhiều gia chủ thường xuyên đặt lễ vật ngoài sân, ngoài hiên nhà.
Lễ vật cúng giao thừa năm Tân Sửu 2021 gồm:
Gà trống hoặc thủ lợn
Bánh chưng
Bánh kẹo
Trầu cau
Hoa quả
Nến
Rượu, trà, nước
Mâm cỗ mặn ngày Tết
Vàng mã, mũ áo, bài vị của quan Hành khiển năm Tân Sửu (màu trắng - dành riêng cho mâm cúng ngoài trời)
Năm Tân Sửu, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời không thể thiếu gà trống luộc. Bởi lễ vật này thuộc tam hợp Tỵ Dậu Sửu, rất tốt cho năm Trâu.
Cúng giao thừa ngoài trời
|
Trong dịp đặc biệt chuyển giao giữa năm cũ và năm mới này, các gia đình làm hai lễ: một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.
Nghi lễ này mới nhằm mục đích chính là tiễn đưa vị thần năm cũ và chào đón vị thần năm mới tới chăm lo việc cho nhân dân.
Trong khoảng thời gian này, các vị hành khiển đi trên đường đều rất vội vàng, nên chỉ đi lướt qua mỗi hộ gia đình, vì thế mà mâm cỗ cúng thường để ở ngoài sân (hoặc ngay gần lối vào nhà).
Năm nay, Hỷ thần ở hướng Tây Nam, Tài thần cũng ở hướng Tây Nam. Vì thế, gia chủ có thể nhằm vào hướng này mà cúng khấn.
Lưu ý: Người đứng khấn cần quay mặt về hướng Tây Nam mà cúng chứ không nhất thiết phải đặt mâm cỗ (con gà, đĩa xôi…) về hướng đó.
Cúng giao thừa trong nhà
Sau khi hoàn tất lễ cúng ngoài trời, gia chủ vào trong nhà, đứng trước bàn thờ gia tiên để thực hiện lễ cúng giao thừa trong nhà.
Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính và trang trọng, toàn thể thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên cầu khấn cho một năm mới được khoẻ mạnh, vạn sự may mắn tốt lành.
Lưu ý: Khi cúng giao thừa, cả gia đình đứng nghiêm trang trước ban thờ để khấn tổ tiên. Trước khi khấn tổ tiên, các gia chủ thường khấn Thổ công (vị thần cai quản trong nhà) để xin phép mời tổ tiên cùng các bậc tiền nhân về ăn Tết.
5 điều kiêng kỵ và nên làm khi cúng giao thừa để cả năm may mắn
1. Sau khi thực hiện lễ cúng giao thừa ngoài trời nhằm đón quan Hành khiển mới, tiễn quan Hành khiển cũ thì gia chủ mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà.
2. Mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất. Mặc dù có thể tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng gia đình để chuẩn bị mâm cúng cho hợp lý tuy nhiên, cũng không nên chuẩn bị quá sơ sài bạn nhé.
3. Tùy phong tục từng vùng miền và địa phương sẽ có mâm cỗ cúng khác nhau nhưng trên cơ bản bạn cần có hương, đèn, trà rượu, muối gạo, hoa quả, xôi, bánh chưng,...
4. Bên cạnh đó, vào đêm cúng giao thừa, người trong gia đình cần hòa thuận, tránh tình trạng cãi vã, to tiếng với nhau, tránh làm đổ vỡ đồ vật...
5. Không nên soi gương vào đêm giao thừa vì quan niệm người xưa cho rằng như vậy có thể nhìn thấy ma quỷ, đồng thời khiến cả năm gặp điều không may.
Lễ cúng giao thừa có ý nghĩa rất linh thiêng và quan trọng, đánh dấu một năm cũ trôi qua và chào đón năm mới thuận lợi, nhiều niềm vui vì thế hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng và cẩn thận cho lễ cúng này để có một năm mới trọn vẹn, may mắn các bạn nhé!
(Thông tin chỉ mang tính tham khảo)
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn tin: Báo GD&TĐ